Tín dụng gần như không chảy vào lĩnh vực xây dựng

Trần Anh - 08:00, 18/08/2021

TheLEADERĐến cuối tháng 6, dư nợ cho lĩnh vực xây dựng đạt khoảng 860 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,75% so với đầu năm và chiếm khoảng 8% tổng dư nợ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tới cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức hơn 9,78 triệu tỷ đồng, tăng 6,44% so với so với cuối năm 2020.

Các hoạt động dịch vụ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất gần 38% với hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm trước. Theo sau, lĩnh vực thương mại chiếm 23% cơ cấu, với gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,1%.

Lĩnh vực công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dư nợ với 19%, ở mức 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm – đây cũng là nhóm tăng cao nhất trong nửa đầu 2021. 

Các nhóm tiếp theo lần lượt là xây dựng, nông - lâm nghiệp & thủy sản tỷ trọng chiếm 8% dư nợ, chỉ tăng 1,8% so với đầu năm; vận tải viễn thông chiếm 3% tổng dư nợ, tăng 4,6%.

Tăng trưởng thấp nhất là ngành xây dựng, khi tín dụng vào lĩnh vực này đạt khoảng 860 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,75% so với đầu năm và chiếm 8% tổng dư nợ.

Theo Báo cáo mới đây của Vụ Dự báo Thống kê, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm ở phần lớn các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực.

Ngoại trừ đầu tư, kinh doanh du lịch có nhu cầu tín dụng giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 và được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.

Cụ thể, ba lĩnh vực được nhiều ngân hàng lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm, cả năm 2021 và năm 2022 bao gồm: Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh thu hẹp bớt mức kỳ vọng về xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng năm 2021, trong đó, thu hẹp đáng kể đối với kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu vay vốn trong các lĩnh vực: Xây dựng, du lịch, vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu, sản xuất phân phối điện, vay mua nhà để ở, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

Các ngân hàng được khảo sát cũng nhận định rủi ro tín dụng đang tăng với tốc độ chậm hơn 6 tháng cuối năm 2020 ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, các khoản vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán và kinh doanh du lịch được đánh giá rủi ro tăng mạnh hơn.

Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, rủi ro tín dụng được dự báo tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Rủi ro tín dụng tổng thể năm 2022 được kỳ vọng giảm nhẹ so với năm 2021.

Mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tiếp tục tăng nhẹ, nhóm 17 ngân hàng thương mại trọng yếu có xu hướng nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và giữ không đổi đối với khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đánh giá 6 tháng cuối năm 2021, các ngân hàng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết các nhóm khách hàng, trong đó, ưu tiên đối với nhóm khách hàng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc này sẽ được áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, trong khi vẫn dự kiến thắt chặt đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm và đầu tư, kinh doanh du lịch.

Các ngân hàng cho biết cơ sở để dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2021 là các yếu tố triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN cùng với năng lực tài chính được cải thiện hơn.

Các ngân hàng cũng cho biết điều khoản, điều kiện cho vay sẽ nới lỏng hơn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán, điều khoản này sẽ thắt chặt hơn trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, xu hướng nới lỏng hơn được dự kiến tiếp tục duy trì đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, giữ ổn định đối với cho vay qua thẻ tín dụng và thắt chặt hơn đối với cho vay bất động sản để ở.