Ngân hàng, bất động sản đua nhau tăng vốn

Trần Anh - 13:28, 19/05/2021

TheLEADERTrong khi các ngân hàng quay trở lại tăng vốn sau một thời gian bị gián đoạn, các doanh nghiệp bất động sản đua tăng vốn khi thị trường chứng khoán sôi động còn trái phiếu doanh nghiệp bị thu hẹp.

Mới đây, VIB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép tăng vốn điều lệ tối đa thêm gần 4.438 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn. Qua đó, quy mô vốn có thể nâng lên mức tối đa hơn 15.531 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua, ngân hàng còn dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu, tiếp tục nâng vốn lên khoảng 16.000 tỷ đồng.

Ngân hàng NCB cũng cho biết sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ .

Ngân hàng tuyên bố tăng vốn mạnh nhất là VPBank khi tiết lộ mục tiêu tăng vốn lên tới 75.000 tỷ đồng. Những ngân hàng khác, từ quy mô vừa và nhỏ như KienlongBank, LienVietPostBank, SeABank, MSB, ABBank cho tới những ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, Techcombank... đều trình lên ĐHCĐ chủ trương tăng vốn điều lệ.

Sau một năm thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ kể từ thời điểm tháng 3/2020, thời điểm bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam, phần lớn cổ phiếu đều đã tăng giá thậm chí vượt đỉnh quá khứ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu thu hút vốn từ các nhà đầu tư. Mùa Đại hội cổ đông 2021 chứng kiến làn sóng các kế hoạch vốn không chỉ diễn ra trong ngành ngân hàng mà còn cả trong lĩnh vực bất động sản.

Trước khi Nghị định 81 được ban hành để điều chỉnh sức nóng về nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu là phương pháp được các công ty bất động sản ưa thích để tăng vốn trong năm 2020. Ước tính, tiá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 của các công ty bất động sản là khoảng 191 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm. Từ đầu 2021 đến nay, giá trị phát hành mới của các công ty bất động sản đạt 53 nghìn tỷ đồng

Thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp, 7 công ty bất động sản lớn nhất đã lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, với số tiền dự kiến ban đầu là 18,7 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi. Một phần sẽ thông qua chương trình ESOP và phát hành cổ tức bằng cổ phiếu.

Tập đoàn VinGroup dù không huy động thêm vốn cổ đông nhưng cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu 12,5% để tăng vốn lên gần 14.000 tỷ đồng. Tương tụ, Vinhomes có kế hoạch chi cổ tức tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu.

Novaland – công ty bất động sản lớn thứ 2 thị trường cũng có kế hoạch tăng vốn bằng việc phát hành mới 40 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp còn phát hành quyền mua cổ phiếu với tỷ lệ 7,9% để tăng vốn điều lệ lên tối đa thêm 4.591 tỷ đồng. 

Tương tự, các doanh nghiệp bất động sản khác như FLC, Văn Phú, Phát Đạt, Khang Điền, Nam Long,DIC Corp… cũng chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn hàng trăm tỷ đồng.

Cuối cùng, làn sóng tăng vốn còn lan sang các công ty chứng khoán nhằm đáp ứng nhu cầu vay đầu tư cổ phiếu của các nhà đầu tư. Năm công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đang lên kế hoạch tăng vốn trong đó 6.400 tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi. 

Một số công ty chứng khoán nhỏ khác cũng có kế hoạch tăng vốn bằng việc phát hành thêm cổ phiếu, tổng giá trị tăng vốn thêm của ngành này vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Điều này giúp các công ty chứng khoán mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ với giới hạn theo luật định là hai lần vốn chủ sở hữu.