Thêm 9 nước tham gia Liên minh điện gió toàn cầu

Phương Anh - 13:50, 14/11/2022

TheLEADERTại COP27 ở Ai Cập, có thêm 9 quốc gia bao gồm Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh, Mỹ đã tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA), cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh năng lượng.

Liên minh được khởi xướng bởi Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Đan Mạch và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, tập hợp các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác để đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi.

Các quốc gia tham gia GOWA đã đồng ý cùng nhau hợp tác để thúc đẩy các tham vọng quốc gia, khu vực và toàn cầu, và xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại các thị trường mới và hiện tại.

IRENA và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều nhận định rằng, công suất điện gió ngoài khơi sẽ cần vượt quá 2.000GW vào năm 2050, từ mức chỉ hơn 60GW hiện nay, để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C, và đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Để đạt được mục tiêu này, GOWA đặt mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng để đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380GW vào cuối năm 2030.

Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, cho biết, có một khoảng cách lớn và ngày càng tăng giữa những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu khí hậu, và những gì đang thực sự xảy ra trong thực hiện.

Điện gió ngoài khơi được đánh giá là công nghệ thiết thực nhất, sẵn có cho nhiều quốc gia để thu hẹp khoảng cách này.

GWEC ước tính rằng, các mục tiêu được các chính phủ công bố hiện tại về điện gió ngoài khơi sẽ nâng công suất lắp đặt lên 370GW – gần với mục tiêu 380GW vào cuối năm 2030. “Nhưng tất cả chúng ta sẽ phải nỗ lực hết sức và làm việc cùng nhau nếu chúng ta muốn biến các mục tiêu này thành hiện thực”, ông nhấn mạnh.

Tinne Van der Straeten, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, cho biết, Bỉ là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, với công suất điện gió ngoài khơi tăng gấp bốn lần vào năm 2040 ở Biển Bắc thuộc Bỉ, xây dựng một hòn đảo năng lượng hỗn hợp, và các kết nối mới với các nước Biển Bắc.

“Với khả năng tăng tốc xanh này, chúng ta có thể thay thế khí đốt và dầu mỏ nhanh hơn bằng điện gió ngoài khơi và hydro xanh. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tăng cường sự độc lập về năng lượng, giảm hóa đơn cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp và giảm lượng khí thải CO2”, vị này nhận định.

Jonathan Cole, Giám đốc điều hành của nhà phát triển điện gió ngoài khơi Corio Generation, cho biết, nhờ sự đổi mới công nghệ đáng kinh ngạc và giảm chi phí đáng kể trong thập kỷ qua, điện gió ngoài khơi không chỉ khả thi, mà còn là một nguồn năng lượng sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng hấp dẫn đối với hầu hết các quốc gia có đường bờ biển.

Mads Nipper, Giám đốc điều hành của Ørsted, đánh giá, năng lượng gió ngoài khơi có tiềm năng để đẩy nhanh việc xây dựng năng lượng tái tạo, và mang lại lợi ích cho cả hành tinh, nền kinh tế và cộng đồng địa phương, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng.

Tuy vậy, thế giới cần thêm nhiều quốc gia cùng tham gia, và phải tăng tốc.

“Ngày nay, việc cấp phép một trang trại điện gió thường mất nhiều thời gian hơn là thực sự xây dựng nó. Tại Ørsted, chúng tôi mong muốn tận dụng kinh nghiệm dẫn đầu ngành công nghiệp, từ việc xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên và lớn nhất thế giới, để giúp các chính phủ nhận ra tiềm năng đầy đủ của điện gió ngoài khơi và xây dựng năng lượng tái tạo ngay bây giờ”, vị giám đốc điều hành cho biết thêm.