Nỗi trăn trở của CEO Phạm Kim Hùng

Việt Hưng - 09:07, 04/07/2022

TheLEADERCEO Phạm Kim Hùng thừa nhận, trong sự phát triển của Base, đội ngũ này đã nhận ra rất nhiều việc “phải làm bằng mọi giá” như: phải tạo ra những sản phẩm tốt nhất, phải thật sự chăm chỉ và phải luôn đứng trên đôi chân của mình để xây dựng một nền tảng tài chính lành mạnh...

Nhà sáng lập kiêm CEO của Base.vn Phạm Kim Hùng là một trong những người trẻ khởi nghiệp gặt hái được nhiều thành tựu nhất trong cộng đồng startup Việt Nam hiện nay. 

Gần đây, True Platform, một startup công nghệ mới được thành lập bởi vị CEO 35 tuổi vừa công bố hoàn thành gọi vốn vòng Seed, nhận 3,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư danh tiếng hàng đầu khu vực.

Khởi nghiệp 2 lần trong hơn 5 năm, với Base.vn hiện đã trở thành nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam, còn True Platform được định vị là công ty toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập, CEO Phạm Kim Hùng đã có những giây phút trải lòng chân thật khi nhìn về hành trình đã qua, về những bài học "khắc cốt ghi tâm", cũng như về những kỳ vọng và mục tiêu trên chặng đường tiếp theo.

Nỗi trăn trở của CEO Phạm Kim Hùng
Nỗi trăn trở của CEO Phạm Kim Hùng

Trở lại thời điểm năm 2016, khi mà mọi thứ từ sản phẩm, truyền thông, thị trường… đều chưa rõ ràng như bây giờ, ông đã mang theo những gì để bước chân vào con đường khởi nghiệp? Ông có từng nghĩ rằng mình sẽ đi xa đến thế?

CEO Phạm Kim Hùng: Thứ mà Base mang theo từ ngày đầu tiên cho đến hôm nay đó là chúng tôi luôn tin và tự hào về những giá trị mà công ty hướng đến và những giá trị chung đó phù hợp chung với những nguyên tắc sống cá nhân của từng thành viên. Điều đó đã giúp chúng tôi tập hợp được những bạn trẻ tài năng và họ chính là những người kể câu chuyện của Base sau này. Vai trò của tôi không gì hơn là đảm bảo sứ mệnh của Base không bao giờ thay đổi.

Những ngày đầu tiên, chúng tôi thậm chí không dám nghĩ sẽ có đủ một tỷ doanh thu một tháng và một văn phòng 100m2, chứ chưa nói đến việc có được hơn 7 nghìn khách hàng doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi có sự kiên trì và luôn biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ dừng bước.

Tôi cho rằng một startup không có gì hơn là tập hợp của một nhóm người và niềm tin giữa họ với nhau và với tổ chức. Niềm tin càng mạnh, họ sẽ càng đi xa.

Đâu là một bài học “khắc cốt ghi tâm” của anh sau nhiều năm khởi nghiệp?

CEO Phạm Kim Hùng: Trong bộ phim tài liệu “Inside Bill Brain”, một phóng viên đã hỏi Bill Gates rằng ông ấy làm gì để vượt qua rất nhiều khó khăn, và Bill Gates đã trả lời: “Tôi chỉ có thể làm việc chăm chỉ hơn” (I have to work harder). Đây là bài học “khắc cốt ghi tâm” đối với tôi: Chỉ có thể làm việc thực sự chăm chỉ và nỗ lực trong nhiều năm mới có cơ hội thành công. Nhiều người hay lầm tưởng rằng một startup có thể “thành công chỉ sau một đêm”. Tôi thì nghĩ rằng không có sự thành công nào đáng kể ít hơn 10 năm, và trong suốt thời gian đó, bạn không được phép ngừng nỗ lực.

