‘Net zero’ không phải là ‘cuộc chơi xa xỉ’

Phạm Sơn - 16:31, 27/06/2023

TheLEADERChi phí để thực hiện chuyển đổi xanh không rẻ nhưng không thể bằng với những lợi ích đem lại cũng như những “chi phí cho việc không thực hiện chuyển đổi xanh”.

3,5 nghìn tỷ USD là chi phí mỗi năm cho thế giới hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo một nghiên cứu của McKinsey. Con số này tương đương với mức tăng 60% so với mức đầu tư hiện nay và tương đương với khoảng một nửa lợi nhuận hàng năm của tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu.

Cùng với đó, khoảng hơn 1 nghìn tỷ USD là khoản vốn cần được chuyển dịch từ những dự án đầu tư cũ sang dự án đầu tư mới có tính bền vững hơn. Những con số khổng lồ cho thấy thách thức lớn về tài chính cho chuyển đổi xanh, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Đồng tình rằng chuyển đổi xanh rất “tốn tiền”, tuy nhiên, theo bà Anita H.Holgersen, Trưởng đại diện Equinor tại Việt Nam, những tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là vấn đề vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Do đó, trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu cũng thuộc về tất cả quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp, không phân biệt nước giàu hay nước nghèo, doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.

“Ở Đức có những cánh rừng rất đẹp nhưng đang bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu thì tại Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống bà con cũng đang ảnh hưởng từ nước biển dâng. Vấn đề biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, do đó chung tay hành động là rất quan trọng”, bà Holgersen khẳng định.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang đâu đó hiện diện ở ngay cả những bữa cơm hàng ngày
Ông Nguyễn Quốc Khánh
Giám đốc điều hành R&D Vinamilk

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành R&D Vinamilk, cho biết, gần đây nhất, những tác động của Elnino đến ngành nông nghiệp cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang “đâu đó hiện diện ở ngay cả những bữa cơm hàng ngày”.

Chi phí cho đầu tư công nghệ, đổi mới quy trình, đào tạo nhân lực hướng đến phát triển bền vững là rất lớn nhưng ông Khánh tin rằng, động lực để thực hiện bước chuyển đổi đó còn lớn hơn, chính là vì cuộc sống tốt đẹp hơn, an toàn hơn cho tất cả cộng đồng.

Ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, lại nhìn câu chuyện chuyển đổi xanh dưới góc độ là một yêu cầu mang tính tất yếu. Lãnh đạo Vietjet cho biết, các tổ chức, liên minh hàng không trên toàn cầu đã đưa ra cam kết, chuẩn mực về sử dụng nhiên liệu tiết kiệm hay phát thải ròng bằng 0 cho ngành hàng không. Là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mang tính đa quốc gia, Vietjet cũng như nhiều hãng hàng không khác không thể không đi theo xu thế này.

Thực tế, người tiêu dùng cũng sẽ phải gánh chịu một phần chi phí để đồng hành với công cuộc chuyển đổi xanh, do các sản phẩm bền vững, ứng dụng công nghệ mới thường có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường. Dù dành ngày càng nhiều sự quan tâm tới sản phẩm bền vững nhưng người tiêu dùng cũng cần phải cân nhắc nhiều hơn đến chi phí cũng như tính thuận tiện khi đưa ra quyết định mua sắm.

‘Net zero’ không phải là ‘cuộc chơi xa xỉ’ 1
Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của VinFast. Ảnh: Hoàng Anh

Giải quyết vấn đề này, đối với hãng xe ô tô đầu tiên tại Việt Nam VinFast, chỉ tạo ra những dòng sản phẩm xanh là chưa đủ. Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của VinFast, cho biết, hướng đến thúc đẩy giao thông xanh, công ty đã cho ra đời nhiều phân khúc xe điện với nhiều mức giá, đảm bảo tốt nhất khả năng tiếp cận những phương tiện giao thông bền vững cho người tiêu dùng ở mọi phân khúc.

Song song với phát triển sản phẩm, VinFast cũng tập trung vào xây dựng trạm sạc và hệ thống bảo dưỡng nhằm tạo ra hệ sinh thái thuận tiện nhất cho người sử dụng xe điện làm phương tiện di chuyển.

Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện chuyển đổi xanh bất chấp chi phí chuyển đổi rất cao, tại Hội thảo "Net Zero - chuyển dịch xanh” do VTV tổ chức, một chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) Việt Nam, nhận xét, trên thực tế, chi phí cho lựa chọn không chuyển đổi xanh còn cao hơn nữa.

Cụ thể, tính riêng năm 2020, khoảng 2% GDP của Việt Nam đã bị tổn thất bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Con số này dự kiến sẽ còn tăng cao khi diễn biến khí hậu ngày càng trở nên thất thường, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa và thích ứng kịp thời.

Mặt khác, khi xu thế phát triển bền vững đang trở thành điều tất yếu trên toàn thế giới, doanh nghiệp chậm bước trong tiến trình chuyển đổi xanh chính là đang đánh mất đi cơ hội tiếp cận những thị trường tiên tiến, đánh mất đi năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Những tổn thất đó chính là chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp.