Lợi thế cạnh tranh của một SME ngành nông nghiệp

Quỳnh Chi - 09:49, 15/02/2022

TheLEADERTrong bối cảnh đại dịch khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng cao trong khi đầu ra giảm sút trong suốt một thời gian dài, CEO Lê Anh và công ty Lê Gia vẫn tìm được cơ hội trong nguy nan nhờ liên tục lắng nghe để thấu hiểu thị trường và thích ứng linh hoạt.

Lợi thế cạnh tranh của một SME ngành nông nghiệp
Anh Lê Anh, nhà sáng lập thương hiệu Mắm Lê Gia

Trò chuyện với anh Lê Anh, nhà sáng lập thương hiệu Mắm Lê Gia, chẳng có chủ đề nào làm anh hứng thú như chủ đề nông nghiệp. Nhiều người sẽ nghĩ, điều đó cũng là lẽ thường thôi vì công ty của anh chuyên sản xuất các sản phẩm từ mắm. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng tình yêu ấy đã tồn tại sâu thẳm trong con người anh từ lâu, như cái cách anh sẵn sàng từ bỏ công việc lương cao để về khởi nghiệp với hương vị của miền quê xứ Thanh nhiều năm về trước.

Anh tự hào vì các cuộc khủng hoảng qua đi thì nông nghiệp luôn là trụ đỡ. Năm 2021 khi đại dịch Covid-19 “tàn phá” nền kinh tế, nông nghiệp vẫn tỏa sáng, xuất khẩu vẫn “bội thu" khi lần đầu lập kỷ lục 48,6 tỷ USD.

Nhờ đam mê với nông nghiệp cùng tư duy và cách làm hiện đại, những người khởi nghiệp trẻ như anh đang từng ngày góp sức cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nông nghiệp. Cùng với năng lực thích ứng linh hoạt và tư duy cải tiến không ngừng, anh Lê Anh và đội ngũ vẫn luôn vững vàng trước cơn sóng Covid, tiếp tục tiến về phía trước.

Sự thích ứng linh hoạt là lợi thế cạnh tranh

Hai năm đại dịch xảy ra đã ảnh hưởng đến Lê Gia và các doanh nghiệp nông nghiệp khác như thế nào, thưa anh?

Anh Lê Anh: Mặc dù kinh doanh các sản phẩm thiết yếu nhưng chúng tôi cũng đối mặt với rất nhiều áp lực căng thẳng khi lạm phát dù thấp nhưng trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy, sinh kế người dân bị bào mòn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Chi phí đầu vào tăng cao mà sức mua lại rất yếu.

Từ góc nhìn tích cực thì sao?

Anh Lê Anh: Trong nguy luôn có cơ.

Sau hai năm đầy sóng gió vừa qua, tôi đúc rút ra rằng, sống trong thế giới VUCA (biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ), tư duy và mô hình cũ sẽ không thể giúp chúng ta sống sót. Sự thích ứng linh hoạt trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và cả cá nhân.

Cái khó của doanh nghiệp nhỏ như Lê Gia là thiếu nguồn lực, đặc biệt là về tài chính, nhưng may mắn là chúng tôi nhỏ nên dễ chuyển mình và thích ứng.

Lê Gia đã thích ứng linh hoạt như thế nào trong thời gian khó khăn vừa qua?

Anh Lê Anh: Vì doanh nghiệp quy mô nhỏ, tôi là giám đốc cũng trực tiếp cùng đội ngũ đi bán hàng nên vấn đề phát sinh đều có thể điều chỉnh được ngay trong ngày mà không mất thời gian báo cáo và thủ tục rườm rà.

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đặc biệt là bị tê liệt vào tháng 7 và tháng 8/2021 nhưng chúng tôi vẫn tìm được cách cho hàng hoá lưu thông. Không thể chuyển hàng đến tổng kho của chuỗi siêu thị lớn nhất miền Bắc, chúng tôi tự mình vận chuyển đến các điểm bán lẻ của họ.

Lợi thế cạnh tranh của một SME ngành nông nghiệp
Sản phẩm của Lê Gia luôn xuất hiện trên kệ siêu thị dù chuỗi cung ứng bị gián đoạn

Nhiều khi chỉ vận chuyển 5 chai nước mắm, 3 chai mắm tôm có giá vài chục nghìn đồng đến từng cửa hàng ở Tuyên Quang, Hà Tĩnh hay Đà Nẵng nhưng chúng tôi vẫn làm dù tính ra bị lỗ. Đó là cơ hội với chúng tôi để duy trì tương tác với người tiêu dùng khi hàng hoá của đối thủ không thể lên kệ. Chúng tôi thà chịu lỗ nhưng vẫn làm còn hơn ngồi im chờ chết.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số từ sớm, chúng tôi vẫn đứng đầu về doanh số trên Shopee, Tiki. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, kể cả với những doanh nghiệp “thuần túy tay chân, mắm muối dưa cà” như Lê Gia. Thực ra, với chúng tôi, chuyển đổi số đơn giản là sử dụng dữ liệu số hoá để thấu hiểu và phục vụ lợi ích khách hàng cũng như tối ưu hoá chi phí cho doanh nghiệp.

Anh là người chú trọng đầu tư cho R&D và trải nghiệm khách hàng. Trong hai năm khó khăn như vậy, anh có gì mới hay không?

