TPP: Hấp dẫn nhưng liệu có thật sự phù hợp?

Kiều Mai - 08:03, 20/04/2018

TheLEADERĐược đánh giá là một hiệp định thế kỉ, TPP với phiên bản mới là CPTPP nhận được nhiều phản ứng tích cực từ cả các quốc gia không phải thành viên. Mặc dù nhiều nước ngỏ ý muốn tham gia vào hiệp định này, viễn cảnh đó vẫn là bài toán khó bỏ ngỏ cho tương lai.

TPP: Hấp dẫn nhưng liệu có thật sự phù hợp?
CPTPP đã được chính thức ký kết vào ngày 9/3 vừa qua theo giờ Việt Nam.

Sự thay đổi ý kiến “quay như chong chóng” từ nước Mỹ

Là nền kinh tế có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới và cũng là “thỏi nam châm” giúp TPP trở nên hấp dẫn, bất kỳ động thái nào của Mỹ cũng tạo ra “những con sóng” đối với hiệp định này.

Từng là thỏa thuận mang bước đột phá thế kỉ dưới thời chính quyền Obama, TPP rơi vào cảnh bị bỏ rơi khi chính nước Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này khi ông Donald Trump, người gọi TPP là một “thỏa thuận khủng khiếp”, lên nắm quyền.

Sự ra đi của Mỹ khiến tương lai TPP trở nên tối tăm hơn bao giờ, nhiều thành viên bày tỏ sự dè dặt và cùng với đó, nhiều quy định tại hiệp định vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Cuối tháng 1 vừa qua, ông Trump bất ngờ cho biết sẽ cân nhắc TPP. “Nếu chúng tôi có thể tạo ra một thỏa thuận tốt hơn, tôi sẽ tham gia vào TPP", ông Trump nói tại buổi phỏng vấn với CNBC trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới.

Theo bà Lindsay Walters, thư kí báo chí Nhà Trắng, “tổng thống Donald Trump giữ đúng lời hứa rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP vì nó được cho là tạo ra sự bất công đối với người lao động và nông dân Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump luôn rất mở cửa với một thỏa thuận mới tốt hơn”.

Thế nhưng những tín hiệu tích cực này từ nước Mỹ không kéo dài khi chỉ sau khoảng một tuần và cách đây vài ngày, ông Trump lên tiếng chỉ trích TPP với phiên bản mới là CPTPP trước cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

“Dù Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi quay trở lại TPP, tôi lại không thích thỏa thuận này cho nước Mỹ”, ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân của mình.

Ông cũng đánh giá rằng “TPP có quá nhiều điều khoản dự phòng và không có đường nào thoát ra nếu như nó không mang lại hiệu quả thật sự. Những thỏa thuận song phương có hiệu quả, mang lại lợi ích lớn và tốt hơn rất nhiều cho những người công nhân của chúng tôi”.

“Chân thò chân thụt” của các quốc gia bên ngoài

Cuối tháng 1 vừa qua, Anh bất ngờ cho biết quốc gia này đã có những cuộc hội đàm không chính thức về việc gia nhập khối thương mại khu vực Thái Bình Dương, đánh dấu nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu đầy táo bạo sau Brexit, theo Financial Times.

Tín hiệu tích cực này mang đến cho TPP 11 hy vọng được vực dậy mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, câu chuyện tham gia của Anh sẽ vẫn còn rất xa và chỉ chắc chắn cho đến khi mối quan hệ giữa nước này với Liên minh châu Âu hậu Brexit được giải quyết ổn thỏa.

Về mặt pháp lý, Anh không thể ký kết TPP cho đến khi nước này hoàn thành việc ra khỏi EU dự kiến vào tháng 3/2019. Việc Anh gia nhập TPP sẽ giúp nước này có thể rút ngắn quá trình hơn là việc đàm phán hiệp định thương mại với từng nước riêng lẻ.

Indonesia mới đây thể hiện thiện chí muốn gia nhập vào hiệp định này nhưng cũng cho biết còn nhiều vấn đề ngăn cản tiến trình này diễn ra.

Bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cho biết tổng thống Joko luôn mong muốn tham gia TPP nhưng đây không được coi là ưu tiên hàng đầu đối với nền kinh tế bởi trong tương lai, thương mại Indonesia không chỉ tập trung vào các quốc gia TPP.

“Con đường hướng tới là TPP nhưng chúng tôi còn phải giải quyết rất nhiều trong vấn đề cơ cấu. Đó là lý do vì sao chính phủ Indonesia đang chú ý nhiều tới việc kết nối, nguồn nhân lực là cải cách. Tôi nghĩ Indonesia sẽ tập trung vào cả những thị trường phi truyền thống tại khu vực Trung Á cũng như Ấn Độ và châu Phi”, bà Indrawati cho biết.

Chia sẻ với phóng viên TheLEADER, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định TPP “rõ ràng là một cơ chế tốt khiến cho các nước khác mong muốn tham gia, chứng tỏ sức hút và vai trò của hiệp định này dù cho không có Mỹ”.