'Không thể áp dụng cơ chế thời bình cho thời chiến'

Kim Yến - 17:46, 04/04/2020

TheLEADER“Cái cần nhất bây giờ, trước tiên, phải là 'gói cứu trợ về cơ chế'. Trong hoàn cảnh 'thời chiến' hiện nay, chúng ta rất cần một cơ chế rút gọn để có thể rút ngắn thời gian triển khai công việc. Không thể áp dụng cơ chế thời bình cho thời chiến".

Đó là một phần trong kiến nghị của ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công gửi đến Thủ tướng Chính phủ cùng với những đề xuất rất cụ thể.

Cần nhất lúc này là “Gói cứu trợ về cơ chế”

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 về phòng chống dịch Covid-19 với số ca bệnh tăng nhanh ở những thành phố lớn, đặc biệt là 2 trung tâm kinh tế trọng điểm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh đó, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình doanh nghiệp hội viên để tìm ra giải pháp hỗ trợ họ vượt qua khủng hoảng. 

Những doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Trả lời câu hỏi "doanh nghiệp sẽ cầm cự được bao lâu nếu dịch bệnh kéo dài?", 35% doanh nghiệp được hỏi phản hồi chỉ cầm cự được 3 tháng, 38% doanh nghiệp cầm cự được 6 tháng, 13% doanh nghiệp cần cự được 1 năm và 14% doanh nghiệp cầm cự được trên 1 năm…

“Không thể áp dụng cơ chế thời bình cho thời chiến”
Kết quả khảo sát hội viên Hội doanh nhân trẻ.

Ông Đặng Hồng Anh cho biết: “Những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà hàng, khách sạn, du lịch. Các đơn hàng đã đặt trước đều bị hoãn, hủy trong khi tiền thuê mặt bằng và các chi phí khác vẫn phải thanh toán theo hợp đồng.

Các doanh nghiệp vận tải không có khách hoặc có thì cũng rất ít và bị hạn chế giao thương. Các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng không nhập nhẩu được nguyên vật liệu từ nước ngoài dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất ra không xuất khẩu được, hoặc xuất đi rồi lại bị trả lại do đối tác hủy đơn hàng vì nằm trong vùng dịch bị cách ly.

Khó khăn nữa là thiếu hụt nghiêm trọng lao động do lao động bị cách ly tại địa phương hoặc không dám trở lại doanh nghiệp trong vùng dịch.”

Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp rất cần được cứu trợ, song vẫn còn một khoảng cách để họ có thể tiếp cận gói cứu trợ của Chính phủ.

“Hiện tượng 'trên nóng dưới lạnh' vẫn đang xảy ra khi mà Chính phủ và các bộ, ngành rất quyết liệt về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng khâu thực thi còn chậm so với kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như diễn biến ngày càng nhanh của dịch bệnh và những ảnh hưởng khó lường của nó đến doanh nghiệp cũng như nền kinh tế", ông Đặng Hồng Anh nhận định.

Ông Hồng Anh nêu ví dụ, ở một số địa phương, doanh nghiệp muốn giãn nợ thì phải có xác nhận, chứng minh thiệt hại, báo cáo, xác nhận tồn kho... mới được xem xét; doanh nghiệp muốn xin giảm lãi suất nhưng ngân hàng nói chưa có hướng dẫn; một số doanh nghiệp vẫn nhận được lệnh kiểm tra của cơ quan quản lý thuế, mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ về việc tạm dừng thanh kiểm tra khi không có dấu hiệu vi phạm...

"Tôi cho rằng, cái cần nhất bây giờ, trước tiên, phải là 'Gói cứu trợ về cơ chế'. Trong hoàn cảnh 'thời chiến' hiện nay, chúng ta rất cần một cơ chế rút gọn để có thể rút ngắn thời gian triển khai công việc. Không thể áp dụng cơ chế thời bình cho thời chiến", ông Hồng Anh nói và cho biết, giờ phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định, có thể cao hơn bình thường.

Kiến nghị 5 nhóm giải pháp đến Thủ tướng Chính phủ

Trước tình hình cấp bách nêu trên, để giải cứu doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản hoàng loạt, giảm thiểu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 5 nhóm giải pháp trước mắt.

Về tín dụng

Hiện nay, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng rất nhiều nghị định, chính sách của các bộ, ban ngành đã và đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khủng hoảng dịch bệnh rất tích cực và thiết thực. 

Tuy nhiên, việc thực hiện lại đang theo hướng tính xuôi, tức là sau khi lắng nghe và xem xét các báo cáo thống kê thì lập tức chọn các ngành chịu tác động nặng nề nhất như hàng không, du lịch để áp dụng ngay việc giảm lãi, giãn nợ. Một thời gian sau, lại xuất hiện thêm một số ngành khác gặp khó khăn, sẽ tiếp tục hỗ trợ. 

Dù vậy, chính các ngành được hỗ trợ cũng chưa nhận được hỗ trợ từ các chính sách, mà cụ thể là gói tín dụng 250.000 tỉ đồng mà Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng chuẩn bị.

Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành hữu quan xem xét thêm hướng tính ngược, tức là đầu tiên cần xem tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng và cần hỗ trợ, sau đó xem các ngành nghề không bị ảnh hưởng như thực phẩm (mì gói) và trang thiết bị y tế (khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn)...

Sau khi loại ra các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các giải pháp hỗ trợ các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần phải được thực hiện khẩn cấp và ngay lập tức như miễn giảm và giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0, giãn nợ vay ngân hàng, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm. 

Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay ngân hàng từ 1 - 2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ ngân hàng mà không bị chuyển nhóm nợ để có thể tiếp tục vay mới.

Các giải pháp cần rõ ràng, cụ thể, đúng đối tượng và phù hợp tiềm lực để doanh nghiệp không thấy mông lung. Các doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản cho cục thuế và ngân hàng nêu rõ lý do là lập tức được giải quyết. Được như vậy sẽ hạn chế được cơ chế “xin - cho”.

“Không thể áp dụng cơ chế thời bình cho thời chiến”
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC.

Về lãi suất

Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất, song việc thực hiện như thế nào còn phụ phuộc vào các ngân hàng, các chi nhánh bởi đây là vấn đề xung đột lợi ích khi ngân hàng cũng là doanh nghiệp.

Việc giảm lãi suất cần phải chia theo lĩnh vực, cần đánh giá lại, như hàng không, du lịch thiệt hại nhiều thì ban hành cụ thể và nên giảm ngay. Với những ngành thiệt hại ít hơn thì giảm từ 1 - 2%.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ xin hỗ trợ, bài toán đặt ra là duyệt thế nào? Dù Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng hạn chế “xin-cho” nhưng không có giải pháp căn cơ thì chắc chắn sẽ còn bất cập này. Một doanh nghiệp gửi hồ sơ vay vốn đến một ngân hàng thân thiết chắc chắn sẽ có cơ hội dễ được phê duyệt hơn các doanh nghiệp khác.

Do đó, cần cụ thể hoá chính sách từ Ngân hàng Nhà nước để có những giải pháp hạ lãi suất cơ bản, có cơ chế bù cho các ngân hàng hoặc nới tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng kiếm nguồn bù lại khoản đã giảm cho doanh nghiệp… Hơn thế, cần có những mệnh lệnh hành chính như có những ngành hàng nào không tính lãi hoặc chỉ tính lãi bao nhiêu %.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải trích ra bao nhiêu % cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, điều kiện vay ra sao… Có rõ ràng và minh bạch như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới có cơ hội tiếp cận. 

Sức khoẻ doanh nghiệp bây giờ tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa, nên biện pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ, những giải pháp này phải nhanh chóng triển khai để áp dụng ngay vào thực tiễn cứu doanh nghiệp.

Về thủ tục xuất, nhập khẩu hành hóa

Vấn đề tham vấn giá đối với hàng hóa nhập khẩu

Theo Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ năm 2018, quy trình kiểm tra, tham vấn và xác định trị giá hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan, hàng hóa nhập khẩu đều bị yêu cầu tham vấn giá. 

Rất nhiều doanh nghiệp hội viên Hội doanh nhân trẻ Việt Nam là doanh nghiệp nhập khẩu thường xuyên. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng, giá nhập khẩu hàng hóa liên tục biến động giảm với biên độ không ổn định, giá nhập khẩu thực tế sẽ thấp hơn giá theo văn bản quy định của hải quan đối với hầu hết loại hàng hóa. 

