Quản trị rủi ro nhìn từ sự sụp đổ của Credit Suisse và 4 ngân hàng Mỹ

Tùng Anh - 09:38, 09/05/2023

TheLEADERNhững lỗ hổng trong quản trị rủi ro là một trong những điểm chung lớn dẫn đến sự thất bại của 4 ngân hàng tại Mỹ và ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ vừa qua.

Quản trị rủi ro nhìn từ sự sụp đổ của Credit Suisse và 4 ngân hàng Mỹ
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính cao cấp, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kinh tế trưởng BIDV. Ảnh Hoàng Anh/TL

Lỗ hổng lớn trong quản trị rủi ro

Chỉ trong vỏn vẹn 11 ngày trong hai tháng 3 - 4/2023, bốn ngân hàng của Mỹ và ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ liên tiếp sụp đổ, tác động rất lớn đến hệ thống ngân hàng Mỹ, Thuỵ Sỹ và toàn cầu.

Trong đó, Silvergate thành lập năm 1988 đã phát triển nhanh từ năm 2016 khi bắt đầu đầu tư vào tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, ngân hàng có tổng tài sản 11,35 tỷ USD này lỗ nặng khi tiền kỹ thuật số mất giá và sàn FTX phá sản, đóng cửa ngày 8/3/2023.

Ngân hàng SVB thành lập năm 1983 chủ yếu đầu tư vào khởi nghiệp, công nghệ, sức khỏe. Đây là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với tổng tài sản là 212 tỷ USD tính ở thời điểm cuối năm ngoái. Ngày 10/3/2023, Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản và sau đó bán lại cho First Citizens Bank (Bắc Carolina, Mỹ).

Tương tự, Signature thành lập năm 2001 tại New York chủ yếu đầu tư, cho vay các công ty luật, bất động sản và tiền kỹ thuật số. Đây là ngân hàng lớn thứ 29 tại Mỹ với tổng tài sản 110,4 tỷ USD vào cuối năm 2022. Đến ngày 12/3/2023, FDCI tiếp quản và rồi bán lại cho New York Community BanCorp, tổng tài sản 90 tỷ USD cuối năm 2022.

First Republic thành lập năm 1985 tại San Fransico phục vụ khách hàng giàu có ở các bang ven biển trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới – sáng tạo. Ngân hàng này có tổng tài sản 229 tỷ USD với 7.200 nhân viên, sau bán cho JP Morgan.

Nhìn chung, đây là các ngân hàng nhỏ và vừa, đầu tư tập trung vào một vài lĩnh vực, gắn với công nghệ và đổi mới sáng tạo, là ngân hàng địa phương do bang quản lý. Các ngân hàng này rất ít có bảo hiểm tiền gửi do chủ yếu huy động vốn từ các quỹ đầu tư và doanh nghiệp, người dân gửi vào chỉ chiếm 20-30%.

“Ở Việt Nam, làm đầu tư mạo hiểm thì các quỹ rót vốn. Việt Nam không thể làm ngân hàng cho vay khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì rất rủi ro, tỷ lệ thành công của họ chỉ là 10-15%”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định trong chương trình Café quản trị tháng 5/2023 do Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức.

Lạm phát và lãi suất tăng nhanh khiến lượng trái phiếu đầu tư mất giá nhanh, trả lãi suất tiền gửi cao, trong khi lại chủ yếu đầu tư (thu nhập không ổn định) hoặc lãi suất cho vay tăng chậm hơn là một trong năm nguyên nhân chính khiến bốn ngân hàng Mỹ phá sản, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Thứ hai, các ngân hàng này tập trung quá nhiều vào ít lĩnh vực, chủ yếu là công nghệ, đổi mới sáng tạo, dịch vụ sức khỏe (SVB) hay bất động sản, tiền kỹ thuật số (Signature Bank), trong khi đó đây là những lĩnh vực rủi ro, có nhiều biến động.

Thứ ba là do nguồn vốn thiếu ổn định. Các ngân hàng này chủ yếu nhận tiền gửi từ doanh nghiệp công nghệ, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (SVB) và cả tiền ứng trước của khách hàng (SB);

Thứ tư là do rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng này dùng nhiều vốn ngắn hạn (từ tiền gửi của khách hàng) để đầu tư dài hạn dẫn đến rủi ro chênh lệch kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn.

Thứ năm, khâu truyền thông và xử lý rủi ro thanh khoản không tốt, dẫn đến không những không thuyết phục được khách hàng giữ lại tiền mà còn gây thêm bất an.

“Đặc biệt, với ngân hàng Signature và First Republic, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính Mỹ, đây là nạn nhân không may của việc các ngân hàng thương mại trước đó sụp đổ, ảnh hưởng dây chuyền”, ông Lực nói.

