Thức ăn nhanh ở Việt Nam 'chậm lớn'

Kiều Mai - 15:10, 16/10/2018

TheLEADERKhông ít tên tuổi lớn trong ngành thức ăn nhanh của thế giới vẫn kinh doanh chật vật tại thị trường Việt Nam.

Thức ăn nhanh ở Việt Nam 'chậm lớn'
Sau 4 năm, McDonald's sở hữu duy nhất 1 cửa hàng tại Hà Nội

Lối sống nhanh cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi của thế hệ trẻ đang trở thành động lực thúc đẩy thị trường thức ăn nhanh bùng nổ. Nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực thức ăn nhanh đã hiện diện tại thị trường Việt Nam, trong đó nổi bật có McDonald's, KFC và Lotteria.

Theo xếp hạng của Statista, McDonald’s hiện là thương hiệu fast food có giá trị nhất thế giới năm 2018 với hơn 126 tỷ USD, bỏ xa cái tên đứng thứ hai là Starbucks với 44,5 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Subway (18,8 tỷ USD), KFC (15,1 tỷ USD), Domino's Pizza (7,4 tỷ USD), Pizza Hut (7,3 tỷ USD). Một trong những thương hiệu nổi tiếng khác cũng đã xuất hiện tại Việt Nam là Burger King, đạt giá trị 6,6 tỷ USD.

McDonald’s hiện sở hữu hơn 37.000 cửa hàng tại hơn 118 quốc gia trong khi Burger King có hơn 16.000 cửa hàng. Hai thương hiệu này thậm chí còn “ăn sâu” vào lối sống của giới trẻ tại các quốc gia phát triển như Mỹ hay Anh.

Chia sẻ về thói quen ăn fast food của những người bạn tại Mỹ, Trung – một du học sinh tại bang Texas ngạc nhiên về tần suất người dân bản địa sử dụng loại đồ ăn này.

“Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý để đỡ sốc văn hóa, lối sống ở đây thật sự rất khác so với Việt Nam. Họ không ăn nhiều cơm như người châu Á và đặc biệt đồ ăn nhanh gần như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là của những người trẻ”.

“Việc nhìn thấy một đứa trẻ hay một người học sinh, sinh viên, giáo viên cầm trên tay đồ ăn nhanh hay ăn fast food vào cả buổi sáng là điều hết sức bình thường”, Trung cho biết.

Chia sẻ cùng quan điểm, Giang – một du học sinh tại Toronto (Canada) cho biết mặc dù không đếm được chính xác tần suất sử dụng đồ ăn nhanh, giới trẻ ở đây thật sự ăn rất nhiều loại thức ăn này, nổi tiếng là McDonald's hay Tim Hortons.

Thức ăn nhanh ‘tắc đường’ ở Việt Nam
McDonald’s Hà Nội tọa lạc tại vị trí đắc địa với 2 mặt tiền và hướng ra hồ Hoàn Kiếm

Một điều rõ ràng là ngành công nghiệp thức ăn nhanh phát triển mạnh ở hầu hết mọi nơi trên thế giới với trị giá khoảng 651 tỷ USD, dẫn đầu bởi McDonald's và Burger King.

McDonald's nhiều năm gần đây trở thành cái tên quen thuộc tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Tại đất nước mặt trời mọc, Burger King sau 10 năm đã có 98 cửa hàng so với con số 12 của năm 2008. 

Tại quốc gia đông dân nhất thế giới với gần 1,4 tỷ người, McDonald's là chuỗi đồ ăn nhanh lớn thứ hai sau KFC còn Burger King xếp ở vị trí thứ 4, theo CNBC.

Nhưng thật lạ, khi bước chân vào Việt Nam, những thương hiệu này dường như bị chới với và chưa thể phát triển mạnh mẽ như mong muốn.

“Sẩy chân” ở Việt Nam

Năm 2014, gã khổng lồ McDonald’s chính thức xuất hiện tại Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM. Rất nhiều người có lẽ sẽ không thể quên hình ảnh đoàn người xếp dài đứng chờ dưới nắng nóng để có trên tay món Big Mac nổi tiếng.

Đầu tháng 12 năm 2017, McDonald’s tiến ra Hà Nội, tọa lạc tại vị trí đắc địa với hai mặt tiền đường và hướng ra hồ Hoàn Kiếm, một địa điểm có rất đông du khách Việt Nam cũng như nước ngoài.

Hình ảnh đông đúc ngày khai trương tiếp tục tái diễn nhưng chỉ vài tháng sau, mọi thứ lại quay trở về không khí bình thường và nếu không phải là người hay ăn fast food, có lẽ nhiều người không biết rằng cửa hiệu có chữ M vàng kích cỡ lớn lại thuộc một công ty nổi tiếng thế giới.

Khi ra mắt, McDonald’s đặt mục tiêu mở hàng trăm cửa hàng trong vòng 10 năm nhưng cho đến hiện tại, con số đạt được mới chỉ dừng lại ở 17 và chỉ có một địa chỉ duy nhất tại Hà Nội sau bốn năm đặt chân đến Thủ đô.

Burger King cũng cho thấy tham vọng lớn khi rót 40 triệu USD vào thị trường Việt Nam năm 2012, mong muốn phát triển chuỗi 60 cửa hàng ở các vị trí đắc địa và trải rộng khắp các tỉnh, thành đến năm 2016.

