Mạng xã hội là kênh thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á

Phạm Sơn - 05:42, 09/05/2021

TheLEADER44% thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á đến từ các mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Line hay Instagram.

Mạng xã hội là kênh thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á
Việt Nam dẫn đầu xu thế với 65% thương mại điện tử diễn ra trên mạng xã hội.

Thương mại điện tử đã trở thành cứu cánh cho các nền kinh tế khi duy trì tiêu dùng không bị gián đoạn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các lệnh giãn cách xã hội. Hoạt động thương mại điện tử diễn ra đặc biệt mạnh mẽ ở những nền kinh tế năng động như Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á.

Nhiều doanh nghiệp cũng gặp hái được thành công lớn nhờ vào khởi nghiệp trong lĩnh vực cung ứng kênh thương mại điện tử, từ 2 ông lớn toàn cầu là Amazon và Alibaba cho tới những ông trùm khu vực như Shopee, Tiki, Tokopedia…

Tuy nhiên, theo Bloomberg, thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á diễn ra tương đối khác biệt so với Mỹ và Trung Quốc, khi 44% hoạt động diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Trong đó, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu xu thế với tỷ trọng thương mại điện tử trên mạng xã hội chiếm 65%, tiếp sau là Thái Lan với khoảng 50%.

Xu thế thương mại ở Đông Nam Á này khiến không chỉ những cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà cả nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang tìm cách thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua mạng xã hội.

Bloomberg bình luận, sự phổ biến của các mạng xã hội trong thương mại điện tử có thể được giải thích bởi trải nghiệm mua hàng mang tính cá nhân hóa, được xây dựng từ những cuộc giao tiếp và tương tác giữa người với người.

Mặt khác, người bán hàng được đánh giá là đáng tin cậy hơn khi nói chuyện trực tiếp với khách hàng thay vì sử dụng các công cụ trả lời tự động, theo bà Pimnara Hirankasi, Quyền trưởng phòng Phân tích và nghiên cứu Ngân hàng Ayudhya. Trang web của doanh nghiệp đầy đủ thông tin cũng góp phần tạo ra niềm tin cho khách hàng trên mạng xã hội.

Ông Alessandro, đối tác của Bain&Co tại Singapore cho biết, các quốc gia Đông Nam Á rất phù hợp với mô hình thương mại điện tử như vậy, với nhóm dân số trẻ, biết sử dụng công nghệ và có tinh thần kinh doanh cao.

Tuy nhiên, các mạng xã hội chưa quá tập trung vào phát triển công cụ hỗ trợ thương mại điện tử, đặc biệt là về phương thức thanh toán, do đó người tiêu dùng phải sử dụng các nền tảng thanh toán qua ngân hàng, ví điện tử hoặc thanh toán trực tiếp khi nhận hàng.

Những góc khuất còn tồn tại

Dẫn đầu xu thế khu vực với 65% thị phần thương mại điện tử được thực hiện thông qua mạng xã hội, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa thực sự có cách quản lý hiệu quả cho thị trường này.

Cụ thể, các cơ quan chức năng khó có thể xác định được người nộp thuế, doanh thu cũng như quy mô hoạt động. Điều này không chỉ làm thất thu thuế của Nhà nước mà còn gây ra sự thiếu công bằng giữa các loại hình kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng xấu cũng lợi dụng tính dễ lan truyền của mạng xã hội để tổ chức các hoạt động buôn bán lừa đảo với quy mô lớn, gây hại cho người tiêu dùng.

Mới đây, sau phản ánh của một số cơ quan báo chí, cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc xử lý một nhóm các công ty với quy mô lên tới hàng trăm người, mạo danh bệnh viện, phòng khám, y bác sĩ để bán thực phẩm chức năng.

Nhiều khách hàng đã bị sập bẫy, mua thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhưng không có tác dụng, lại làm trễ quá trình điều trị bệnh, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe.

Một trong những hiện tượng tiêu cực nữa là mạng xã hội trở thành kênh phân phối công khai cho hàng giả, hàng nhái. Tháng 3 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã triệt phá một kho hàng giả tại Ninh Bình, chuyên phân phối qua hình thức phát trực tiếp (livestream) qua Facebook, với khoảng 1.000 đơn hàng mỗi ngày.

Những hoạt động kinh doanh phi pháp, trái lương tâm như vậy khiến không chỉ người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chân chính cũng chịu nhiều thiệt hại.

Bình luận về các hiện tượng tiêu cực, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương thừa nhận, vấn đề nổi cộm đặt ra là làm sao để thúc đẩy thương mại điện tử trên mạng xã hội nhưng cũng phải quản lý hiệu quả, đặc biệt trong công tác chống lừa đảo, bảo vệ quyền khiếu nại của người mua hàng.

Trong giai đoạn 2021 – 2025 là giai đoạn bước ngoặt để phát triển ngành thương mại điện tử, Bộ Công thương sẽ chủ trì đề xuất và thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng thị trường thay vì mở rộng quy mô như trước đây, đồng thời ứng dụng nền tảng tín nhiệm để bảo vệ quyền lợi của cả người mua và người bán.

Tuy nhiên, khi các thủ đoạn bán hàng lừa đảo trên mạng ngày càng trở nên tinh vi, người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tham khảo kỹ thông tin để tránh “tiền mất tật mang”.