Thủ tướng đề nghị nới điều kiện cho vay và giảm thêm lãi suất

Nhật Hạ - 11:27, 07/07/2023

TheLEADERThủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản; tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sụt giảm, đầu ra khó khăn, trong khi chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh, giảm doanh thu của các doanh nghiệp SME, từ đó giảm việc làm, thu nhập của người lao động.

Do đó, tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ tối ngày 6/7, ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp SME tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn…

Thủ tướng đề nghị ngân hàng điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn cho doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm hơn 97% doanh nghiệp cả nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy, hơn 59% cho rằng khó khăn lớn nhất là đơn hàng, trên 51% gặp vướng mắc liên quan tiếp cận vốn, còn lại là thủ tục hành chính.

Ông đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, đặc biệt là triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời, theo dõi việc triển khai Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và Thông tư 03 về mua lại trái phiếu doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.

Về thủ tục, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát để tiếp tục cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ yên tâm làm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng vốn doanh nghiệp SME còn khiêm tốn, phải tìm cách cải thiện vấn đề này. Các doanh nghiệp phối hợp, hợp tác với ngân hàng để nâng vốn.

Chính phủ sẽ rà soát lại các quỹ, tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp và cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản.

Về những khó khăn liên quan tới đơn hàng, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả các FTA và đàm phán các FTA mới, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng (miễn giảm thuế, phí, lệ phí…), kêu gọi đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát các quy định để giao các dự án đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật.