Tiến sĩ đàn Cello đầu tiên của Việt Nam lên Shark Tank gọi vốn

Việt Hưng - 11:39, 28/06/2021

TheLEADERNguồn thu của Cello đến từ bán vé trực tiếp, bán vé online và từ nhà tài trợ. Sau khi biểu diễn xong, các sản phẩm được phân phối độc quyền trên các nền tảng nhạc số trên 240 quốc gia và vùng lãnh thổ như Spotify, Itunes...

Tiến sĩ Đinh Hoài Xuân - Nhà sáng lập Cello Fundamento đã theo âm nhạc cổ điển 22 năm và là tiến sĩ tốt nghiệp chuyên ngành biểu diễn Cello tại Romania.

Cho rằng nếu cứ ở lại nước ngoài, cống hiến cho người nước ngoài mãi thì môi trường Việt Nam khó phát triển được âm nhạc cao như nhạc cổ điển, Hoài Xuân đã trở về quê hương để đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.

Cello Fundamento là chuỗi hòa nhạc quốc tế được Hoài Xuân thành lập từ năm 2016 và tổ chức biểu diễn mỗi năm một số với 2 concert (buổi hòa nhạc).

Qua 5 số, chị đã mời được 80 nghệ sĩ từ 9 quốc gia đến tham dự. Điều đặc biệt nhất trong buổi hòa nhạc, ngoài biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc kinh điển thế giới thì luôn có tác phẩm cuối cùng là dân ca được phổ cho dàn nhạc giao hưởng.

Để tổ chức dự án Cello Fundamento số 6 vào năm 2022, Hoài Xuân đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi mức đầu tư 2 tỷ cho 40% lợi nhuận của 2 concert.

Hoài Xuân cho biết nguồn thu của Cello đến từ bán vé trực tiếp, bán vé online và từ nhà tài trợ. Sau khi biểu diễn xong, các sản phẩm được phân phối độc quyền trên các nền tảng nhạc số trên 240 quốc gia và vùng lãnh thổ như Spotify, Itunes...

Quan tâm đến bức tranh tài chính, Shark Phú, Shark Hưng đặt câu hỏi về mô hình, doanh số, lỗ, lãi... Hoài Xuân cho biết nếu được đầu tư 2 tỷ, chị sẽ dành 65% cho việc đi lại, tổ chức, truyền thông, 35% còn lại dành cho nghệ sĩ.

Trong 65% đó, chỉ dành 15% cho truyền thông, còn lại cho các khâu tổ chức trước. Các vé được bán theo sơ đồ nhà hát lớn với các mức 10 triệu, 5 triệu, 3 triệu, 1 triệu. Ngoài ra Cello Fundamento có thu khác từ bán vé online với giá 1 USD.

Hoài Xuân chia sẻ ban đầu chị xác định 5 số đều lỗ, nhưng chị hòa vốn ở CF4 (Cello Fundamento số 4) nên có tự tin để tiếp tục tổ chức CF6. Trải qua 5 số, Cello Fundamento đã có khoảng 200 người hâm mộ cố định. 60% doanh thu của buổi biểu diễn đến từ việc bán vé.

Tiến sĩ đàn Cello đầu tiên của Việt Nam lên Shark Tank gọi vốn
Tiến sĩ Đinh Hoài Xuân - Nhà sáng lập Cello Fundamento

Shark Hưng thắc mắc: “Tại sao không đi biểu diễn mà tự nhiên lại tổ chức biểu diễn”?

Hoài Xuân bộc bạch: “Xưa nay mọi người vẫn hay nói rằng môi trường ở Việt Nam không phải là môi trường tốt để phát triển cao âm nhạc cổ điển. Em muốn được chủ động phát triển tốt trên môi trường mình tạo và bản thân em mơ ước trở thành nghệ sĩ biểu diễn với các dàn nhạc lớn. Em phải cống hiến cả đời để tập luyện nhưng nếu như thế mình không được chủ động. Mình ở nhà tập luyện và đợi chờ mời thôi. Em muốn chủ động tạo ra môi trường đó”.

Câu trả lời này khiến Shark Phú băn khoăn: “Vừa nhà tổ chức vừa là người nghệ sĩ liệu em có làm tốt hai vai không”?

Nhà sáng lập Cello Fundamento lý giải rằng đó là lý do chị đến gọi vốn và kỳ vọng “Nếu được các Shark đồng hành thì em sẽ dành được nhiều thời gian cho việc biểu diễn hơn”.

Shark Hưng tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Tại sao không kết hợp với các công ty tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp? Anh chỉ nói về vấn đề kinh doanh thôi... bán được vé và bán quảng cáo với giá cao”. Shark Hưng đặt ra đề bài: “Nếu anh đầu tư cho em, em có cam kết với anh là không lỗ không?” và nhận được sự cam kết của Hoài Xuân.

Có cùng thắc mắc về vấn đề hạch toán, Shark Phú và Shark Hưng lần lượt đặt câu hỏi cho Hoài Xuân. Hoài Xuân cho biết chị đã có dự tính thành lập công ty tổ chức sự kiện nhưng hiện tại chưa đủ tiềm lực. Chị mong muốn được Shark đầu tư vào một chương trình trước, nếu Shark thấy thành công thì có thể thể đầu tư tiếp cho công ty.

Shark Hưng cho biết: “Anh phải tìm đến người nào điều hành, vận hành công ty có khả năng marketing bán vé bán tài trợ, bán quảng cáo chuyên nghiệp”.

Shark Phú nhận xét: “Anh thấy mô hình kinh doanh của em mông lung, không rõ ràng. Nếu em chỉ gọi vốn chỉ ở một vụ việc thì anh khuyên em nên tìm các cá nhân có thể hợp tác với em. Còn khi nào em thấy việc kinh doanh này có thể bền vững, lặp đi lặp lại, có thể tạo ra doanh số, tạo ra lợi nhuận, lúc đó em nên thành lập một pháp nhân”. Do đó, Shark Phú quyết định không đầu tư.

Shark Hưng thẳng thắn nhận định: “Nếu để đầu tư… hơi khó. Bởi vì khả năng scale-up, khả năng tiếp tục sau CF6, CF7, CF8… sẽ thế nào”. Tuy nhiên vì thích sản phẩm âm nhạc của Hoài Xuân nên Shark cho biết sẽ cùng đồng hành để đưa sản phẩm âm nhạc này tới công chúng Việt Nam.

Tiến sĩ đàn Cello đầu tiên của Việt Nam lên Shark Tank gọi vốn 1
Tiến sĩ đàn Cello đầu tiên của Việt Nam lên Shark Tank gọi vốn

Shark Louis đánh giá: “Tôi rất thích nhạc của bạn và việc bạn đang làm. Tôi nghĩ bạn tìm kiếm nhà tài trợ sẽ hay hơn” và từ chối đầu tư. Nhưng Shark cho biết “sẽ ủng hộ và tìm kiếm nhà tài trợ cho bạn”.

Vì các dự án phi lợi nhuận không phải là nguyên tắc đầu tư của NextTech nên Shark Bình cũng từ chối đầu tư. Tuy nhiên NextTech có quan hệ với các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhận thấy âm nhạc của Cello Fundamento phù hợp khẩu vị với khách hàng cao cấp của các ngân hàng nên Shark Bình hứa hẹn hỗ trợ, giúp đỡ.

Tuy đánh giá cao tài năng của Hoài Xuân và việc chị trở về quê hương để đem âm nhạc tạo cảm hứng cho người dân Việt Nam nhưng Shark Liên lại từ chối đầu tư vì nhận định Hoài Xuân đang gọi tài trợ. Mặc dù vậy, Shark cho biết có thể giới thiệu hoặc giúp nhà sáng lập Cello Fundamento kết hợp các nghệ sĩ đi biểu diễn với nhau.

Shark Hưng cho rằng: “Đầu tư vào đâu là không rõ ràng” nhưng Shark đồng ý giúp Hoài Xuân tổ chức CF6 với khoản tài chính 2 tỷ, đổi lại 70% lợi nhuận.

Shark cho biết: “Nếu có lợi nhuận, toàn bộ lợi nhuận đó tôi sẽ chuyển vào để thành lập công ty” và giải thích: “Nếu mà lỗ bạn phải tự bù để trả tôi 2 tỷ gốc. Lãi thì tôi để lại lợi nhuận cho bạn đầu tư và thành lập công ty mới. Nhưng trong mọi trường hợp tôi sẽ rút lại 2 tỷ gốc ban đầu”.

Đề nghị này khiến Hoài Xuân có chút bối rối và nhờ đến sự tư vấn của Shark Liên. Shark Liên đặt ra tình huống: “Giả thiết xấu nhất, em có đủ 2 tỷ để trả cho Shark Hưng hay không”?

Shark Hưng nhận định: “Nghệ sĩ đi làm kinh doanh thì khó gọi tiền lắm. anh là cái cọc cuối cùng của em rồi”. Còn Shark Bình đưa ra lời khuyên: “Em biết câu cơm áo không đùa với khách thơ không? Em phải liên doanh với một Shark kinh doanh như Shark Hưng”.

Hoài Xuân chia sẻ: “Những gì em đã trải qua sau 5 số, em tự tin là em có thể hoàn vốn được. Chương trình miễn làm sao đến được với khán giả là điều em mong muốn nhất” và chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Hưng.