Quốc hội biểu quyết lùi thời gian thông qua luật đặc khu

Minh Anh - 11:58, 11/06/2018

TheLEADERVới 85,63% đại biểu tán thành, sáng nay 11/6, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh thời gian xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp cuối năm 2018.

Quốc hội biểu quyết lùi thời gian thông qua luật đặc khu
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết lùi thời gian thông qua luật đặc khu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (luật đặc khu) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho lùi việc xem xét, thông qua dự án luật vào kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép điều chỉnh chương trình phiên bế mạc Kỳ họp sáng 15/6, rút nội dung biểu quyết thông qua Luật đặc khu kinh tế và nghị quyết về thi hành luật này.

Kết quả biểu quyết có 423/432 đại biểu tán thành, tương đương 85,63% đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án luật và nghị quyết về thi hành luật trong ngày 15/6.

Kết quả tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại hội trường ngày 23/5/2018 và góp ý bằng văn bản về dự thảo luật cũng cho thấy đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. 

Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của Dự án Luật còn khác nhau.

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, những việc Quốc hội, đại biểu Quốc hội đang bàn ở hội trường đã lan toả ra ngoài xã hội. Tuy nhiên, đáng tiếc ở chỗ có một số vấn đề đã làm cho nhân dân không hiểu bản chất của sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm nên đã có những hành động quá khích.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi người dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Những dự án Luật mà Quốc hội đang thảo luận luôn lắng nghe ý kiến của người dân.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, bản thân cũng nhận được thư của đại biểu Quốc hội rất tâm huyết, trách nhiệm và chia sẻ mong muốn trong hành động hay phát ngôn của đại biểu Quốc hội không tạo thêm sự ngộ nhận hay hiểu lầm nào nữa để tránh những tác động lớn tới tình hình đất nước.

Trước đó, dự thảo luật đặc khu đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào ngày 23/5, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là nội dung nhà đầu tư được phép thuê đất tới 99 năm tại các đặc khu. 

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian cho thuê kéo dài như vậy sẽ tạo ra các nguy cơ và hệ lụy khó lường cho đất nước, đặc biệt là các vấn đề về an ninh quốc phòng. 

Bên cạnh đó, trong dự thảo mới nhất, ban soạn thảo đã đưa ra phương án tổ chức chính quyền địa phương có cả UBND đặc khu và HĐND đặc khu. 

Với phương án này, nhiều đại biểu lại băn khoăn không đột phá về mặt thể chế, không có sự khác biệt so với các cơ quan hành chính Nhà nước hiện tại. Trong khi đó, yêu cầu của bộ máy chính quyền đặc khu là phải tinh gọn, linh hoạt, đột phá. 

Nguồn lực để xây dựng đặc khu cũng là một trong những vấn đề đang được tranh luận nhiều nhất. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện 3 đề án đặc khu cần tới 1,57 triệu tỷ đồng. Song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ngân sách hiện nay đang gặp khó khăn, khó có thể bố trí nguồn vốn để xây dựng đặc khu. Mặt khác, các đặc khu hiện nay đang dành quá nhiều ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp gây thất thu ngân sách nhà nước.