'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả

Hoàng An - 21:19, 19/04/2023

TheLEADERVới mong muốn giúp sinh viên các trường đại học nhận thức, thấu hiểu và trải nghiệm hoàn cảnh sống của người khuyết tật, các bạn trẻ thuộc nhóm Sáng kiến “Kết nối thanh niên, thúc đẩy hòa nhập” đã tổ chức sự kiện "Không khoảng cách" tại Học viện Ngoại giao vào ngày 16/4 vừa rồi.

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả
Hoạt động Định hướng di chuyển với sự hướng dẫn của các bạn sinh viên trong CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội

Đây là sự kiện do nhóm sáng kiến “Kết nối thanh niên, thúc đẩy hòa nhập” (thành lập bởi Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp cùng 7 hội, câu lạc bộ, nhóm, trung tâm của người khuyết tật tổ chức, nhằm thúc đẩy hòa nhập người khuyết tật.

Chương trình mong muốn dùng sáng kiến của người trẻ để đem đến cái nhìn chân thực về thực trạng hòa nhập người khuyết tật trong môi trường học đường, từ đó khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam tham gia vào các hoạt động thúc đẩy hòa nhập người khuyết tật nhiều hơn.

Mong muốn được cống hiến và trao đi giá trị

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tại Việt Nam, cứ 14 người thì có 1 người là người khuyết tật, chưa kể hàng triệu người khuyết tật chưa được ghi nhận do những dấu hiệu khuyết tật bị ẩn đi. Vậy nhưng, nhiều người khuyết tật, đặc biệt là nhóm thanh niên, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau do thiếu những hỗ trợ cần thiết về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và việc làm. Để khắc phục những rào cản này, vai trò của thanh niên là vô cùng quan trọng.

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả
Ông Patrick Haverman - Phó Đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình

Ông Patrick Haverman - Phó Đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Với quy mô đến hơn 23 triệu người, thanh niên Việt Nam là động lực chính mang tới sự thay đổi. Các bạn có năng lượng, sự cam kết và ý tưởng sáng tạo để xây dựng một xã hội quan tâm tới khả năng, nhu cầu của tất cả mọi người.”

Bởi vậy, hai phiên hoạt động của sự kiện “Không khoảng cách” đều lấy sinh viên làm trung tâm, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết, thấu cảm, thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo của sinh viên, thanh niên trong hỗ trợ người khuyết tật.

Trong phiên thứ nhất của sự kiện, với sự điều phối của chị Nguyễn Minh Châu - Điều phối viên quốc gia về hòa nhập người khuyết tật của UNDP, bạn Hoàng Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật và chị Lê Hương Giang - Chuyên viên tâm lý, MC Đài truyền hình Việt Nam đã chia sẻ về những khó khăn và cách vượt qua rào cản khi là một người khuyết tật. 

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 1
Diễn giả Hoàng Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật

Luôn bị bạn bè trêu chọc bởi những câu nói gây tổn thương như: “con què”, “con tật nguyền” hay “con lùn”, bạn Hoàng Thị Phương đã quyết định không thi lên cấp ba mà học trường nghề cho người khuyết tật sau khi tốt nghiệp THCS vì không thể vượt qua được sự tự ti và mặc cảm của bản thân trong môi trường giáo dục hòa nhập.

Tại trường nghề dành cho người khuyết tật, Phương cảm thấy được hòa nhập với mọi người xung quanh hơn, không bị phán xét hay chỉ trỏ khi đi ra ngoài, được tự do thoải mái là chính mình...

Cũng chính từ lúc học ở đây, Phương được tiếp xúc với bạn bè ở nhiều dạng tật nghiêm trọng hơn và bắt đầu hình thành mong muốn giúp đỡ những người xung quanh. Để có thể làm được điều đó, Phương đã quyết định bỏ ngoài tai những lời nói bên ngoài quay về thi cấp 3 để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một cô giáo đặc biệt.

Cho đến nay, Phương đã là sinh viên năm 3 chuyên ngành giáo dục đặc biệt và đang từng ngày tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện, đặc biệt là hoạt động về người khuyết tật.

Trong khi đó, là một người khiếm thị, Lê Hương Giang đến với nghề MC đài truyền hình với tinh thần tò mò, sẵn sàng học hỏi và khám phá. Về nước sau khi đạt được một giải thưởng về công nghệ thông tin quốc tế, là một người hoạt ngôn, nhanh nhẹn, Hương Giang được các anh chị đài truyền hình Việt Nam đề nghị thử dẫn chương trình tại đài, và trở thành MC khiếm thị đầu tiên trên sóng truyền hình cả nước. 

Chia sẻ về hành trình đi đến đam mê của mình, Hương Giang cho biết: "Hồi đầu mình rất ngại nghe lại những chương trình mình dẫn vì nghĩ rằng mình nói rất tệ. Nhưng sau khi nhận được thư cảm ơn của những người khuyết tật trên cả nước, bày tỏ rằng cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn khi lắng nghe những câu chuyện của mình, mình đã trở nên tự tin hơn rất nhiều vì đã phần nào đóng góp được sức lực vào hoạt động hỗ trợ người khuyết tật. 

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 2
Diễn giả Hương Giang (áo đen) - Chuyên viên tâm lý, MC Đài truyền hình Việt Nam

Khi nhắc đến người khuyết tật, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng họ là những người yếu thế, cần nhận được sự giúp đỡ từ người khác, nhưng với Hoàng Phương, Hương Giang và nhiều bạn trẻ khuyết tật, đang nung nấu ước mơ ý chí phấn đấu, người khuyết tật vẫn có thể cống hiến và mang đến những giá trị tích cực cho xã hội.

