Trăn trở nỗi lo thiếu người tài giúp sức khi khởi nghiệp

Việt Hưng - 17:26, 10/09/2018

TheLEADERKhởi nghiệp trong giai đoạn đầu thường gặp khó khăn về vấn đề tuyển dụng. Đó là chưa kể DN chỉ có quỹ lương khiêm tốn, danh tiếng chưa nhiều, nên khó có thể thu hút, duy trì các nhân sự tốt. Vậy làm sao để giải bài toán quản trị nhân sự lúc này?

Trong chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công số 15, chúng ta đã được nghe cuộc tranh biện sôi nổi giữa CEO và cổ đông sáng lập của một doanh nghiệp trong ngành bánh ngọt. Sau 2 năm hoạt động, DN đã định hình được thị trường và doanh số ngày càng tăng.

Từ đây, DN tăng đầu tư, tuyển dụng thêm người và mở ra rộng các điểm bán ở địa bàn lân cận. Tuy nhiên, khi mở rộng thêm điểm bán, tình hình kinh doanh bộc lộ nhiều bất ổn.

Nguyên nhân là do DN mở rộng nhanh, đội ngũ nhân sự tăng nóng, mà công ty lại chưa có thương hiệu nên không tuyển dụng được những nhân sự có chuyên môn cao. Trong khi đó, những nhân sự ban đầu của DN lại chưa thực sự đủ trình độ để đào tạo cho nhân sự mới.

Trước tình hình này, CEO đã đề xuất với các cổ đông sáng lập tuyển nhân sự chuyên nghiệp về để đảm bảo phát triển DN ổn định.

Trong khi đó, phía các cổ đông cho rằng, cách làm này vừa tốn kém lại có thể không hiệu quả. Đó là chưa kể, việc tuyển người phù hợp thường rất lâu mà chưa chắc đã tuyển được người như ý, và không phải ai cũng dễ thích nghi, phát huy tốt vai trò của mình.

Đi tìm lời giải cho bài toán này, giúp doanh nghiệp có thể phát triển ổn định là sự góp mặt của ông Bùi Tiến Thành - Giám đốc Công ty Thương mại Tiến Thành Thảo; cùng 2 chuyên gia là ông Phùng Việt Thắng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FIS) và ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng.

Trăn trở nỗi lo thiếu người tài giúp sức khi khởi nghiệp
Chương trình CEO – Chìa khóa thành công số 16 với chủ đề: "Khởi nghiệp - Quản trị nhân sự"

Theo ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng, trước khi nghiên cứu lời giải cho bài toán trên, DN phải đánh giá lại phương pháp quản trị áp dụng cho các nhân viên, từ cấp thấp cho tới cao ở thời điểm hiện tại.

“Trước khi quyết định tuyển mới nhân sự, chủ DN nên thử khơi gợi, động viên để các nhân viên hiện tại để họ phát huy hết được tiềm năng, cũng như sự sáng tạo của mình. Trước kia, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, có thể vì chủ quan mà nhiều DN đã bỏ qua hoạt động quản trị nhân sự, dẫn tới tình trạng nhân viên không thể hiện hết được năng lực của mình, mà chỉ chăm chăm kiếm tiền, chạy doanh số”, ông Tâm nói.

Sau đó, DN mới đưa ra các chính sách phân bổ và đào tạo dành cho các nhân sự tiềm năng, minh bạch cũng như công khai các tiêu chí đó tới toàn thể nhân viên trong công ty.

Mục đích của hành động này là để cả nhân viên cũ và mới cảm thấy bản thân được đối xử công bằng, rằng họ đang được làm việc trong một môi trường lành mạnh, nếu có cố gắng, họ sẽ được thăng tiến so với công việc hiện tại.

Còn theo ông Phùng Việt Thắng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FIS), khi phát triển một DN, ông không bao giờ nghĩ tới con người ngay, mà sẽ luôn đặt câu hỏi, những con người đó để làm gì. Từ đó, DN mới có thể định nghĩa được nhân sự mà chúng ta thực sự cần.

Ông Thắng cho rằng, giá trị của một DN nằm ở nhiều công đoạn khác nhau, từ sản xuất cho đến đầu ra, từ phân phối cho đến bán lẻ… Tuy nhiên, chỉ khi DN bóc tách được con đường hướng thành công của mình gồm những công đoạn, bước tiến gì, thì mới chọn ra được người chịu trách nhiệm các quy trình đó – chính là nhân sự.

Ở đây, nên hiểu rộng ra, ngay từ đầu, chủ DN phải định hình nhân sự và quy trình là 2 yếu tố gắn liền với nhau. Quy trình lập ra để công ty phát triển, nhưng người vận hành quy trình đó phải là con người – nhân sự.

Tất nhiên, nhân sự sẽ có người làm chuyên môn, nhưng cũng có người thực hiện vai trò quản lí. Tùy vào kĩ năng, cũng như nội lực của từng nhân sự, chủ DN sẽ biết nên bồi dưỡng thêm điều gì và bồi dưỡng thêm cho ai, tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực như bài toán quản trị nêu trên.

Ngoài ra, hai chuyên gia đã cố vấn cho CEO các phương pháp để DN quản trị nhân lực hiệu quả nhất. Đó là phương pháp nào? Cùng đón xem chương trình CEO – Chìa khóa thành công số 16 với chủ đề: "Khởi nghiệp - Quản trị nhân sự" để có được câu trả lời.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Bia Hà Nội, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC). Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.