Nghịch lý kiểm tra khiến doanh nghiệp tư nhân ‘không muốn lớn’

Kiều Mai - 16:02, 25/03/2023

TheLEADERTheo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, tại Việt Nam, các doanh nghiệp càng lớn thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng nhiều, đồng nghĩa với việc triệt tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp.

Ông Tuấn cho biết, theo quy luật kinh tế, doanh nghiệp nào càng lớn, càng làm ăn nghiêm túc, tuân thủ tốt, thì nhân lực càng chuyên nghiệp, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính càng giảm, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Điều này giúp doanh nghiệp có động lực phát triển và lớn lên.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này lại ngược lại, ông Tuấn nhấn mạnh tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Nghịch lý kiểm soát khiến doanh nghiệp Việt ‘không muốn lớn’
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Khảo sát doanh nghiệp vài năm trở lại đây cho thấy doanh nghiệp kinh doanh càng nhiều, càng “ăn nên làm ra”, thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng lớn, càng có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra.

“Câu nói nằm lòng của khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam là “khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà”, nghĩa là chấp nhận làm ăn nhì nhằng, bởi nếu lớn hơn một chút thì rủi ro cao”, ông Tuấn nói thêm.

Thực tế này cho thấy việc chuyển đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa thực sự mạnh mẽ, và việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp mới chỉ được thực hiện trong lĩnh vực thuế và hải quan, chưa được mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Đây là một trong những rào cản từ thể chế khiến khu vực tư nhân trong nước chưa thực sự vững mạnh.

Rủi ro tiếp theo với doanh nghiệp là việc cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh một số ngành đang có dấu hiệu chững lại. Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, môi trường của Việt Nam chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm, ít liên thông thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và việc thực thi pháp luật còn thấp. Công tác tham vấn và truyền thông chính sách còn nhiều bất cập, nội dung văn bản pháp luật còn chưa bảo đảm tính minh bạch, còn chung chung, định tính, phụ thuộc vào diễn giải tuỳ nghi của cơ quan thực hiện.

Ông Tuấn lưu ý: “Rủi ro thị trường thì có thể không tránh được, nhưng làm sao đừng để doanh nghiệp phải chịu rủi ro chính sách. Tôi cho rằng đằng sau số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường, bên cạnh những doanh nghiệp vì cơ hội kinh doanh không còn, con số doanh nghiệp rời bỏ do pháp luật thay đổi, cơ chế không còn phù hợp là một con số rất quan trọng mà đến nay vẫn chưa thể đo đếm”.

Ngoài các rủi ro trên, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại dù có nhiều cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp, công tác thi hành án dân sự chưa hiệu quả.

Cùng với đó, việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm, làm giảm cơ hội đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân. Ưu thế về năng lực quản trị tốt của khối tư nhân chưa được tận dụng triệt để trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối.

Ông Tuấn cho biết thêm tình trạng bảo hộ ngược đang diễn ra trên một số lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nhà nước đặt ra nhiều quy định pháp luật, nhưng lại chỉ áp dụng được các quy định đó với doanh nghiệp trong nước, mà không áp dụng đối với các doanh nghiệp ở nước ngoài, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cao hơn, cơ hội thị trường giảm xuống so với doanh nghiệp tương tự ở nước ngoài.

Giải pháp thông đường cho doanh nghiệp tư nhân

Đại diện VCCI kiến nghị trước hết, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi cấp; tiếp tục tiến hành chương trình cắt giảm các quy định đang cản trở hoạt động kinh doanh một cách thực chất; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính.

Cùng với đó, chuyển mạnh quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở hầu hết các lĩnh vực; thúc đẩy áp dụng quản lý theo hình thức rủi ro.

Thứ hai, cần xác định hỗ trợ môi trường kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách tư pháp, trong đó tập trung vào việc rút ngắn thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết vụ án kinh doanh thương mại; hạn chế tối đa việc đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; giảm thời gian và tăng tỷ lệ thi hành án thành công; giảm triệt để việc huỷ phán quyết trọng tài thương mại.

Thứ ba, nghiên cứu tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và thực thi pháp luật thông qua việc bảo đảm công tác tham vấn đối tượng thụ hưởng chính sách trong giai đoạn xây dựng pháp luật, thực hiện các biện pháp pháp điển hoá, tập hợp hoá, hợp nhất văn bản pháp luật, triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, nghiên cứu cơ chế diễn giải pháp luật một cách thống nhất, đồng bộ…

Thứ tư, tôn trọng quy luật thị trường, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả và sản lượng hàng hoá. Sự điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường trong chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và điều tiết mức độ cạnh tranh trong các ngành kinh tế cần bảo hộ.

Thứ năm, xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và các chính sách quản lý, điều hành kinh tế trong nước cần lưu ý tránh tình trạng bảo hộ ngược, có các nghiên cứu về cơ chế quyền tài phán ngoài lãnh thổ nhằm yêu cầu các doanh nghiệp ở nước ngoài cũng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi có doanh thu từ Việt Nam.

Cuối cùng, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kỷ luật tài chính công, cải cách mạnh mẽ thị trường vốn theo hướng minh bạch, chống các hành vi thao túng, lừa đảo, giao dịch nội gián; đi đôi với việc bảo đảm truyền thông giúp các bên hiểu rõ hành vi nào là được phép, hành vi nào bị cấm khi tham gia thị trường tài chính.