Mặt khác, Ben Horowitz, nhà sáng lập LoudCloud và A16Z, cũng từng nhấn mạnh rằng: “There is no credit for just trying” (Không có thành quả nào cho việc bạn đã cố gắng như thế nào).

Đây là một thực tế phũ phàng, rằng startups là một cuộc chơi rất khó khăn, và nỗ lực trong nhiều năm cũng chẳng có gì đảm bảo sẽ thành công. Để thành công, cần cả sự may mắn, một thị trường tốt, những con người phù hợp, và điều quan trọng nhất: Bạn buộc phải nỗ lực đến cùng. Vì không có bất cứ thành quả nào chỉ cho việc bạn đã nỗ lực như thế nào - dù bạn đã gần đến đích.

Nỗi trăn trở của CEO Phạm Kim Hùng 1
CEO Phạm Kim Hùng: “Không có thành quả nào cho việc bạn đã cố gắng như thế nào”

Dành trọn tâm huyết, tiền bạc, hay nói cách khác là tất cả mọi thứ vào một công ty với rất nhiều rủi ro thất bại có thể khiến nhà sáng lập sụp đổ hy vọng, tan vỡ cảm xúc và “burn-out”. Ông đã vượt qua “hội chứng burn-out” như thế nào?

CEO Phạm Kim Hùng: Bạn có nhìn thấy tóc của tôi bạc hết rồi không (cười). Thực tế tôi đã thất bại rất nhiều lần, “burn-out” trong một thời gian dài và đó là những trải nghiệm đau thương. Dù sao thì thất bại không phải là thứ đáng tự hào cho lắm và không cần phải kể lại. Thành công giúp chúng ta tìm được cách để thành công lớn hơn, còn thất bại giúp chúng ta biết trân trọng hơn những gì mình đang có.

Chẳng hạn, những thất bại trước kia giúp chúng tôi hiểu và trân trọng hơn ai hết giá trị của những người đồng đội. Khi thành công có thể rất nhiều người muốn đồng hành cùng bạn, nhưng chỉ khi công ty thực sự gặp khó khăn, bạn mới hiểu ai sẽ là người sẵn sàng đi cùng với mình: Không phải là các quỹ đầu tư, cố vấn hay bất kỳ ai khác có thể sẵn sàng ở lại, ngoại trừ một số người đồng đội tuyệt vời của bạn.

Startup là một hành trình cô đơn và hành trình đó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều nếu bạn tìm được những người đồng đội tuyệt vời như thế. Chính những người cộng sự đó sẽ là động lực giúp bạn vượt qua sự “burn out”.

Sau mỗi khó khăn và thử thách, dường như Base.vn lại càng phát triển hơn nữa. Có khi nào ông nghĩ nếu phẳng lặng thì mọi thứ đã không được như thế?

CEO Phạm Kim Hùng: Tôi nghĩ chẳng có công ty nào có thể “phẳng lặng” để phát triển và thành công được cả. Thử thách là thứ buộc phải có để một tổ chức và từng cá nhân trong tổ chức đó trưởng thành hơn.

Ở Base chúng tôi coi “thử thách” là một cơ hội để học: học cách đối diện một cách tích cực và học cách tìm ra lời giải. Nhân sự của Base rất trẻ và chúng tôi luôn coi khả năng của mỗi người là không có giới hạn: mỗi khi một giới hạn được phá vỡ, mỗi người lại có thể đặt ra cho mình một giới hạn mới. Tinh thần học hỏi không ngừng là điều kiện căn bản để một doanh nghiệp luôn tiến lên phía trước.

Khởi nghiệp nhiều lần, có thành công, có thất bại, ông nghĩ có thể vận dụng những kinh nghiệm ấy để giúp True Platform đi nhanh hơn trong một thị trường nhiều cạnh tranh hơn không?

CEO Phạm Kim Hùng: Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến một câu nói của Ben Horowitz: “Startup CEOs should not play the odds”, có nghĩa là CEO không thể chỉ hành động chỉ dựa trên “hi vọng”. Họ phải biết rõ một danh sách các mục tiêu phải làm được bằng mọi giá và tìm ra lời giải tối ưu cho các mục tiêu đó.

