Mục tiêu tham vọng về sản xuất hydrogen

Nguyễn Cảnh - 08:50, 02/11/2023

TheLEADERHệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo dự tính có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD hàng năm vào năm 2050.

Mục tiêu tham vọng về sản xuất hydrogen
Chiến lược về sản xuất hydrogen nhiều tham vọng và thách thức. Ảnh minh họa: moit.gov.vn

Bộ Công thương cho biết vừa hoàn thành dự thảo chiến lược năng lượng hydrogen trình Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cụ thể hơn, chiến lược hướng tới sản xuất được 100.000-500.000 tấn hydrogen vào năm 2030 và định hướng khoảng 10-20 triệu tấn vào năm 2050.

Đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng hydrogen và nhiên liệu tổng hợp có nguồn gốc hydrogen trong sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp (thép, hóa chất, lọc dầu, công nghiệp khác), tòa nhà dân dụng và thương mại nhằm góp phần chuyển dịch năng lượng và từng bước phi carbon hóa nền kinh tế.

Đối với tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, Bộ Công thương cho biết, đến năm 2030 sẽ tính thí điểm sử dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành năng lượng phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn hệ thống và giá thành hợp lý; xây dựng thí điểm các trung tâm/cơ sở sản xuất thiết bị chuyên dùng cho vận chuyển, tồn trữ, phân phối hydrogen.

Theo tính toán, đến năm 2050, sẽ phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng tồn trữ, phân phối và sử dụng hydrogen với quy mô thị trường khoảng 10-20 triệu tấn/năm.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Công thương cũng đưa ra hàng loạt giải pháp đáng chú ý về cơ chế chính sách, đầu tư tài chính và hợp tác quốc tế.

Về cơ chế, đòi hỏi bổ sung quy định về năng lượng hydrogen trong Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo nền tảng pháp lý, ban hành quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện gió ngoài khơi.

Liên quan tới đầu tư, tài chính, chiến lược xác định huy động đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trên thị trường.

Tăng cường kêu gọi, sử dụng hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC,..), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh.

Về hợp tác quốc tế, xác định JETP (Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng) là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Thực hiện chiến lược này, bên cạnh trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương, Bộ Công thương cũng xác định rõ phần việc của các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Theo đó, EVN, PVN xây dựng kế hoạch chuyển đổi, phối trộn nhiên liệu hydrogen với nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện than, khí của hai tập đoàn. Petrolimex nghiên cứu cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng như cầu cảng xuất – nhập, kho bể chứa, trạm xuất…đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và nội địa.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 cùng kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 xác định, tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

Đồng thời, tăng trưởng xanh cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu tại chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá và quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên 300 tỷ USD vào năm 2050.

Trong đó, hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa. Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Theo chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, sản xuất và sử dụng hydrogen được xem là giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng với định hướng từng bước sử dụng hydrogen thay thế than trong công nghiệp luyện kim, trong các ngành dịch vụ, thương mại. 

Đồng thời, sử dụng hydrogen thay thế than cốc trong luyện thép “xanh” từ năm 2035; tăng dần tỷ lệ phương tiện giao thông điện, hydrogen.

Định hướng phát triển lĩnh vực hydrogen cũng đã được nhấn mạnh trong quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, quy hoạch điện VIII. 

Cụ thể, lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ được đẩy mạnh phát triển, kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh) để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.