Quản trị rủi ro nhìn từ sự sụp đổ của Credit Suisse và 4 ngân hàng Mỹ
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ trong chương trình Cafe Quản trị tháng 5/2023 do VACD tổ chức. Ảnh Hoàng Anh/TL

Bài học lớn từ sự sụp đổ của Credit Suisse

Được thành lập năm 1856 tại Thụy Sỹ, Credit Suisse xếp thứ 45 trên thế giới về tổng tài sản (557 tỷ USD) dù đã giảm mạnh từ 941 tỷ USD tháng 3/2021, và được xếp vào nhóm "ngân hàng có tầm quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu" bởi Hội đồng Ổn định tài chính toàn cầu (FSB).

Tuy nhiên, ngân hàng có quy mô 50.000 nhân viên này đã gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng do một loạt các bê bối trước khi UBS mua lại với giá 3,2 tỷ USD ngày 19/3/2023. Theo ông Lực, hàng chục vụ bê bối và kỷ lục nộp phạt lên đến hơn 10 tỷ USD là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sỹ.

Thua lỗ lớn cộng với rủi ro thanh khoản cũng là một yếu tố quan trọng. Năm 2022, Credit Suisse báo lỗ ròng ba quý liên tiếp trong khi các ngân hàng phố Wall đều báo lãi. Credit Suisse cũng vướng vào các vụ kiện kéo dài 5 năm liên quan đến các khoản tín dụng cấp cho Quỹ đầu tư Greensill Capital (bị phá sản);

Một nguyên nhân khác là việc ngân hàng này có lỗ hổng trong kiểm soát nội bộ. Minh chứng điển hình là lời thừa nhận của Credit Suisse ngày 14/3/2023 về những “điểm yếu quan trọng" trong báo cáo tài chính của mình và hủy bỏ các khoản tiền thưởng cho các lãnh đạo cấp cao.

Bên cạnh đó, ngân hàng Quốc gia Ả rập Xê út (SNB), cổ đông lớn của Credit Suisse, từ chối bơm thêm tiền đầu tư cho Credit Suisse vì vướng quy định pháp lý. Điều đáng chú ý là truyền thông đã đưa tin theo hướng SNB không còn tin tưởng vào Credit Suisse, do đó, khiến cho các nhà đầu tư, người gửi tiền của ngân hàng Thuỵ Sỹ cảm thấy lo ngại, rút tiền, rút hạn mức…

Vị chuyên gia của BIDV cũng đồng thời nhấn mạnh nguyên nhân đến từ rủi ro lan truyền từ các vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ trước đó.

Sự sụp đổ của một “đế chế” trong ngành ngân hàng như Credit Suisse đã gây ra những tác động nặng nề.

Thứ nhất, cổ đông, trái chủ của Credit Suisse sẽ mất một lượng vốn đáng kể; các bên cho vay, bên vay và khách hàng gặp phải sự xáo trộn trong quá trình sang tên, đổi chủ; một số nhân viên thay đổi hoặc mất việc làm…

Thứ hai, rủi ro lan truyền tăng. Một số ngân hàng lớn có mô hình, cách thức hoạt động giống với Credit Suisse, các tổ chức tài chính phi ngân hàng chịu tác động lan truyền mạnh; những gân hàng mô hình tương tự nhiều khả năng sẽ còn phá sản; rủi ro nợ xấu và vỡ nợ tăng; rủi ro thị trường chứng khoán, tỷ giá và giá vàng ở mức “trung bình”.

Thứ ba, do rủi ro tăng nên các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn. Sau khi rút kinh nghiệm, các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thông qua giảm bớt cho vay hay đầu tư mang tính rủi ro cao, tăng chuẩn cho vay; làm giảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, chi phí vay vốn tăng.

Thứ tư, các ngân hàng trung ương sẽ thay đổi chính sách tiền tệ, cân nhắc và điều chỉnh đà tăng lãi suất trong thời gian tới.

Thứ năm, cơ quan quản lý của Mỹ, Thụy Sỹ, châu Âu, có thể cả châu Á sau này, tiến hành rà soát, điều chỉnh khung pháp lý, cách thức giám sát hệ thống tài chính, ngân hàng (cả ngân hàng lớn và nhỏ, phi ngân hàng) theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn. Bản thân các tổ chức tài chính sẽ tăng cường kiểm soát rủi ro.

Thứ sáu, việc tăng truyền thông, hạn mức đền bù bảo hiểm tiền gửi; phê duyệt phương án M&A, hỗ trợ thanh khoản… nhanh chóng có tác động tích cực, giúp ổn định lại thị trường tài chính, giảm rủi ro lan truyền, rủi ro đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng có thể làm tăng rủi ro về mặt đạo đức.