Thủ tướng yêu cầu sớm sửa đổi Thông tư 06

Dũng Phạm - 21:45, 23/08/2023

TheLEADERThủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8/2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản số 756/TTg-KTTH ngày 23/8 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Trong đó Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Thống đốc NHNN theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, NHNN được yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập được các địa phương, báo chí, dư luận, người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại quan tâm, phản ánh, đề xuất.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bên liên quan khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư 06, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về nội dung này.  Việc sửa đổi Thông tư 06 phải hoàn thành trong ngày 25/8. 

Trước đó, tại cuộc họp ngày 17/8 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, đại diện các hiệp hội, trong đó có Hiệp hội bất động sản, các đại diện doanh nghiệp đề nghị NHNN theo thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan tại Thông tư số 06, trong đó có các vướng mắc doanh nghiệp kiến nghị tại các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư số 39(đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06) và các điều, khoản có liên quan.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Thông tư 06 có một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh. Nếu không kịp thời sửa đổi, chỉ hai tuần nữa khi thông tư có hiệu lực sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Với những quy định mới được bổ sung của Thông tư 06, doanh nghiệp bất động sản sẽ không thể dùng hợp đồng hợp tác kinh doanh để tiếp cận vốn, vay vốn làm dự án. Đồng thời không được vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCom.

Thông tư 06 được ban hành cũng đúng vào thời điểm tăng trưởng tín dụng và thị trường bất động sản gặp khó khăn, thêm nữa dòng tiền thanh khoản trong hệ thống ngân hàng là dồi dào nhưng chưa thể được khơi thông mặc dù nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực địa ốc vẫn đang tỏ ra “khát vốn”.

Một loạt quy định cấm cho vay của Thông tư 06 cho thấy NHNN quyết tâm triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tránh tình trạng sở hữu chéo, cho vay đối với doanh nghiệp nội bộ, doanh nghiệp sân sau.

Xét trên góc độ đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, động thái này của NHNN là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, NHNN cần nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.

NHNN cũng như các bộ ngành cần lắng nghe ý kiến từ thị trường, từ doanh nghiệp, đánh giá kỹ các tác động để "tìm ra những điểm cân bằng" và có những biện pháp phù hợp vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.