Tuy nhiên, đã sau hai năm kể từ mốc thời gian trên, Burger King hiện mới chỉ có 13 cửa hàng tại Việt Nam.

Cuộc đấu thiếu cân sức với thức ăn đường phố

Một trong những lý do khiến chuỗi thức ăn nhanh không phát triển mạnh mẽ như dự kiến tại Việt Nam chính là việc “không đủ nhanh”.

Trung cho biết tại Texas, mọi người thích mua burger tại các cửa hàng thức ăn nhanh vì có thể ăn dọc đường hay mang đến trường như một phần ăn giữa giờ học kéo dài.

Tại Việt Nam, một trong những địa điểm du lịch được xem là thiên đường ẩm thực, việc tìm một loại đồ ăn tương tự dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Thử tưởng tượng một buổi sáng bước chân ra đường, người tiêu dùng Việt chắc chắn không mấy ai lựa chọn cửa hàng fast food để lót dạ bởi chỉ cần nhìn xung quanh, họ sẽ được lấp đầy bởi cửa hàng phở, bánh mì, xôi hay bánh giày giò.

Rõ ràng, thời gian mua những thức ăn này ít hơn nhiều so với việc cất xe rồi bước vào cửa hàng fast food và việc tìm kiếm nơi mua hàng cũng không phải là điều khó khăn.

Thức ăn nhanh ‘tắc đường’ ở Việt Nam 1
Với người tiêu dùng Việt Nam, bánh mì chắc chắn dễ mua và dễ ăn hơn rất nhiều so với đồ Tây. Ảnh: CNN

Không chỉ vậy, giá cả cũng trở thành yếu tố khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam thiếu “mặn mà” với những thương hiệu fast food đình đám.

So với mức giá của những đối thủ khác trong ngành fast food, McDonald’s có ngưỡng trung bình cao hơn đối với hầu hết danh mục sản phẩm. Thương hiệu này cũng có tỷ lệ giảm giá trong combo thấp nhất khi so với KFC, Lotteria và Jolibee theo khảo sát của Q&Me Vietnam Market Research.

Theo thống kê từ Ủy Ban Châu Âu đưa tin bởi CNBC, đồ ăn chiếm một phần chi tiêu khá lớn trong thu nhập của người Việt Nam, trong đó tới 78% được dành cho đồ ăn đường phố và chỉ 1% dành cho cửa hàng ăn nhanh.

Tính đến nay, Việt Nam có hơn 540.000 cửa hàng đồ ăn và trong số đó, hơn 430.000 cửa hàng là hàng quán đường phố. Gần 80.000 nhà hàng, 22.000 cửa hàng cà phê, quán bar nhưng chỉ có khoảng 7.000 cửa hàng ăn nhanh, những con số đã phần nào cho thấy lối sống và văn hóa của người tiêu dùng Việt.

Nếu so mức giá với mặt bằng đồ ăn chung, một bữa ăn tại McDonald’s hay Burger King có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba bữa ăn tại các quán ven đường hay hàng quán địa phương.

Với ngưỡng giá trung bình thấp hơn hai thương hiệu trên, KFC vẫn được khách hàng Việt chấp nhận nhiều hơn trong bối cảnh thu nhập trung bình đang được gia tăng và giới trẻ ngày càng nhiều hơn.

Xuất hiện vào năm 1997, hai năm sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ, KFC cũng khá chật vật để tồn tại tại thị trường mới khi mất tới bảy năm để mở được 10 cửa hàng. Thương hiệu này sau đó đã thay đổi thực đơn cho phù hợp với khẩu vị người Việt và tính đến nay, KFC đã có 130 cửa hàng tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Chỉ cần vòng qua một lượt thực đơn của KFC, rất nhiều đồ ăn quen thuộc với người Việt xuất hiện như cơm trắng với các loại gà hay burger tôm. Sự thay đổi này gia tăng lựa chọn và cảm giác quen thuộc cho người tiêu dùng.

Thực đơn của McDonald’s cũng cho thấy sự chuyển dịch để phù hợp với thị trường Việt Nam khi đưa ra riêng một chủng loại là cơm với nhiều lựa chọn khác nhau như cơm thịt nướng, cơm thịt nướng ốp la, cơm gà. Tuy nhiên, mức giá tại đây vẫn là điều khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn.

Thức ăn nhanh ‘tắc đường’ ở Việt Nam
Các loại cơm của McDonald’s

Chị Liên, một khách hàng đến McDonald’s vào buổi tối cuối tuần gần phố cổ Hà Nội cho biết: “Chị đưa hai đứa nhỏ đi chơi ở phố đi bộ nên vào đây ăn tối luôn cho gần. Nhưng phần ăn với người lớn như chị thì hơi ít và với mức giá như vậy, ở phố cổ có thể ăn được rất nhiều món”.

Theo số liệu được đưa bởi CNBC, trong giai đoạn 2016 – 2018, lượng người Việt sử dụng thức ăn nhanh giảm tới 31% trong khi lượng người sử dụng thức ăn đường phố tăng 70%, cho thấy sức ảnh hưởng của những thương hiệu fast food lớn vẫn chưa thể làm nên chuyện.