Nhân loại ‘đi lùi’ trong công tác bảo vệ trẻ em

Phạm Sơn - 15:24, 11/06/2021

TheLEADERHàng triệu trẻ em trên toàn thế giới đang phải tham gia lao động, trong đó một nửa phải làm những công việc độc hại, mất an toàn, gây tổn hại sức khỏe và đạo đức.

Nhân loại ‘đi lùi’ trong công tác bảo vệ trẻ em
160 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang phải tham gia lao động.

Mỗi ngày, cậu bé 11 tuổi tên Archie thức dậy lúc 5 giờ, ăn sáng rồi chuẩn bị đi bộ đến nơi làm việc. Archie làm công nhân ở một mỏ khai thác vàng, nơi cậu phải lách mình vào một khe hẹp để chui sâu xuống dưới lòng đất, lao động cật lực trong tình trạng ngập nước và thiếu thốn dưỡng khí. Công việc diễn ra liên tục 10 – 12 tiếng mỗi ngày.

Cậu bé Rafael lớn hơn Archie 1 tuổi, sinh sống tại túp lều nhỏ trong rừng. Mỗi ngày, Rafael phải uống chung nước với những con bò trong nông trại nơi cậu làm việc. Rafael đã làm việc ở đây kể từ năm 7 tuổi để trả nợ cho cha của mình.

Taisha đã từng là một nữ sinh trung học, cho đến khi trường học bị đóng cửa bởi đại dịch Covid-19. Cô bé 16 tuổi phải đảm nhiệm công việc nhà, từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho tới chăm sóc người bà của mình. Taishi cố gắng theo dõi chương trình dạy học trên vô tuyến nhưng hầu như không có thời gian để tiếp thu kiến thức.

Những câu chuyện tương tự như 3 bạn nhỏ kể trên không phải là điều hiếm gặp. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số lượng lao động trẻ em đã tăng thêm 8,4 triệu trong vòng 4 năm qua, cán mốc 160 triệu, chiếm 1/10 trẻ em trên toàn thế giới.

Trong số đó, tỷ lệ trẻ em 5 – 11 tuổi tham gia lao động tăng với tốc độ đáng kể, tính đến hiện tại đã chiếm tới 55,6%. Cùng với đó, 79 triệu là số trẻ từ 5 – 17 tuổi phải làm các công việc độc hại, tức là các công việc mất an toàn, gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đạo đức.

ILO và UNICEF nhấn mạnh, các công việc độc hại có thể bao gồm cả công việc gia đình, đối với trường hợp trẻ phải lao động nhiều giờ mỗi ngày, công việc nặng nhọc và có thể gây ra nguy hiểm.

Lao động trẻ em chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, làm việc trong ngành nông nghiệp, bán sức lao động một cách rẻ mạt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, hộ gia đình và khu vực kinh tế phi chính thức.

Những số liệu ước tính cho thấy nhân loại đang “đi lùi” trong công tác bảo vệ trẻ em, sau nỗ lực giảm thiểu tới 94 triệu lao động trẻ em trong giai đoạn 2000 – 2016.

Đại dịch Covid-19 được xem là tác nhân chính cho sự “đi lùi” này. Việc đóng cửa các trường học cộng với tác động kinh tế không chỉ làm gia tăng số lượng lao động trẻ em mà còn khiến điều kiện lao động của trẻ em trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Dự kiến, tác động của Covid-19 sẽ tạo ra thêm khoảng 9 triệu lao động trẻ em tới năm 2022. Theo một kịch bản xấu về phạm vi bảo trợ xã hội, con số này có thể lên tới 46 triệu.

Để những dự đoán này không thể xảy ra, ILO và UNICEF kêu gọi các chính phủ cũng như tổ chức quốc tế có những hành động nghiêm túc. Các chính sách trong thời gian tới để hạn chế lao động trẻ em có thể kể đến như bảo vệ quyền lợi về an sinh xã hội cho mọi đối tượng, tăng cường chi tiêu công để đảm bảo dịch vụ giáo dục.

Tạo việc làm tốt hơn cho người trưởng thành cũng là phương án giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo có thể duy trì được sinh kế mà không phải nhờ đến lao động trẻ em.

Nhóm nghiên cứu của ILO và UNICEF cho biết, các quốc gia, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức khu vực và quốc tế cần “tăng gấp đôi” nỗ lực để đạt được những cam kết, hướng tới chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

“Những số liệu ước tính mới là một lời cảnh tỉnh. Chúng ta không thể đứng nhìn thế hệ trẻ mới đang gặp phải rủi ro”, ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO bình luận.