Nền kinh tế rác thải nở rộ tại ASEAN

Phạm Sơn - 22:45, 21/02/2023

TheLEADERThay vì bị vứt bỏ, rác thải đang trở thành “mỏ vàng” được nhiều startup khai thác.

Nền kinh tế rác thải nở rộ tại ASEAN
Green Connect nhận gói tài trợ từ Mondelez Kinh Đô

Với diện tích tương đương 200 sân bóng đá, Bantar Gebang là bãi rác lớn nhất tại Indonesia. Nhiều nguồn tin còn khẳng định, đây là bãi rác lớn nhất trên thế giới.

Bãi rác khổng lồ này cũng là “nhà” của hơn 3 nghìn người dân, từ người già đến trẻ em, sinh sống bằng nghề nhặt nhạnh những thứ còn giá trị. Đối với họ, mùi hôi thối, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật có lẽ cũng chẳng đáng lo bằng nỗi sợ núi rác khổng lồ bị “sạt lở”. Tiếp nhận 7 nghìn tấn rác thải mỗi ngày, núi rác ở Bantar Gebang cao hơn tòa nhà 15 tầng.

Indonesia là quốc gia phát sinh nhiều chất thải rắn đô thị nhất tại khu vực ASEAN, với 64 triệu tấn mỗi năm, theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Dự báo, lượng rác thải sẽ còn phát sinh nhiều hơn nữa trong tương lai, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Hầu như tất cả các quốc gia ASEAN đều đang phải đối diện với tình trạng tương tự Indonesia. Cũng theo nghiên cứu của UNEP, Thái Lan là quốc gia xếp thứ 2 khu vực về chất thải rắn đô thị, với khoảng 26,8 triệu tấn mỗi năm, còn Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 với 22 triệu tấn mỗi năm.

Cuộc khủng hoảng về chất thải rắn xảy ra tại các quốc gia ASEAN như một hệ lụy tất yếu của quá trình tăng trưởng mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn dân số. Rác thải cũng từ đó trở nên phức tạp, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống xử lý chất thải vốn đã lạc hậu.

Nhiều chiến lược cấp quốc gia đã được ban hành tại ASEAN, với kỳ vọng tìm ra cách thức tiếp cận mới để chặn đứng cuộc khủng hoảng chất thải rắn. Bên cạnh các giải pháp mang tính đầu – cuối như giảm thiểu rác từ nguồn, cách tiếp cận “biến rác thải thành tài nguyên” cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà còn khu vực tư nhân.

Công ty Robries đang nổi lên như một startup triển vọng tại Indonesia, với hoạt động chính là tái chế rác thải nhựa thành đồ gia dụng. Đặt mục tiêu phủ sóng khắp thị trường đông dân nhất Đông Nam Á và đưa sản phẩm ra quốc tế, bà Syukriyatun Niamah, nhà sáng lập Robries, kỳ vọng không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn tạo ra tác động lan tỏa giúp nâng cao ý thức người tiêu dùng.

Cùng chung ý tưởng tái chế nhựa thành sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất, đồ dùng cá nhân cho đến vật liệu xây dựng. PLASTICPeople là startup duy nhất của Việt Nam lọt vào top 5 chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á.

Tuy nhiên, rác thải nhựa không phải là vấn đề duy nhất. Thực tế, mùi hôi thối hay màu đen của sông hồ ô nhiễm hay khí thải nhà kính gây ra chủ yếu bởi rác thải hữu cơ, thành phần chiếm khoảng 50% lượng rác thải đô thị tại các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, rác hữu cơ lẫn trong phế liệu cũng là nguyên nhân khiến phế liệu mất đi giá trị tái chế.

Rác thải hữu cơ đang là “mỏ vàng” được các startups khai thác. Nổi bật trong đó là Green Connect, doanh nghiệp xã hội của doanh nhân Huỳnh Hạnh Phúc. Thông qua dự án Larva Yum, Green Connect sử dụng rác hữu cơ nuôi ấu trùng ruồi lính đen, làm thức ăn chăn nuôi phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ. Mới đây, Green Connect đã nhận được khoản tài trợ trị giá 30 nghìn USD của Mondelez Kinh Đô và Quỹ Mondelez International's Sustainable Futures.

Mô hình tương tự được áp dụng với FlyFarm, công ty startup có trụ sở tại Singapore. Nhận được khoản đầu tư 5 triệu USD ngay từ vòng hạt giống, FlyFarm đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh sang thị trường châu Úc. Đây cũng là 1 trong 10 startups hàng đầu thế giới về quản lý chất thải hữu cơ, theo xếp hạng của tổ chức phi chính phủ Earth.Org.

Khởi nghiệp về kinh tế tuần hoàn đang nở rộ trên toàn khu vực Đông Nam Á. Điều này xuất phát không chỉ từ mong muốn giải quyết thực trạng ô nhiễm ngày càng trở nên nghiêm trọng mà còn bởi những tiềm năng và cơ hội to lớn. “Thách thức về khủng hoảng chất thải có thể là cơ hội nếu các nước ASEAN chuyển cách tiếp cận từ rác thải thành tài nguyên”, UNEP nhận xét.

Cơ hội ấy đang được hiện thực hóa với nhiều chính sách khuyến khích, đơn cử như Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam đã lần đầu tiên luật hóa khái niệm kinh tế tuần hoàn, những chính sách khuyến khích tái chế xuất hiện từ năm 1980 và được cập nhật liên tục của Singapore hay mô hình Sinh học – tuần hoàn của Thái Lan.

Tuy nhiên, Nikkei Asia Review bình luận, thách thức lớn đối với doanh nghiệp startup hiện tại là khả năng huy động vốn bị thu hẹp do những bất ổn mang tính vĩ mô ở khu vực cũng như trên thế giới. Dưới tác động của áp lực lạm phát, các hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập liên quan đến các dự án bền vững tại ASEAN đã liên tục kể từ sau quý I/2022, dự kiến tiếp tục giảm trong quý I/2023, theo dữ liệu của Refinitiv.

Trong bối cảnh đó, chính sách hỗ trợ mang tính chuyên biệt cho kinh tế tuần hoàn được đánh giá cao, đặc biệt là hệ sinh thái toàn diện cho các startups, từ đội ngũ mentor cho tới hỗ trợ kết nối với nhà đầu tư tiềm năng. Đây là cách các quỹ đầu tư có thể thực hiện để xanh hóa danh mục cũng như đóng góp cho một tương lai bền vững và tiềm năng.