Thực tế, một startup sẽ thành công chính bằng những thứ họ coi “phải làm bằng mọi giá” như thế chứ không phải khi họ đang thấy rằng mình có quá nhiều sự lựa chọn. Khi họ tin rằng “phải làm bằng mọi giá” một thứ gì đó, họ không có lựa chọn nào khác là phải đạt được.

Trong sự phát triển của Base, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều việc “phải làm bằng mọi giá” như vậy: Phải tạo ra những sản phẩm tốt nhất, phải thật sự chăm chỉ và phải luôn đứng trên đôi chân của mình để xây dựng một nền tảng tài chính lành mạnh.

Còn rất nhiều việc “phải làm bằng mọi giá” như thế trong từng thời điểm phát triển của một startup và đó chắc chắn sẽ là kinh nghiệm quan trọng nhất để đi nhanh hơn đối với câu chuyện của True Platform sau này.

Nỗi trăn trở của CEO Phạm Kim Hùng 2
“Nếu nhà sáng lập không thể cố gắng làm việc đủ nhiều thì sẽ không xứng đáng với niềm tin của cả đội ngũ dành cho mình”

Thành lập True Platform và cùng một lúc điều hành cả Base và True, ông có nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục làm việc từ 13 – 16 giờ/ngày trong nhiều năm nữa?

CEO Phạm Kim Hùng: Các bạn nhân viên ở cả Base.vn và True Platform đều luôn có thể làm việc 8 giờ mỗi ngày như bình thường. Nhưng về phía đội ngũ lãnh đạo của một startup, tôi cho rằng họ không thể làm việc ít hơn 12 giờ mỗi ngày trong khoảng từ 3 - 5 năm đầu tiên. Việc cùng lúc điều hành cả Base và True hiển nhiên không cho tôi một lựa chọn khác đi. Nhưng với tôi, đó là một điều hạnh phúc hơn là áp lực.

Tôi nghĩ rằng nếu nhà sáng lập không thể cố gắng làm việc đủ nhiều thì sẽ không xứng đáng với niềm tin của cả đội ngũ dành cho mình, và cũng không xứng đáng với thành công sau này nếu nhà sáng lập có thể đạt được nó. Làm việc chăm chỉ chỉ đơn giản là biểu hiện của động lực và sự tập trung rất lớn mà thôi.

Khởi nghiệp thì ngoài nghĩ đến thất bại, ai cũng nghĩ đến thành công và mơ đến ngày trở thành "kỳ lân", vươn ra biển lớn. Vậy ước mơ của ông là gì, với Base.vn và bây giờ là với True Platform?

CEO Phạm Kim Hùng: Trong suốt thời gian điều hành của Base, có một câu hỏi tôi luôn tự hỏi mình mỗi ngày: “Liệu một công ty product-centric có khả thi ở Việt Nam hay không?”. Hoặc nhiều hơn một chút - “Liệu những người trẻ chỉ với khát vọng, sự tử tế và sự tập trung vào sản phẩm có thể xây dựng một startup có ý nghĩa ở Việt Nam hay không?”.

Điều này đơn giản là một sự “cố chấp” - một mô hình kinh doanh đặt sự tử tế và niềm đam mê sản phẩm làm lý tưởng. Chúng tôi không mơ mộng hoặc ảo tưởng về những hạn chế của mình: Đội ngũ của Base rất trẻ và chắc chắn không có quá nhiều “trải nghiệm thương trường” như nhân sự của nhiều công ty khác. Chưa kể, thương trường luôn là chiến trường và môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng rất khắc nghiệt.

Tôi nghĩ có rất nhiều thứ mà người ta cố gắng hết sức trong hàng chục năm chỉ để cuối cùng nhận ra rằng nó không khả thi và khi ấy lại tự hỏi vì sao ban đầu mình lại làm như vậy?

