Lời hối thúc của thời đại

Phạm Chi Lan - Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - 08:00, 22/01/2023

TheLEADERĐã có nhiều thế hệ doanh nhân thực hiện sứ mệnh mở đường, nhưng chúng ta cần nhiều hơn những người tiên phong đủ tầm để có thể đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Tự hào những tấm gương

Các thế hệ doanh nhân Việt từ xưa đến nay luôn có những người có bản lĩnh tiên phong. Họ bước vào thương trường bằng quyết định đi vào một lĩnh vực, mô hình hoặc thị trường mới mà trước đây gần như chưa có người khai phá. Một số doanh nhân thế hệ thời đầu Đổi mới nay đã qua độ tuổi 60 - 70 vẫn không ngừng sáng tạo để làm những thứ mới bên lĩnh vực mà họ đã rất thành công. Nhiều cái tên quen thuộc từ cách đây vài thập kỷ đến nay tôi vẫn luôn ghi nhớ và cảm phục.

Như ông Lý Ngọc Minh, người mở lại ngành sứ với công ty Minh Long ở Bình Dương đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, ứng dụng các phương pháp, công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, sớm vươn ra thị trường thế giới từ đầu thập kỷ 1990. Những năm gần đây ông đã đầu tư sáng tạo nên hàng loạt dòng sản phẩm sứ cao cấp, hoàn toàn mới lạ, độc đáo, nổi trội cả so với những tên tuổi lớn trên toàn cầu.

Lời hối thúc của thời đại
Bà Phạm Chi Lan - Nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

Hay tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Mỹ Lan Group khi vào tuổi 60 đã tái khởi nghiệp tại chính quê hương Trà Vinh trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, sau rất nhiều thành công trên thị trường quốc tế với hàng trăm bằng sáng chế trong công nghệ in hiện đại.

Thương hiệu Vinamit của doanh nhân Nguyễn Lâm Viên giờ đây có thể xem là “Vina” của các loại trái cây, rau củ Việt Nam với nhiều dòng sản phẩm mới áp dụng công nghệ sấy lạnh tạo nên chất lượng và hương vị vượt trội mang giá trị cao cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời trở thành thương hiệu lớn trên thế giới.

Nữ nghệ nhân Hà Thị Vinh không chỉ sớm ứng dụng công nghệ nung, phát triển hàng trăm mẫu mã mới và tạo mạng lưới thương mại, đưa Gốm Quang Vinh vào các thị trường khó tính, mà còn tiên phong bảo tồn và phát huy giá trị của tinh hoa làng gốm Bát Tràng, góp phần thay đổi diện mạo và sức sống của một làng nghề cổ xưa và đưa thương hiệu Bát Tràng vươn tầm quốc tế.

Tên tuổi của những người mở đường trong sáng lập công ty, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay liên kết với đầu tư nước ngoài, dấn thân qua bao sóng gió thương trường từ những ngày đầu Đổi mới, như Đặng Lê Nguyên Vũ, Võ Quốc Thắng, Trần Bá Dương, Phạm Đình Đoàn, Cổ Gia Thọ, Nguyễn Thành Long, Thái Tuấn Chí, anh em họ Trần của bánh Kinh Đô, cha con họ Vưu của giày Biti’s, các chị Ba Huân, Cao Ngọc Dung, Nguyễn Thị Mai Thanh, Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Điền, Hà Thị Thu Thanh… luôn tỏa sáng suốt mấy thập niên qua. Họ đã chèo lái doanh nghiệp thành công, vững vàng trên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình và tạo tác động tích cực tới cả cộng đồng doanh nghiệp Việt. Họ chính là nguồn cảm hứng và tấm gương cho các thế hệ doanh nhân trẻ có thêm niềm tin và bản lĩnh dám dấn thân trên hành trình tiên phong.

Nhìn vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có thể thấy hầu hết vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng nghĩa với việc phần lớn doanh nhân đang hoạt động ở quy mô và năng lực còn khiêm tốn. Sinh sau đẻ muộn cũng là một thách thức với nhiều doanh nghiệp, khi những người đi trước đã có nhiều ý tưởng và cách làm để giải quyết các nhu cầu của xã hội. Đồng thời cạnh tranh đã trở nên ngày càng gay gắt trong quá trình đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Điều đáng mừng là trong bối cảnh đó, những năm gần đây với tinh thần khởi nghiệp và niềm đam mê cháy bỏng, nhiều người vẫn tìm được lối đi riêng của mình để vượt lên, trở thành những người tiên phong mới.

