Thủ tướng: 'Nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm'

Hạ Vũ - 16:30, 08/11/2019

TheLEADERKhông phải là thoát bẫy thu nhập trung bình hay tụt hậu kinh tế, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cảnh báo trước Quốc hội.

Thủ tướng: 'Nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên chất vấn Quốc hội chiều nay.

Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 8/11, Thủ tướng nhận định nguồn lực lớn nhất để phát triển đất nước không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. 

Do đó, Thủ tướng cho rằng, phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cả nước phải cùng quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để chủ trương, chính sách thực thi có hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt. Bài học thấy rõ là cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp.

Theo Thủ tướng, vấn đề trên chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi người, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Quyết tâm hoàn thành các tuyến đường kết nối ĐBSCL

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng, việc này cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn. Các bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh, thành phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng cho biết, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020.

Mặt khác, về việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng đánh giá, hiện còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt nghiêm trọng.

Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL, đồng thời, kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.

Về công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu thực tế, Việt Nam đang phải đối diện với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó nổi lên là ô nhiễm nguồn nước, không khí, và vấn đề rác thải, úng ngập.

Bộ máy hành chính chồng chéo

Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, Thủ tướng xác nhận còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán ở một số bộ, ngành, địa phương cả về tư duy lẫn hành động trong quản trị nhà nước, trong cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không phân định và xác định rõ trách nhiệm trong việc triển khai thi hành nhiệm vụ, thúc đẩy điện tử hóa, số hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, gắn với tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. 

Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với cải cách chính sách tiền lương.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng được Thủ tướng nhận định là một cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức. Phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND cùng các cơ quan rà soát, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

“Chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc”, Thủ tướng nói.