Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 39 dự án

Nguyễn Cảnh - 11:11, 14/12/2022

TheLEADERUBND tỉnh Ninh Thuận vừa công bố danh mục 39 dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 ở các lĩnh vực như: khu đô thị dân cư, nhà ở; thương mại, dịch vụ; công nghiệp; xã hội hóa; nông nghiệp.

Ninh Thuận kêu gọi đầu tư 39 dự án
Tới năm 2030, Ninh Thuận định hướng trở thành tỉnh mạnh về biển, cơ bản đạt tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế biển chiếm 45-46% tổng sản phẩm nội tỉnh.

Trong số này, ghi nhận 9 dự án liên quan tới lĩnh vực khu đô thị dân cư, nhà ở; 11 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 9 dự án công nghiệp; 6 dự án nông nghiệp và 4 dự án xã hội hóa.

Thuộc danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư, xuất hiện một số trường hợp có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng như: Khu đô thị mới Tây Bắc tại phường Phước Mỹ và xã Thành Hải (diện tích khoảng 91ha với mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; Khu đô thị mới trung tâm thị trấn Tân Sơn ở huyện Ninh Sơn (diện tích khoảng 27ha, giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng).

Đây được đánh giá là những dự án quan trọng góp phần hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập các khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ; giải quyết nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân với tiêu chuẩn môi trường sống cao trong khu đô thị.

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng ghi nhận nhiều dự án quy mô lớn như: Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phước Minh 1 huyện Thuận Nam (diện tích 75ha, mức vốn 680 tỷ đồng); dự án đầu tư hạ tầng CCN Phước Minh 2 (diện tích 26ha, tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng); dự án hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải huyện Ninh Phước (diện tích 245ha, giá trị 300 tỷ đồng), dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 2) tại Thuận Nam với diện tích khoảng 50ha.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, để hiện thực hóa các định hướng phát triển của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận xác định các nhóm giải pháp chủ yếu như: Huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư công, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, vốn tư nhân để thực hiện quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về liên kết, hợp tác phát triển…

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng vừa lên kế hoạch triển khai đề án "Phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với nhiều nội dung quan trọng.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 15-16%, huy động tổng vốn đầu tư cho kinh tế biển khoảng 61-62 nghìn tỷ đồng. Tới năm 2025, kinh tế biển chiếm 41-42% tổng sản phẩm nội tỉnh (trong đó, năng lượng ven biển chiếm 35-36%, công nghiệp ven biển 16-17%, đô thị, dịch vụ du lịch biển 16-17%...).

Tới năm 2030, Ninh Thuận định hướng trở thành tỉnh mạnh về biển, cơ bản đạt tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế biển chiếm 45-46% tổng sản phẩm nội tỉnh.

Các nhóm ngành kinh tế biển được xác định lộ trình phát triển cụ thể: Về năng lượng, năng lượng tái tạo, tập trung triển khai đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná giai đoạn 1 (quy mô 1.500MW), các dự án điện gió, điện mặt trời, công trình hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV.

Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, lựa chọn dự án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt, khả thi cao gắn với đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa đồng bộ công suất các dự án điện trên địa bàn.

Phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển cũng là một nội dung đáng chú ý. Theo đó, Sở ngành địa phương đa dạng hóa các nguồn lực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển, nhất là các khu vực Bình Tiên – Vĩnh Hy, Bình Sơn – Ninh Chữ, Hòn Đỏ, Đầm Nại, Mũi Dinh – Cà Ná để sớm hình thành các khu du lịch có đẳng cấp cao.

Theo Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO), tỉnh Ninh Thuận áp dụng chính sách thu hút đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án trên địa bàn. Đó là mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Ninh Thuận nằm ở giao điểm các trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua dài 67km với 5 nhà ga, Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên và Quốc lộ 27B chạy qua huyện Bác Ái đến Cam Ranh (Khánh Hòa). TP. Phan Rang - Tháp Chàm, thành phố tỉnh lỵ của Ninh Thuận cách sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km, cách TP.HCM 350km. Ninh Thuận là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm giữa Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ.