Những nghịch lý trong xã hội số

Phạm Sơn - 13:48, 18/03/2022

TheLEADERCó đến 2.800 dịch vụ công trực tuyến nhưng năng lực về chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn xếp ở mức thấp khi trong 2 năm vừa qua chỉ có 117 nghìn lượt sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ số, thay đổi cuộc sống cũng như nền kinh tế - xã hội từng ngày, từng giờ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thể hiện rõ ràng quan điểm không đứng ngoài cuộc, chủ trương chuyển đổi số mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển bao trùm và bền vững. Quan điểm này đã được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch quốc gia được Chính phủ và các bộ ngành ban hành, triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, một vấn đề được đặt ra là liệu Việt Nam có “đủ sức” để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi chưa hề trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

Trả lời vấn đề này, ông Trương Quốc Hưng, Phó vụ trưởng kiêm Phó chánh văn phòng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội dẫn lại số liệu được đưa ra tại báo cáo quốc gia “Việt Nam – một xã hội số” được thực hiện bởi trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trường Đại học Justus Liebig Giessen, dưới sự tài trợ của tổ chức Hanns Seidel Foundation.

Cụ thể, hiện nay đang có khoảng 70 – 80 triệu số lượng thuê bao internet được đăng ký; khoảng 130 triệu điện thoại di động, chủ yếu là điện thoại thông minh được sử dụng, tương đương với khoảng 1,3 chiếc điện thoại/người. Số lượng tài khoản mạng xã hội cũng đạt đến con số 70 – 80 triệu.

Có thể nói, người dân Việt Nam đang có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin tương đối cao. Mặt khác, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp hạng 38/193 quốc gia về chỉ số phát triển nhân lực công nghệ số, chứng tỏ tiềm năng lớn về nguồn nhân lực.

Đây là những lý do ông Hưng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng tận dụng hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển bứt phá, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Tuy nhiên, những con số nói trên mới chỉ thể hiện được sự tiềm năng. Đi sâu vào phân tích, báo cáo “Việt Nam – một xã hội số” chỉ ra nhiều nghich lý, cũng là những thách thức đặt ra trên con đường chuyển đổi số.

Đầu tiên phải kể đến xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số chính phủ điện tử. Năm 2010, Việt Nam xếp hạng 90/193 về chỉ số này, đến năm 2020 chỉ tăng lên 4 bậc, tức là xếp thứ 86/193.

Điều này có vẻ khó hiểu khi trong thời gian vừa qua, các việc số hóa các dịch vụ công đang được Chính phủ và các bộ ngành triển khai hết sức tích cực. Tính đến cuối năm 2020, có gần 2.800 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Lý giải về điều này, ông Hưng cho biết, tuy có đến 2.800 dịch vụ công trực tuyến nhưng qua 2 năm, số lượt sử dụng dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt khoảng 117 nghìn. Con số này cũng đặt ra nghịch lý rất lớn với số liệu về khả năng tiếp cận internet, công nghệ thông tin nêu trên.

“Kỳ vọng về một quốc gia số hóa, phát triển, có mức thu nhập vào năm 2045 mà đến nay việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến vẫn thấp như vậy, là một thách thức rất lớn đối với thể chế Nhà nước”, ông Hưng nhận định.

Nghịch lý tiếp theo phải kể đến là tuy có năng lực kỹ thuật số cao nhưng Việt Nam chỉ đứng thứ 24/32 quốc gia được khảo sát về chỉ số văn minh mạng, theo một nghiên cứu của Microsoft. Các nước xếp dưới Việt Nam chủ yếu là những nước nghèo ở châu Phi, khả năng tiếp cận internet còn tương đối hạn chế.

Vấn đề văn hóa trên không gian mạng thực sự đáng được lưu tâm khi có đến hàng chục triệu người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, nên “đây không còn là không gian ảo nữa mà là thế giới thật”.

Hiện tượng hành xử kém văn minh trên không gian mạng có thể thấy rõ trong thời gian vừa qua, có nhiều người ngang nhiên sử dụng mạng xã hội để công khai chỉ trích, bôi nhọ danh dự, thậm chí là vu cáo người khác.

“Ở thế giới thật, chúng ta đánh người, giết người thì phải đi tù nhưng có biết bao nhiêu người đang “giết người” trên Facebook thì không bị sao”, chuyên gia lập pháp đặt vấn đề.

Theo ông Hưng, văn hóa trên không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc từ nhiều phía, trong đó đặc biệt lưu ý tới khía cạnh giáo dục, đào tạo để điều chỉnh, định hướng hành vi của giới trẻ; cùng với sự điều chỉnh từ phía pháp luật để kiểm soát việc sử dụng không gian mạng theo hướng mang lại lợi ích chứ không phải gây tổn hại cho người khác.