Hai diễn giả với những trải nghiệm và những góc nhìn riêng biệt nhưng đều hướng tới một thông điệp chung, rằng bất kể bạn là ai, hãy trao đi yêu thương để xóa tan những rào cản, trao đi nguồn năng lượng tích cực để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Thấu hiểu để hòa nhập cho tất cả

Trong phiên thứ hai của sự kiện, các bạn sinh viên tại Học viện ngoại giao đã được trực tiếp tham gia vào các hoạt động, trải nghiệm những khó khăn mà người khuyết tật thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, với sự hỗ trợ hướng dẫn, giảng dạy chi tiết từ các CLB, hội, nhóm của người khuyết tật. 

Qua hoạt động này, các bạn sinh viên được trải nghiệm học ngôn ngữ kí hiệu của người điếc và nhận ra rằng đây không phải là ngôn ngữ toàn cầu, mà mỗi quốc gia đều có ngôn ngữ kí hiệu riêng.

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 3
Hoạt động trải nghiệm học ngôn ngữ ký hiệu do Chi hội người điếc Hà Nội và Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội hỗ trợ giảng dạy

Trải nghiệm này cũng xóa bỏ những hiểu lầm về việc hỗ trợ người khuyết tật. Ví dụ, với người khuyết tật vận động và cần dùng xe lăn, khi đi xuống dốc, thay vì đi cùng chiều dốc xuống, người hỗ trợ nên để xe lăn ngược chiều, tránh trường hợp ngã úp sấp đối với người khuyết tật...

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 6
Hoạt động trải nghiệm đi xe lăn và hỗ trợ người đi xe lăn do Trung tâm Sống độc lập và Nhóm Vì tương lai tươi sáng tổ chức
'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 7
Hoạt động Định hướng di chuyển với sự hướng dẫn của các bạn sinh viên trong CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội

Qua sự kiện, các bạn sinh viên không chỉ có được cái nhìn toàn cảnh mà còn thấu hiểu phần nào những khó khăn của người khuyết tật trong quá trình học tập và sinh hoạt thường ngày. Đa số các bạn sinh viên bày tỏ trân trọng nỗ lực vượt qua các rào cản trong cuộc sống của người khuyết tật. Các bạn đặc biệt ấn tượng với các hoạt động trải nghiệm, chia sẻ rằng những hoạt động này rất “khó” nhưng cũng rất thú vị, đặc biệt khi được giao lưu với các anh chị, các bạn sinh viên khuyết tật.

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 6
Hoạt động đọc sách xúc giác do Trung tâm Chia sẻ câu chuyện, Chia sẻ cuộc sống hỗ trợ giảng dạy

Bạn Kiều Gia Bảo - sinh viên năm nhất Học viện Ngoại giao chia sẻ: “Sau khi nghe câu chuyện của các diễn giả là những người khuyết tật trẻ, em thấy rất xúc động về nghị lực và những khó khăn của họ phải trải qua để vươn lên trong cuộc sống. Sau khi tham gia hoạt động trải nghiệm, em thấy rất thực sự rất khó khi các anh chị khuyết tật phải sử dụng những công cụ, ngôn ngữ khác để thay thế cho những phương thức giao tiếp, đi lại mà chúng em vẫn sử dụng. Xã hội Việt Nam cần là một xã hội được thiết kế không chỉ dành cho người khỏe mạnh mà cả cho người khuyết tật để họ được sống độc lập và hòa nhập.”

'Không khoảng cách' - Vì một môi trường giáo dục hòa nhập cho tất cả 7
Hoạt động học chữ nổi do Trung tâm Chia sẻ câu chuyện, Chia sẻ cuộc sống hỗ trợ giảng dạy

Trong khi đó, bạn Phạm Phương Anh, Trưởng BTC sáng kiến bày tỏ: "Trước khi bắt tay vào thực hiện sáng kiến này, mình vẫn nghĩ hòa nhập đâu có gì là khó, vì bây giờ mọi người đều rất cởi mở rồi. Nhưng khi thực sự làm việc với các bạn, các anh chị khuyết tật mình mới hiểu có nhiều thứ mình vẫn coi là bình thường, lại là rào cản rất lớn đối với người khuyết tật. Mình hi vọng chúng mình có thể góp phần làm tăng sự hiện diện của người khuyết tật trong xã hội, để người khuyết tật có cơ hội cất lên tiếng nói vì chính quyền lợi của mình."

Sự kiện “Không khoảng cách” là một hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, đặc biệt khi nó được tổ chức bởi người trẻ và nhắm tới chính đối tượng người trẻ. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình và thúc đẩy nhiều sáng kiến hơn nữa từ thế hệ trẻ, hướng tới xây dựng một xã hội hòa nhập hơn cho tất cả mọi người, bắt đầu từ những chủ nhân tương lai của thế giới.

Sự kiện “Không khoảng cách” nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Kết nối thanh niên, thúc đẩy hòa nhập” (UNited Youth for Inclusion Initiative) được khởi xướng bởi Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại Học viện Ngoại giao và nhóm Dự án chung của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy sự đóng góp của thanh niên vào các mục tiêu chung của Liên Hợp Quốc về hòa nhập người khuyết tật.

Fanpage: UNited Youth for Inclusion Initiative

https://www.facebook.com/sangkienketnoithanhnienthucdayhoanhap

Email: unitedyouthforinclusion@gmail.com