Những điểm sáng trong kinh tế Hà Nội năm 2022

Nhật Hạ - 16:34, 31/12/2022

TheLEADERKinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 khi ghi nhận tăng trưởng GRDP năm nay ở mức cao nhất trong 10 năm qua, thu hút gần 1,7 tỷ USD vốn FDI, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 23%...

Những điểm sáng trong kinh tế Hà Nội năm 2022
Tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 8,89%. Ảnh: Trang tin UBND TP. Hà Nội

Trong thành tựu phát triển kinh tế vượt bậc năm 2022 của cả nước, không thể không kể tới đóng góp lớn của thành phố Hà Nội – trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Sau dịch Covid-19, kinh tế Thủ Đô đã phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Bức tranh kinh tế của thành phố có nhiều điểm sáng khi hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Tăng trưởng GRDP của thành phố đạt 8,89%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ qua. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với năm trước.

Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,69 tỷ USD, tăng mạnh so với năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 23%.

Với chính sách mở cửa, từ ngày 15/3/2022, du lịch Hà Nội bắt đầu đón khách du lịch. Sau thời gian bị ‘nén chặt’ do dịch Covid-19, ngành du lịch thành phố đã phục hồi mạnh mẽ.

Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 5,3 lần.

Tại Lễ Gala ngày 11/11/2022 được tổ chức tại Oman, thành phố Hà Nội đã vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022.

Sự kiện nổi bật nhất được tổ chức tại Hà Nội năm nay phải kể tới SEA Games 31. Đây là lần thứ 2 sau gần 2 thập kỷ, Hà Nội đăng cai tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và tổ chức 18 môn thi đấu. Người dân thành phố một lần nữa được sống trong không khí sôi động của một kỳ SEA Games; đồng thời thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.

Những điểm sáng trong kinh tế Hà Nội năm 2022
SEA Games 31

Bên cạnh SEA Games 31, Hà Nội cũng là điểm đến đăng cai gần 2.000 sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, trong đó có nhiều sự kiện mang bản sắc văn hóa Thủ Đô như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Lễ hội áo dài, Hội thảo khoa học quốc tế về di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long... An ninh thành phố tiếp tục được giữ vững, ổn định; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội trở thành một trong những điểm đến an toàn trên thế giới.

Ngoài ra, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ Đô; định vị tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu, giải pháp thiết thực, hiệu quả; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thật sự có tiềm lực, mang đậm bản sắc văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó tập trung 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng dự toán trên 49.000 tỷ đồng.

Vào tháng 2/2022, thành phố cũng đã ban hành nghị quyết về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Sau 1 năm chuẩn bị, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 16/6/2022. Đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội dài 58,2/112,8km, đi qua 7 quận huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng dự án này. Đến nay, cả hệ thống chính trị của thành phố, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đúng tiến độ, quyết tâm đến tháng 6/2023 khởi công dự án.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xem là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Năm nay, Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Từ năm 2019 đến nay, thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP gồm 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.