Startup công nghệ vs độ trễ của thể chế

Phạm Sơn - 11:45, 18/05/2022

TheLEADERCách mạng 4.0 bùng nổ với những công nghệ mới con người chưa thể mường tượng hết, những khái niệm con người chưa thể thống nhất định nghĩa. Điều này đặt ra rủi ro lớn đối với startup và cả các nhà quản lý, hoạch định chính sách khi khó có thể đặt ra khung pháp lý điều chỉnh những khái niệm mới này.

Startup công nghệ vs độ trễ của thể chế
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm do BK Holdings tổ chức.

Ra đời từ năm 2021, dự án vũ trụ ảo (metaverse) Bizverse World nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng, hợp tác với nhiều công ty lớn thuộc nhiều lĩnh vực như Ahamove; ngân hàng VIB; ASIM…

Tuy nhiên, mỗi bước đi của Bizverse World lại là một bước trăn trở. Bà Dương Thị Thu Trang, Giám đốc kinh doanh Bizverse World, cho biết, là doanh nghiệp mới, khởi nghiệp trong một lĩnh vực mới với sự hội tụ của hàng loạt công nghệ mới, công ty rất mong muốn có khung pháp lý để quản lý một cách hoàn chỉnh.

Đó là những nền tảng quan trọng để Bizverse World triển khai những giai đoạn tiếp theo như phát hành tiền số sử dụng trên thế giởi ảo. Bà Trang kỳ vọng, những hành lang pháp lý phù hợp sẽ sớm được đưa ra để doanh nghiệp có thể phát triển một cách thuận lợi nhất.

Startup chủ động

Nói về những trăn trở của bà Trang cũng như nhiều startup đang dấn thân vào những lĩnh vực mới khác, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ, cho biết, cần phải hết sức thông cảm vì “thể chế, chính sách luôn có độ trễ so với thực tế”.

Cụ thể trong câu chuyện về metaverse, khái niệm về metaverse hiện tại mỗi người đang định nghĩa một cách khác nhau, chưa có một định nghĩa thống nhất, như vậy nhà quản lý khó có thể đưa ra cách hiểu phù hợp. Chưa kể, metaverse đang kỳ vọng tạo ra cả một nền kinh tế ảo, như vậy thì “cần bao nhiêu cái giấy phép”?

“Để có chính sách chắc phải có một hòn đảo, có một cái hộp cát (sandbox) để thử nghiệm, chứ không thể hoàn thiện ngay được vì phải điều chỉnh rất nhiều luật liên quan”, lãnh đạo Cục Phát triển thị trường khoa học và công nghệ nhìn nhận.

Ông Quất đưa ra lời khuyên cho các startup tiên phong là nếu “muốn đi nhanh”, có thể xin một số cơ chế đặc thù nhất định rồi tiến hành thử nghiệm các ý tưởng. Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể lựa chọn làm ở một số quốc gia có cơ chế thông thoáng hơn như Singapore, Phần Lan, Estonia…, sau đó quay về trình bày kết quả đạt được với cơ quan quản lý. Khi chứng minh được kết quả, startup có thể tạo động lực để hành lang pháp lý được xây dựng nhanh hơn.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Thị Bích Hậu, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP. Đà Nẵng, cho biết, startup bản chất là những người đi đầu, do đó cần phải mạnh dạn “làm những gì pháp luật không cấm” chứ không cần phải chờ đợi chính sách hay hành lang pháp lý hoàn hảo.

Chính sách mạnh dạn “phá rào”

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (đề án 844), hồi tưởng lại những ngày đầu tiên hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng là những viên gạch đầu tiên xây nên hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam như ngày hôm nay.

Đó là khoảng năm 2013, khi ở Việt Nam, những khái niệm như startup; accelerator (tăng tốc kinh doanh); incubator (vườn ươm khởi nghiệp)… vẫn còn mới lạ và chưa thống nhất.

Tâm thế của những người tiên phong như ông Nam, ông Quất lúc đó cũng vướng phải rất nhiều lo lắng, trăn trở. “Sử dụng tiền ngân sách cực kỳ khó, chúng tôi còn tự đặt ra câu hỏi, nếu bỏ tiền vào startup mà startup thua lỗ thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không”, ông Nam cho biết

TS. Nguyễn Quân, khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, đã mạnh dạn phá bỏ đi những rào cản pháp lý trói chân hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thông qua việc tổ chức các dự án thí điểm tăng tốc kinh doanh cho các startup có tiềm năng; dùng kinh phí nhà nước để đầu tư vào startup trên danh nghĩa là thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Nói về nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, ông Nam nhận xét, với những quyết định táo bạo lúc đó, ông Quân là “thủy tổ” cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được như ngày hôm nay, khi từng bước phá vỡ những rào cản pháp lý, mở đường cho các bên liên quan mạnh dạn vào cuộc.

Đây là câu chuyện truyền cảm hứng và cũng là bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý đối với những khái niệm mới như metaverse. Ông Nam khái quát, nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng cần mạnh dạn phá vỡ đi những rào cản pháp lý thông qua thực hiện dự án thí điểm.

Một mặt, những dự án thí điểm đem lại kết quả là động lực để hình thành chính sách. Mặt khác, nhà quản lý cũng xác định những rủi ro hay hành vi lợi dụng để trục lợi, từ đó có phương án thích hợp để ngăn chặn hoặc điều chỉnh.

Đồng quan điểm, bà Ana Lê Mỹ Nga, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo BK Holdings Duy Tân, đặt vấn đề, khung chính sách điều chỉnh chắc chắn sẽ phải có trong tương lai, như vậy tại sao không đẩy nhanh tiến độ ban hành chính sách để “đi tắt đón đầu”?

Có chính sách sớm, dù có thể chưa hoàn thiện nhưng cũng là sự động viên lớn cho các startup, đồng thời tránh được những câu chuyện “chảy máu chất xám” như Bizverse World hay một số startup về blockchain khác phải đăng ký kinh doanh tại Singapore, Hàn Quốc.