Lại nóng chuyện giá sàn vé máy bay giữa đại dịch

An Chi - 07:57, 12/08/2021

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay là trái luật, trái với cơ chế thị trường, không khuyến khích cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và không có lợi cho người tiêu dùng.

Lại nóng chuyện giá sàn vé máy bay giữa đại dịch
Ngành hàng không Việt đang gặp nhiều khó khăn

Áp giá sàn vé máy bay là sai luật!

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu đi lại của hành khách bị hạn chế đang khiến ngành hàng không Việt gặp nhiều khó khăn.

Cuộc đua giảm giá vé của các hãng bay ngày nhằm kích cầu và giành thị phần ngày càng khốc liệt. Tính đến tháng 4/2021, giá vé bình quân trên thị trường chỉ bằng 55% so với cùng kỳ 2019.

Một số hãng đã liên tiếp đưa ra các khuyến mại giảm giá vé máy bay, thậm chí vé 0 đồng như của Vietjet, vé 6 nghìn đồng của Bamboo Airways.

Trên nhiều đường bay nội địa, giá vé rẻ nhất trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8 hiện ở mức 1,3 - 1,5 triệu đồng khứ hồi đã bao gồm thuế phí. Với các vé bay 1 chiều, giá vé chỉ từ vài trăm nghìn đồng. 

Đơn cử như với đường bay Hà Nội - TP.HCM, khởi hành ngày cuối tháng 8, giá rẻ nhất là vé máy bay Vietjet Air, khoảng 800 nghìn đồng; Bamboo Airways khoảng 1,1 triệu đồng và đắt nhất là vé Vietnam Airlines từ 1,3 - 3,6 triệu đồng.

Trước nỗ lực kích cầu bằng cách 'đại hạ giá' vé bay của các hãng hàng không, những ngày gần đây, câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay lại được dư luận quan tâm trở lại khi đầu tháng 8/2021 các hãng hàng không nội địa báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về việc chấp hành Luật Giá, Luật Cạnh tranh trên cơ sở Vietnam Airlines tiếp tục tái đề nghị nâng mức giá trần và áp dụng giá sàn, khung giá vé máy bay.

Trước đó, vào đầu tháng 4, Vietnam Airlines đề xuất áp giá trần tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng/khách. Giá sàn được Vietnam Airlines kiến nghị theo 2 phương án. 

Phương án thứ nhất, giá sàn được đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. 

Giá sàn cho các đường bay dưới 500km là 414.000 đồng, 570.000 đồng các đường bay 500 - 850km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280km trở lên.

Phương án thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé máy bay đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500km cho đến 1.280km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng. 

Nếu được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ, 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này.

Theo Vietnam Airlines, cơ sở để doanh nghiệp này đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn là nhằm giúp các hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19. Việc áp giá sàn sẽ giúp các doanh nghiệp chấm dứt cuộc chạy đua giảm giá vé, giảm bớt cạnh tranh, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay là trái luật, trái với cơ chế thị trường. TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, Luật Giá năm 2012 quy định, giá vé máy bay không nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.

Tại Khoản 1 Điều 5 Luật Giá cũng quy định: "Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật’. 

Việc áp dụng giá sàn vé bay như đề xuất của Vietnam Air là hành vi trái với Luật Giá và đi ngược với chính sách, môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Thỏa cũng chỉ ra rằng, Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật Cạnh tranh nêu rõ, Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Do đó, việc áp giá sàn đồng loạt là triệt tiêu tự do cạnh tranh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến chủ trương kích cầu ngành du lịch (chiếm 12% GDP) và quá trình phục hồi của nền kinh tế. 

"Các hãng cùng môi trường kinh doanh, cùng nộp thuế, cùng giải quyết việc làm cho người lao động, cùng đóng góp tích cực cho nền kinh tế, xã hội… nhưng với việc chỉ Vietnam Airlines được vay khoản 4.000 tỷ đồng, doanh nghiệp này đã được tạo lợi thế cạnh tranh so với các hãng khác. 

Trên thực tế thời gian qua, Vietnam Airlines cũng được tạo lợi thế cạnh tranh về slot bay, chuyến bay trong mùa dịch. Giờ lại đề xuất áp giá sàn, nếu được thực thi, điều này sẽ rất mất công bằng với các hãng hàng không khác trên thị trường", ông Thoả nhấn mạnh.

Thay vì áp giá sàn, các hãng phải cạnh tranh để hạ giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ

Trở lại câu chuyện về việc giảm giá vé máy bay của các hãng hàng không, nhiều chuyên gia cho rằng, việc các hãng tung ra chương trình khuyến mại giảm giá, hoặc giá vé 0 đồng là nhờ nghệ thuật phân hoá giá.

Theo ông Thỏa, trong những ngày cao điểm, giờ cao điểm, mùa hè, mùa du lịch, các hãng bán vé với giá khá cao để bù đắp cho mức giá thấp vào mùa thấp điểm, mùa dịch hoặc khi cần kích cầu đi lại. Từ đó, hãng phân hoá giá để cuối cùng vẫn có lãi, đảm bảo bù đắp được chi phí cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc một số hãng hàng không tổ chức bán vé 0 đồng hoặc bán vé giá rẻ đã diễn ra từ lâu, không phải hiện tượng đột biến mới xuất hiện. Cùng với vé rẻ, khách hàng sẽ bị giảm bớt các dịch vụ như phục vụ ăn uống, không được đổi, hoàn vé.

Hơn nữa, mỗi hãng có một phương thức, chiến lược kinh doanh khác nhau. Có hãng lấy chất lượng phục vụ để cộng vào giá; có hãng lấy doanh thu, lợi nhuận từ các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ ‘ăn theo’ vận chuyển khách để bù cho khoản giảm giá vé.

Hiện chưa có các dấu hiệu bất thường như cố tình hạ giá, bán phá giá để cạnh tranh không lành mạnh đối với giá vé máy bay của các hãng hàng không. Vì thế, Nhà nước không cần can thiệp vào quyền quyết định về giá của doanh nghiệp mà nên theo cơ chế thị trường. 

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, vé máy bay giá rẻ mà các hãng hàng không đang mở bán đang giúp người tiêu dùng hưởng lợi. Trong khi đó, nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ì, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. Việc áp giá sàn là không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người dân. 

Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, doanh nghiệp phải cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu giá rẻ nhưng chất lượng không tốt, tự khách hàng sẽ không lựa chọn. Do đó, Nhà nước không nên can thiệp vào giá sàn vé máy bay mà nên để doanh nghiệp quyết định, ông Doanh nhấn mạnh.