Nông nghiệp miền Tây tiên phong thích ứng biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 12:09, 13/02/2022

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu về thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới.

Nông nghiệp miền Tây tiên phong thích ứng biến đổi khí hậu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: NLĐ.

Năm 2017, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã mở ra những thay đổi sâu sắc về tư duy quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội cho mảnh đất Chín Rồng.

Nghị quyết 120 đưa ra quan điểm đặc biệt quan trọng là tư duy “thuận thiên”, theo đó điều chỉnh mô hình tăng trưởng thuận theo sự thay đổi của thiên nhiên,

Nói về tư duy thuận thiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang giữ chức Thủ tướng Chính phủ) đã khẳng định, biến đổi khí hậu không phải là nguy cơ, mà chỉ là thách thức.

Thực tế, đúng là đồng bằng sông Cửu Long đang chìm dần, đe dọa đến sinh kế hàng triệu người dân. Biến đổi khí hậu làm sự chìm ấy càng thêm trầm trọng, cộng thêm những diễn biến thời tiết tiêu cực gây ra nhiều thiệt hại.

Tuy nhiên, nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Họ đã vươn lên, phát triển mạnh mẽ, trở nên giàu mạnh ngay trong điều kiện khắc nghiệt.

“Chúng ta không nên hốt hoảng, mà cần phải tìm ra cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất”, ông Phúc nhấn mạnh.

Quan điểm trên một lần nữa được khẳng định bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong buổi họp đầu năm với đại diện 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đây là thời điểm để ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức, lan tỏa tinh thần, tư duy thực hiện hóa những mô hình sản xuất giá trị cao.

“Đã đến lúc Đồng bằng sông Cửu Long phải tự tin vượt qua khó khăn để trở thành hình mẫu là đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới”, Bộ trưởng kỳ vọng.

Thời điểm thích hợp

Trải qua năm 2021 đầy biến động, đồng bằng sông Cửu Long bước vào năm 2022 với nhiều những cơ hội mới. Đó là quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 sắp được phê duyệt; là nghị quyết về cơ chế đặc thù đưa Cần Thơ thành trung tâm của toàn vùng, là những dự án hạ tầng kết nối miền Tây với khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ đang được triển khai…

Trong giai đoạn 2021 trở đi, miền Tây sẽ được đầu tư mạnh mẽ cho phát triển hạ tầng, chính thức kết thúc thời kỳ “đầu tư nhỏ giọt”. Trước đó, nghị quyết 120 ra đời sau khi đã có kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016 – 2020) nên thay đổi chưa thực sự rõ rệt.

Hạ tầng chính là “nút thắt” của miền Tây. Gỡ nút thắt này, kinh tế miền Tây, đặc biệt là nông nghiệp sẽ có những bước khởi sắc mạnh mẽ. Do đó, đây chính là thời điểm để đẩy mạnh những mô hình canh tác mới có giá trị cao, bền vững.

Một yếu tố thuận lợi khác là kinh nghiệm về tiêu thụ nông sản, liên kết sản xuất với thị trường, là những bài học quý giá từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Để tận dụng những cơ hội này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tính năng động, linh hoạt để thích ứng với điều kiện bình thường mới. Công tác chuyển đổi tư duy tiếp tục được đẩy mạnh, từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Mô hình kinh tế nông nghiệp coi trọng giá trị của nông sản thay vì sản lượng như trước đây. Nông sản sản xuất ra không những thơm ngon, còn phải sạch, bền vững, không coi trọng nông sản trên cánh đồng mà nông sản phải bán được ra thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đề nghị các địa phương tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về liên kết ngành, liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp cũng như các mô hình nâng cao hiệu quả, đem lại giá trị cao như cánh đồng lớn, lúa – tôm, chương trình OCOP (mỗi vùng một sản phẩm)…

Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện các địa phương đưa ra một số điểm nghẽn cần được khơi thông, trong đó đặc biệt phải kể đến đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa thực sự đồng bộ.

Với việc thí điểm cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, các địa phương cũng đề nghị Bộ thành lập văn phòng điều phối cho khu vực tại Cần Thơ. Văn phòng này sẽ phối hợp với trung tâm sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản miền Tây để tìm kiếm đầu ra bền vững cho nông sản.