Nhà phát hành khu vực nào đứng đầu về xu hướng phát triển bền vững?

Phương Anh - 11:14, 06/10/2021

TheLEADERCác nhà phát hành châu Á có thái độ chú trọng hơn đến các vấn đề môi trường và xã hội, vượt xa các nhà phát hành trên thế giới và các nhà đầu tư trong khu vực, theo Khảo sát đầu tư và tài chính bền vững 2021 của HSBC.

Cụ thể, khoảng 58% nhà phát hành châu Á cho biết các vấn đề môi trường và xã hội là những vấn đề hết sức quan trọng đối với tổ chức của họ. Tỷ lệ này đã tăng nhẹ so với mức 56% của năm ngoái, và đạt ngưỡng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 44%.

Trong khi đó, 32% nhà đầu tư châu Á nói rằng những vấn đề này rất quan trọng đối với họ.

Ngoài ra, hầu hết nhà phát hành châu Á (96%) cho biết họ đã tập trung và chú trọng hơn vào các vấn đề này trong vòng 12 tháng qua, và 60% trong số đó đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường – một tỷ lệ cao so với các khu vực khác.

Đối với các nhà đầu tư, khoảng 72% cũng đã gia tăng mối quan tâm dành cho các vấn đề môi trường và xã hội từ năm ngoái. Kết quả này cho thấy khu vực châu Á đang có động lực mạnh mẽ thúc đẩy thay đổi nền kinh tế theo hướng bền vững.

Nhà phát hành khu vực nào đứng đầu về xu hướng phát triển bền vững?
Quan điểm từ phía các nhà phát hành đối với vấn đề phát triển bền vững.

HSBC cho biết năm nay, dường như chính các nhà phát hành chủ động thúc đẩy các hoạt động bền vững của khu vực châu Á, và vượt trên các nhà đầu tư trong một số chỉ số đo lường quan trọng. 

Ví dụ như khoảng 15% nhà phát hành châu Á (cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới) đã công bố cam kết không phát thải, và 74% (cao hơn khá nhiều so với mức bình quân thế giới là 67%) cho biết họ đang chuẩn bị đưa ra cam kết. Các con số này đối với các nhà đầu tư trong khu vực lần lượt là 11% và 26%.

Chính sách quyết liệt của Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn là một chất xúc tác quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của toàn khu vực.

Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng với các nhà phát hành năm nay chính là các nhóm đối tượng trọng yếu có liên quan. Cụ thể, áp lực từ nhân viên (55%, tăng từ mức 13% của năm ngoái) và khách hàng (48%, tăng từ 28%) là hai nguyên nhân khiến các nhà phát hành châu Á quan tâm đến những vấn đề này.

Trái lại, dưới 5% nhà phát hành châu Mỹ coi đó là lý do quan trọng cần lưu tâm – mức thấp hơn rất nhiều so với năm trước. 

Rào cản với xu hướng phát triển bền vững

Tuy nhiên, có một số trở ngại khiến khu vực châu Á khó triển khai đầu tư bền vững sâu rộng hơn, trong đó, phổ biến nhất là thiết hụt nhân lực trong lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

HSBC cho biết hơn 40% nhà đầu tư tổ chức ở châu Á đang gặp trở ngại trong việc triển khai thêm các hoạt động đầu tư liên quan đến ESG, nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn và chất lượng.

Các trở ngại khác bao gồm thiếu cơ hội đầu tư hấp dẫn, thiếu khả năng so sánh dữ liệu ESG giữa các nhà phát hành, và trở ngại về quy định và pháp lý. Đây cũng là một số vấn đề mà các nhà đầu tư các nơi khác trên thế giới cũng gặp phải.

Những thách thức này có thể làm chậm lại, nhưng tuyệt đối không thể ngăn cản tiến độ chung. Khảo sát của HSBC cho thấy các nhà đầu tư châu Á sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ đầu tư ESG, mặc dù với tiến độ chậm hơn.

Khoảng 39% trong số những người được hỏi cho biết tổ chức của họ năm nay đã có một chính sách cấp công ty về đầu tư có trách nhiệm, hoặc các vấn đề ESG. Hơn 36% cho biết họ dự định sẽ có chính sách tương tự tương lai.

Điểm tích cực là 72% đại diện tham gia khảo sát ở châu Á nói rằng họ quan tâm hơn đến các vấn đề ESG so với năm ngoái – động thái cho thấy các nhà đầu tư trong khu vực đã bắt đầu ưu tiên vấn đề này hơn.

Jonathan Drew, Giám đốc các giải pháp ESG của HSBC, nhận định đầu tư và tài chính bền vững là cơ hội lớn còn bỏ ngỏ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Á, để tạo bản sắc và thúc đẩy tăng trưởng.

Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo cho khu vực – vốn là nơi chịu nhiều tổn thất do khủng hoảng khí hậu, có thể dịch chuyển sang mô hình phát triển kinh tế bền vững và phát thải carbon thấp.

Một hệ thống nguyên tắc, khung pháp lý và tiêu chuẩn vững chắc, theo các định nghĩa và công bố thông tin, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chuyên biệt có chuyên môn mới xây dựng được.

“Nhu cầu này đòi hỏi tập trung chiến lược và đầu tư nhưng đổi lại là lợi ích lớn lao để xây dựng một tương lai bền vững đồng thời cải thiện kết quả kinh doanh”, vị giám đốc đánh giá.