Ước mơ của tôi đối với Base trong suốt nhiều năm chỉ đơn giản là được thấy một ngày nào đó điều chúng tôi tin ở trên là khả thi, là hoàn toàn có thể tạo ra nếu chúng tôi kiên trì và nỗ lực.

Nói vậy để giải thích rằng bản thân chúng tôi rất hiểu điều mình hướng tới và biết rõ rằng nó rất thử thách. Nhưng thật sự là nếu như không thể hướng đến những điều như thế, thì quả thật tôi không thể trả lời được câu hỏi: “Startup để làm gì?”.

Sau gần 6 năm, chúng tôi đã làm được một điều có ý nghĩa nhất với sự tồn tại của Base: Một công ty tập trung vào sản phẩm, với sự tử tế và chăm chỉ, là hoàn toàn khả thi và có thể tồn tại ở Việt Nam. Chúng tôi tạo ra dòng tiền tự do (free cashflow) hàng năm nhiều hơn toàn bộ số tiền đầu tư của các quỹ đã từng bỏ vào Base và đã có hơn 7 nghìn doanh nghiệp tin dùng. Và bây giờ chúng tôi muốn hướng đến một mục tiêu cao hơn: Base sẽ trở thành công ty đại chúng.

Còn đối với True Platform, thật may mắn là bây giờ chúng tôi không còn phải tự hỏi bản thân những điều giống như trước kia khi bắt đầu với Base nữa. True sẽ tiếp tục là một công ty đặt sản phẩm và sự tử tế làm lý tưởng. Chúng tôi kỳ vọng True có thể trở thành một công ty có ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu.

Nỗi trăn trở của CEO Phạm Kim Hùng 3
CEO Phạm Kim Hùng: “Chúng tôi từng trăn trở rằng liệu một công ty product-centric có khả thi ở Việt Nam hay không?”

Động lực tiếp tục khởi nghiệp của ông với True Platform ở tuổi 35 đến từ đâu?

CEO Phạm Kim Hùng: Thương vụ FPT x Base đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Base: Sau 2 năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh số theo cấp số nhân 3 - 4 lần và tiếp tục khẳng định vị thế một nền tảng SaaS hàng đầu trong nước. Thương vụ ấy, theo chia sẻ của anh Trương Gia Bình trước đó, là “làm hết mình cho Việt Nam với sự hỗ trợ của FPT” và “vươn ra thế giới”.

Đối với True Platform, không có động lực gì quan trọng hơn là được tiếp tục làm việc cùng và dẫn dắt những người trẻ nhiều khát vọng để tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa ở tầm thế giới. Những sản phẩm được tạo dựng hoàn toàn bởi trí tuệ của người Việt - và điều này thực sự thôi thúc, một điều rất “đáng” để cố gắng và đánh đổi. Tôi tin rằng các kỹ sư người Việt rất giỏi, họ chỉ cần một bài toán đủ lớn và đủ hay. Tôi hi vọng True Platform sẽ tạo ra một sân chơi như thế.

Nếu như nói “nỗi sợ” của những ngày đầu với Base.vn đã qua rồi, thì nỗi sợ lớn nhất của ông trên hành trình tiếp theo là gì?

CEO Phạm Kim Hùng: “Nỗi sợ” của những ngày đầu khi bắt đầu với Base là chúng tôi không chắc sự cố chấp của mình về lý tưởng xây dựng Base có khả thi hay không, và thực tế thì chúng tôi đã phải mất nhiều năm mới tự chứng minh được với bản thân mình về điều đó.

Trong chặng đường tiếp theo, “nỗi sợ” của chúng tôi có lẽ là tìm được đúng người để đi một hành trình rất dài. Ai cũng có thể kiên trì trong 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, nhưng để kiên trì được 10 năm hoặc 20 năm lại là một chuyện hoàn toàn khác. Dù sao thì chúng tôi cũng đã lựa chọn như vậy và sẽ không dừng lại.