Kinh doanh và sản xuất bền vững với kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 07:49, 24/10/2020

TheLEADERKinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp hoàn hảo để giải quyết đồng thời vấn đề: sự thiếu hụt đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra và mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Kinh doanh và sản xuất bền vững với kinh tế tuần hoàn
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo Kinh tế tuần hoàn: Hướng tới phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, với tốc độ sản xuất và tiêu dùng theo mô hình tuyến tính như hiện nay, phải cần đến 4, 5 Trái Đất nữa mới có thể tạm thời thỏa mãn con người.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành mô hình lý tưởng để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững hơn.

Đồng quan điểm với ông Phương, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là quá trình tất yếu, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Được biết, VCCI lần đầu giới thiệu khái niệm kinh tế tuần hoàn từ năm 2016. Từ đó, kinh tế tuần hoàn trở thành một trong những mũi nhọn của VCCI cũng như VBCSD nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững theo 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030.

Trong suốt thời gian qua, nhiều sáng kiến, giải pháp đã VCCI cũng như nhiều doanh nghiệp, tổ chức đưa ra nhằm mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, điển hình như sáng kiến Không chất thải ra thiên nhiên (zero waste to nature), dự án Xây dựng thị trường vật liệu Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)…

Các sáng kiến trên đã góp phần tạo ra nhiều thay đổi trong thái độ, hành vi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Trong thời gian tới, VCCI sẽ ban hành và áp dụng bộ chỉ số kinh tế tuần hoàn, giúp các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất bền vững được thuận lợi hơn.

Bình luận về thực trạng của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Nguyễn Thế Chinh, Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn thực chất đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm và đa dạng các mức độ.

Các dấu hiệu này có thể kể đến như mô hình vườn – ao – chuồng, một số phương thức sản xuất tiết kiệm tài nguyên, các làng nghề tái chế hay khu công nghiệp sinh thái ở Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, các mô hình này chưa được thực hiện một cách triệt để, công nghệ vẫn còn cũ, lạc hậu, có nguy cơ phát sinh chất thải nguy hại hơn.

Từ đó, ông Chinh đề xuất cần phải chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với đầy đủ 5 khâu, bao gồm thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và biến chất thải trở thành tài nguyên.

Cụ thể, ông Chinh đưa ra 7 phương án ưu tiên để tiến hành thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đầu tiên, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất và minh bạch.

Thứ hai, cần triển khai nghiên cứu sâu, rộng để tìm kiếm giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Thứ ba, phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương, tiến hành từ vi mô tới vĩ mô.

Thứ tư, kinh tế tuần hoàn cần được tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường, từ đó tạo ra lợi ích gia tăng cho các bên tham gia.

Thứ năm, tìm kiếm, học hỏi và áp dụng những công nghệ mới, những sáng kiến hiệu quả từ quốc tế, gắn kinh tế tuần hoàn với cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ sáu, đưa ra lộ trình cụ thể cùng những ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên, có thể tạo ra động lực lan tỏa, giúp mô hình triển khai hiệu quả hơn.

Cuối cùng, cần phải giải quyết ngay tình trạng phân loại rác thải tại nguồn kém hiệu quả tại Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện của Heineken Việt Nam và Unilever Việt Nam cũng đã có những chia sẻ về mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn được áp dụng tại chính những cơ sở sản xuất, chuỗi bán lẻ cũng như khu làm việc của công ty.