Ngân hàng tìm cách tăng trưởng lợi nhuận khi tín dụng bị kiểm soát

Quỳnh Như - 11:55, 13/03/2019

TheLEADERTheo hai lãnh đạo của OCB và Vietcombank, các ngân hàng cần phát triển thêm hệ thống sản phẩm, dịch vụ khách hàng và đa dạng kênh cung cấp để đạt được mục tiêu kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát.

Ngân hàng tìm cách tăng trưởng lợi nhuận khi tín dụng bị kiểm soát
Ông Nguyễn Đình Tùng – CEO của Ngân hàng Phương Đông

Trong vài năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thường xuyên kiểm soát và định hướng hoạt động cho vay của các ngân hàng trong hệ thống thông qua chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Năm nay, NHNN dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%, tương đương với năm ngoái. Nói về con số này ông Nguyễn Đình Tùng – CEO của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, ông luôn ủng hộ quyết định này của NHNN, vì đây là biện pháp bắt buộc phải thực hiện để ổn định kinh tế vi mô, tạo điều kiện cho các ngân hàng bền vững.

"Tuy nhiên, nếu ngân hàng nào chỉ ngồi im ủng hộ mà không có bất cứ động thái thay đổi trong chiến lược kinh doanh nào, sẽ “chết chìm”, vì tín dụng vẫn là sản phẩm kinh doanh chủ lực của các ngân hàng và rõ ràng việc NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn sẽ tác động xấu đến các ngân hàng", ông Tùng chia sẻ trong Hội thảo “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức hôm qua tại TP.HCM.

“Mỗi ngân hàng phải điều chỉnh mục tiêu phát triển của mình để duy trì mức độ tăng trưởng phù hợp, mở rộng quy mô thị phần bằng những sản phẩm khác nhau", ông Nguyễn Đình Tùng, CEO của OCB.

Theo đó, đa dạng hóa sản phẩm là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất mà ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, nó sẽ giúp các ngân hàng đi qua thời gian khó.

Trong năm 2018, ngoài tăng trưởng tín dụng 19% theo sự cho phép của Nhà nước, OCB còn phát triển các dịch vụ thanh toán, tham gia vào các giao dịch phát hành trái phiếu, giao dịch M&A của doanh nghiệp hoặc sau này là các sản phẩm phái sinh, nếu NHNN cho phép.

Chiến lược này góp phần giúp OCB đạt giải thưởng Most Innovative Digital Bank của Tạp chí Tài chính Quốc tế (Anh) trong năm ngoái, nhờ sự bứt phá trong việc phát triển ngân hàng đa kênh - OCB OMNI đầu tiên tại Việt Nam.

Cũng theo lãnh đạo của OCB, trong 2019, lãi suất ngân hàng sẽ không có biến động lớn, nhưng sự phân biệt giữa lãi suất giữa đầu ra – đầu vào, sự phân biệt giữa các đối tượng khách hàng khác nhau sẽ rõ ràng hơn. Việc áp dụng mức lãi suất nào sẽ tùy thuộc vào mức độ rủi ro của doanh nghiệp. Sẽ có những doanh nghiệp được vay với lãi suất 5,5% đến 6% và sẽ có những doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 11% đến 12%.

Đồng quan điểm với đồng nghiệp bên OCB, ông Phạm Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc của Vietcombank cũng tin tưởng rằng, mức “trần” tăng trưởng tín dụng 14% của NHNN sẽ không làm khó các ngân hàng. 

Năm 2018, Vietcombank đưa ra chỉ tiêu 15% sau đó đạt 14,9%, quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng phải cơ cấu lại tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, trong năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hơn 10% lên trên 20.000 tỷ đồng, mục tiêu này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu hạn mức tăn trưởng tín dụng chỉ tương đương năm ngoái. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, Vietcombank sẽ đẩy mạnh việc phát triển ngân hàng số và bán lẻ nhằm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.

Hiện tại, Vietcombank có 16.000 nhân viên với 354 điểm giao dịch. Dù thế, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ không mở thêm quá nhiều điểm giao mà sẽ tập trung triển khai hệ thống ngân hàng số thông minh, hiện đại và có nhiều tiện ích hơn. Hệ thống ngân hàng số mới sẽ không chỉ giúp Vietcombank tiết kiệm được nhiều chi phí trong hoạt động giao dịch mà còn là xu hướng quốc tế.

Ở khía cạnh khác, theo nhận định của ông Tuấn, thị trường tài chính bán lẻ ở Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn. Để thu hút khách hàng bán lẻ, Vietcombank sẽ giới thiệu nhiều chương trình vay cá nhân thông qua các ứng dụng công nghệ (apps) ở hệ thống ngân hàng số mới.