Anh Lê Anh: Khi thói quen người dùng thay đổi buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Chúng tôi luôn lắng nghe để cải tiến không ngừng mỗi ngày. Trong giai đoạn tưởng chừng phải ngồi không, chúng tôi có thời gian suy nghĩ để tìm hướng đi, đào tạo đội ngũ và cho ra mắt các sản phẩm mới vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi (an lành, tự nhiên, không phụ gia, chất bảo quản) mà vẫn tiện lợi, truyền thống (gia vị kho hoàn chỉnh cá kho, thịt kho, sốt nướng…)

Chúng tôi coi lợi ích khách hàng là lợi ích của mình, hôm nay tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai, luôn đi lên bởi đi ngang đồng nghĩa với đi thụt lùi. Tôi nghĩ rằng cách giúp Lê Gia tồn tại là luôn lắng nghe và cải tiến.

Nhìn lại hai năm qua, khó khăn rất nhiều nhưng hình như anh luôn trong tâm thế lạc quan?

Anh Lê Anh: Khó khăn xảy đến với tất cả doanh nghiệp, chẳng ai tránh được, quan trọng là doanh nghiệp đối mặt với khó khăn đó như thế nào. Chúng tôi xác định phải lạc quan để tìm hướng tồn tại và thích ứng, để tìm cơ hội trong nguy nan. Thuyền trưởng mà không lạc quan thì con thuyền dễ chìm.

Lợi thế cạnh tranh của một SME ngành nông nghiệp 1
Anh Lê Anh, nhà sáng lập Mắm Lê Gia

Kỳ vọng về một nền nông nghiệp đa giá trị

Dường như Covid-19 cũng đã tác động đến tư duy của người làm nông nghiệp một cách rất tích cực?

Anh Lê Anh: Câu chuyện thần kỳ của Bắc Giang khi ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ vải thiều chính là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi tư duy. Covid-19 làm thói quen tiêu dùng thay đổi thì các thành tố tham gia chuỗi giá trị phải thay đổi. Không thay đổi thì không tồn tại được.

Không thể có kết quả mới trong tư duy cũ.

Vậy tư duy về nông nghiệp bây giờ khác gì so với trước đây?

Anh Lê Anh: Ngày xưa nghĩ đến nông nghiệp là nghĩ đến ruộng lúa, rộng khoai, sản xuất thuần túy và ưu tiên số lượng. Nông nghiệp ngày nay phải là kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp đơn thuần.

Nông nghiệp phải đa giá trị. Sản phẩm không chỉ là hữu hình mà còn những yếu tố vô hình. Người mua hàng không chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng mà còn tính tiện ích của hàng hóa và câu chuyện sản phẩm. Một cách làm được nhiều đơn vị, trong đó có Lê Gia, lựa chọn là kết hợp sản phẩm nông nghiệp với du lịch để tạo nên sự cộng hưởng và tạo ra giá trị bền vững, hài hoà.

Muốn làm được, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Minh bạch thông tin, dữ liệu thông tin là sức mạnh, nhất là thông tin cung cầu.

Nông nghiệp hướng đến chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng, tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Ngoài sản xuất theo nhu cầu thị trường và xã hội, doanh nghiệp còn đáp ứng xu hướng cá nhân hóa, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Lợi thế cạnh tranh của một SME ngành nông nghiệp 2
Tham quan và trải nghiệm nhà thùng mắm Lê Gia

Nhưng Việt Nam vẫn là một nước mạnh về nông nghiệp với số lượng hộ nông dân nhỏ lẻ rất lớn, trải dọc Việt Nam. Họ đâu thể làm như Lê Gia?

Anh Lê Anh: Nền kinh tế nông nghiệp bắt đầu từ việc gắn kết từng mảnh vườn, từng thửa ruộng, vùng nguyên liệu.

Có nhiều hướng mang lại lợi ích cho người nông dân nhỏ lẻ. Một là vào hợp tác xã, hai là thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ và liên kết tạo thành chuỗi. Người nông dân cũng có thể tự bán trên sàn nhưng khó bền vững. Muốn người nông dân bán được hàng và thu được nhiều lợi hơn thì phải đào tạo, thay đổi tư duy còn nếu một nắng hai sương, làm ra mang đi giải cứu thì không khá lên được.

Điều quan trọng là chuỗi liên kết bốn nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học). Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ nhưng vẫn cần đến người nông dân để có đầu vào chất lượng hơn nếu muốn sản xuất được các đơn hàng có thể xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trước đây, người nông dân thường phơi khô con moi bán cho doanh nghiệp làm mắm tôm nhưng nếu họ chịu khó tuyển chọn chất lượng hơn thì chúng tôi có thể sản xuất mắm tép kim chi xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp rất tâm huyết về việc phát triển một nền kinh tế nông nghiệp. Tôi hy vọng chúng ta có thể chuyển hóa kỳ vọng và kế hoạch vào thực tế cuộc sống.

Tôi cũng mong có thêm nhiều người trẻ có bản lĩnh, kiêm tâm và có chiều sâu giá trị văn hóa mềm tham gia phát triển nông nghiệp. Lê Gia luôn mong muốn cùng quê hương đẹp lên, phát triển hài hòa, bền vững cùng cộng đồng.

Xin cảm ơn anh!