Với sự phát triển của thời đại, đặc biệt trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ phát triển như vũ bão và các thị trường rộng mở, lứa doanh nhân ngày nay có vô vàn cơ hội để phát triển nhanh, mạnh hơn. Những người tiên phong trong lĩnh vực IT cách đây vài chục năm như Trương Gia Bình của FPT, Nguyễn Trung Chính của CMC, Nguyễn Nhật Quang của Hài Hòa... đã dẫn dắt công ty của họ không ngừng sáng tạo và liên tục đi đầu trong khai phá những chân trời mới của IT như IOT, AI... Bên cạnh họ là hàng trăm công ty IT với qui mô khác nhau và hàng ngàn người trẻ khởi nghiệp trên nền tảng IT, đang cùng nhau cung cấp biết bao giải pháp và sản phẩm công nghệ mới cho thị trường, góp phần giải quyết nhiều vấn đề để cải thiện hoạt động của hàng triệu doanh nghiệp khác và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới.

Những nhà tiên phong mới cũng đã xuất hiện trong các lĩnh vực khác, như bà Trương Thị Lệ Khanh trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở công ty thủy sản Vĩnh Hoàn, ông Hồ Quang Cua trong phát triển giống lúa mới chất lượng cao ST25, và hàng loạt các nhà khởi nghiệp theo hướng kinh tế xanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo hay dịch vụ ở khắp các vùng miền trên cả nước. Bao hình ảnh đẹp về các em gái, em trai người các dân tộc sống ở những vùng xa đã khởi nghiệp thành công khi biết ứng dụng mô hình kinh doanh và công nghệ mới để tổ chức canh tác theo cách bản địa, thân thiện với môi trường, rồi chế biến và mang sản phẩm của mình ra thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Nhiều người Việt trẻ từng học tập và làm việc ở nước ngoài cũng đang về Việt Nam để hiện thực hóa những ý tưởng mới. Một trong số các nhà tiên phong là Lương Việt Quốc, người đã sáng tạo và chế tạo các sản phẩm drone (phương tiện bay không người lái) thực sự “make in Vietnam” xuất sắc, nổi trội, cạnh tranh được cả ở thị trường châu Âu và Mỹ.

Những đột phá công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, học máy, dữ liệu lớn, sinh học, tự động hóa, năng lượng tái tạo... cũng được ứng dụng để cung cấp nhiều giải pháp mới cho các bài toán lớn của doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực quản trị công và tư, giáo dục, y tế, môi trường...

Và vài năm gần đây, thế giới đã ghi nhận tên tuổi những tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Họ chính là những người tiên phong khi nước ta bước vào thế kỷ 21, với nhiều lĩnh vực kinh doanh mới được mở ra. Ông Phạm Nhật Vượng đã mở đường trong địa ốc, rồi tiếp tục đi sang các lĩnh vực thương mại, giáo dục, y tế, công nghiệp - tất cả đều theo cách làm hiện đại, chuẩn mực cao - và nhanh chóng tiến vào công nghệ cao, để rồi gần đây nhất có quyết định táo bạo đầu tư sản xuất ô tô điện cả ở trong nước và ở Hoa Kỳ. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cất cánh bằng hãng bay VietJet, ông Trần Bá Dương bằng các dây chuyền lắp ráp ô tô hiện đại, ông Trần Đình Long bằng thép Hòa Phát... Họ đang góp phần làm thay đổi bức tranh thị trường Việt Nam và khẳng định vai trò to lớn của khu vực tư nhân trong nước. Chúng ta chờ đợi ở họ sức lan tỏa và sự liên kết nhiều hơn với đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam để cùng nhau đi lên nhanh, mạnh, vững chắc hơn.

Lời hối thúc của thời đại 1
VinFast - Một trong những doanh nghiệp tiên phong về kinh tế xanh của Việt Nam.

Cần những “gã khổng lồ” của Việt Nam

Có một đội ngũ doanh nhân tiên phong là điều rất đáng quý và rất cần thiết ở nước ta, khi lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng đông đảo. Chúng ta đang đặt các chỉ tiêu cao hơn về con số doanh nghiệp, nhưng cũng rất cần thực sự quan tâm nâng cao mặt bằng về chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với khu vực và toàn cầu.

Mấy chục năm qua, dù có những người tiên phong nhưng họ vẫn là số rất nhỏ và lẻ loi, chưa thể hình thành một làn sóng đủ mạnh để nâng tầm doanh nghiệp Việt, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc và tăng cường nội lực.

Từ khi Đổi Mới đến nay đã hơn 35 năm. Ba thập kỷ là quãng thời gian đủ để Hàn Quốc, Đài Loan trở thành những con rồng châu Á. Trong khi đó, từ điểm xuất phát thấp, dù đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, ta đã phải mất 24 năm mới vượt qua ngưỡng nghèo, trở thành nước thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, rồi từ đó đang cố gắng vươn lên với kỳ vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Mục tiêu này không dễ đạt được nếu thiếu những đột phá.