Khi tuân thủ quy định này, doanh nghiệp sẽ quyết định giảm nhập khẩu hàng hóa. Cán cân cung cầu do đó sẽ bị mất cân bằng, ảnh hưởng nghiệm trọng không chỉ tới doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế nói chung. Vì thế, cơ quan hải quan nên cập nhật giá thị trường một cách thường xuyên và linh hoạt hơn để đưa ra yêu cầu tham vấn giá phù hợp hoặc loại bỏ hẳn khâu tham vấn giá đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời điểm này.

Quy định nộp các tài liệu đi kèm bộ tờ khai khi thông quan hàng hóa

Theo chỉ đạo từ Tổng cục hải quan, các tài liệu này đều được đính kèm trên hệ thống VNACCS, không yêu cầu doanh nghiệp nộp bản giấy. 

Tuy nhiên, trên thực tế, các chi cục hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải in và xuất trình đầy đủ chứng từ khi làm thủ tục thông quan. Kể cả giai đoạn trước dịch, việc thực hiện không đúng quy định này cũng đã gây lãng phí không nhỏ về thời gian, công sức và chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan hải quan. Hiện tại, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, việc đi lại nộp hồ sơ giấy cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó, đề nghị Tổng cục hải quan chỉ đạo sát sao việc tuân thủ đúng quy định đã ban hành.

“Không thể áp dụng cơ chế thời bình cho thời chiến” 2
Khảo sát của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.

Về thuế, phí

Đề nghị cơ quan thuế cho hoãn, giảm hoặc miễn giảm một số loại thuế, phí phải nộp và thời gian nộp, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng của từng lĩnh vực, ngành nghề. Đối với các loại thuế, phí đã có hướng dẫn về miễn, giảm, hoãn, đề nghị cục thuế địa phương có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, kịp thời đến các doanh nghiệp.

Đối với tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, đề nghị các địa phương xem xét, miễn giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong năm 2020.

Về bảo hiểm xã hội, tiền lương

Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các địa phương xem xét miễn, giảm, giãn thời gian đóng bảo hiểm cho các doanh nghiệp. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn trả lương người lao động trong trường hợp phải cách ly do dịch bệnh.

Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Việc này sẽ gián tiếp giúp doanh nghiệp giữ nguồn lao động khi người lao động vẫn đủ sinh kế trong giai đoạn này. Doanh nghiệp cũng giảm nhẹ phần nào gánh nặng thoả thuận và chăm lo cho người lao động. Một trong nhiều cách Chính phủ hỗ trợ cho người lao động là thông qua Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Được biết, hiện nay, gánh nặng đã và đang đè lên Quỹ Bảo hiểm xã hội, nhưng nếu tăng ngân sách công để hỗ trợ quỹ thì ngân sách sẽ đến tay người lao động hiệu quả. Việc tăng ngân sách công là cần thiết trong tình hình hiện tại. Chúng ta nên chấp nhận tiếp tục “vay mượn tương lai” nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn hiện tại.

Bên cạnh đó, gia tăng ngân sách công để hỗ trợ cho người lao động không có bảo hiểm xã hội theo các chính sách “xoá đói giảm nghèo” mở rộng tạm thời. Tất cả nên hướng đến đảm bảo mức thu nhập chung theo mặt bằng lương tối thiểu của người lao động. Có thể kêu gọi các tổ chức xã hội, đoàn thể phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đoàn kết giúp vượt qua đại dịch chung.

Bên cạnh 5 nhóm giải pháp cụ thể trên, ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh Chính phủ cần gia tăng đầu tư công hơn lúc nào hết để kích cầu nền kinh tế đang suy thoái. 

Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp ở trung ương và địa phương trong việc đồng hành với chính quyền tháo gỡ khó khăn chung của nền kinh tế.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch. Hiện nay, các ngân hàng đang rất băn khoăn về tính pháp lý của loại hình bất động sản này nên chưa có cơ sở cho vay thêm, trong khi doanh nghiệp đang khát vốn do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.