Mặt khác, không thể chỉ đơn thuần phấn đấu đạt mức thu nhập theo GDP, mà còn cần cải thiện mạnh cấu trúc thu nhập này. Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đang đóng góp hơn 20% GDP, hơn 50% tổng giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu, nhưng hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế nội địa khá thấp.

Lời hối thúc của thời đại 2
Cửa hàng cà phê Trung Nguyên ở Thượng Hải.

Ta hay nói “đứng trên vai người khổng lồ” nhưng người bước đi là các ‘ông lớn’ nước ngoài, trong khi về nhiều mặt ta chỉ đi những bước nhỏ và chậm, thậm chí có mặt gần như dậm chân tại chỗ (như tình trạng làm gia công). Muốn vươn tầm thế giới, các doanh nghiệp phải đi trên đôi chân của mình và cần có bờ vai những người khổng lồ Việt để cùng nhau tiến bước, xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ, tự cường hơn.

Quan sát các doanh nghiệp lớn của nước ngoài có thế thấy quanh họ là cả một hệ sinh thái các doanh nghiệp với quy mô khác nhau, cùng nhau hoạt động trong các chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị do các “ông lớn” cầm trịch. Họ là những người tiên phong trong sáng tạo ra những cái mới, dẫn lối và xây dựng sự liên kết, hợp lực giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi để tạo sức mạnh tổng hợp kéo cả đoàn tàu đi lên. Bản thân các chuỗi cũng đang liên tục đổi mới để thích ứng với bối cảnh kinh tế, thương mại, công nghệ và tiêu dùng thường xuyên biến động trên thị trường.

Trong thế giới của công nghệ ngày nay, cũng cần hiểu rằng, các mô hình tổ chức, quản trị và phương thức kinh doanh đang ngày càng hiện đại hơn. Doanh nghiệp tiên phong hay “người khổng lồ” không nhất thiết phải tự mình sở hữu một đơn vị thật to về quy mô, mà quan trọng hơn nhiều là biết chọn để tạo lập mô hình tổ chức hiệu quả nhất, hệ thống quản trị và phương thức kinh doanh phù hợp nhất cho chuỗi cung ứng của mình. Họ hoàn toàn có thể đặt hàng ở các nơi khác nhau, thuê nhân công làm việc từ xa, phối hợp phân công giữa người và máy trong công việc, quản trị mọi việc chủ yếu bằng sử dụng AI, big data... Và cạnh tranh ngày nay không còn là “cá lớn nuốt cá bé” nữa, mà là “cá nhanh thắng cá chậm”. Văn hóa, đạo đức kinh doanh cũng rất được coi trọng.

Chúng ta đang đứng trước yêu cầu của thời đại về một lớp doanh nhân mới sẵn sàng phá vỡ các giới hạn để tạo lập nền tảng mới về cả công nghệ và tổ chức -quản trị công cuộc kinh doanh, chinh phục người tiêu dùng đang có những đòi hỏi mới bằng những giá trị mới cao hơn, sâu rộng hơn. Chúng ta cần nhiều hơn những người tiên phong Việt đủ tầm để mở đường, dẫn lối và truyền cảm hứng.

Từ xưa đến nay, những người tiên phong bao giờ cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thời nào có thách thức của thời ấy. Song bên cạnh, thậm chí bên trong các thách thức lại là thời cơ. Đấy chính là điểm hấp dẫn nhất đối với những người tiên phong. Không đủ bản lĩnh dám chấp nhận thách thức để nắm lấy thời cơ thì không thể làm người tiên phong.

Điều cần nhấn mạnh ở nước ta là hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và thực thi vẫn còn gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước, mặc dù trong những năm qua nhà nước đã có nhiều nỗ lực cải cách đáng ghi nhận. Những vấn đề then chốt như môi trường cạnh tranh tự do và công bằng, bảo đảm quyền tài sản, phân bổ và tiếp cận nguồn lực… rất cần cải thiện sớm. Ngoài ra, hệ thống giáo dục - đào tạo cũng còn quá nhiều bất cập và thiếu tính khai phóng để có thể đào tạo được những người tài, có đủ bản lĩnh và kỹ năng cần thiết, có khả năng đi tiên phong hoặc đồng hành cùng những doanh nhân tiên phong trên hành trình chinh phục giấc mơ lớn.

Thách thức lớn nhưng rõ ràng cơ hội cho những người dám dấn thân cũng đang rất rộng mở. Khát vọng phát triển của người Việt đang bừng lên, kinh tế và công nghệ không ngừng chuyển động, xã hội đang thay đổi, nhiều bài toán lớn mới xuất hiện cần được giải quyết, nhiều chân trời mới đang mở ra. Đó là cơ hội cho những người Việt có bản lĩnh tiên phong muốn vươn tầm cao hơn, xa hơn khi lời hối thúc của thời đại đang chờ được hồi đáp.