'Triết lý con gián' và bài học thích nghi trong đại dịch

Võ Xuân Yên - CEO Maxan Group - 10:01, 13/04/2020

TheLEADERNhững mô hình kinh doanh lỗi thời, quan liêu, nặng nề sẽ bị đào thải nhường chỗ cho những công ty nhanh gọn, linh hoạt, hiệu quả và hợp thời, với những con người sáng tạo, đoàn kết, biết hy sinh và trách nhiệm…

Những ngày qua là những ngày thảm họa đối với toàn nhân loại, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhân loại mới chứng kiến một tai họa thảm khốc ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, chính trị như đại dịch Covid-19 này. 

Con vi rút Covid-19 bé nhỏ mà có sức tàn phá khủng khiếp, chỉ trong vòng 4 tháng nó đã giết đi sinh mạng hàng trăm nghìn người, làm cho hàng tỷ người lâm vào cảnh thất nghiệp và hàng chục triệu doanh nghiệp trên toàn cầu lâm vào cảnh phải thoi thóp chờ phá sản. Tuy Việt Nam đã làm rất tốt việc ngăn chặn bệnh dịch, tạm thời chưa có tổn thất về sinh mạng, nhưng tổn thất về mặt kinh tế trong vòng 2 tháng đã là quá rõ ràng.

Triết lý con gián và bài học thích nghi với hoàn cảnh

Theo khảo sát của Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam chỉ có 14% doanh nghiệp có thể tồn tại quá một năm (rơi vào những doanh nghiệp hưởng lợi do dịch bệnh như y tế, thuốc men, thực phẩm, nhu yếu phẩm...), còn lại sẽ phải đóng cửa trong vòng 3 đến 6 tháng. Theo ý kiến cá nhân của tôi, nhận định này hoàn toàn có cơ sở.

Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ thiên về dịch vụ, bất động sản, phân phối, du lịch giải trí… khi nhà nước ra lệnh đóng cửa ngành này thì xem như doanh nghiệp cũng đã đứng trước nguy cơ phá sản ngay trong 2 tháng đầu tiên. Nếu tình trạng này kéo dài cộng với dịch bệnh bên ngoài Việt Nam bùng phát dữ dội thì tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu cũng bị tê liệt khi không thể xuất hàng ra bên ngoài. 

Cộng với nạn thất nghiệp gia tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm sút trầm trọng thì những doanh nghiệp đang có lợi như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và cả y tế thuốc men sẽ cũng phải chịu chung số phận (dĩ nhiên sẽ còn một số rất ít doanh nghiệp được hưởng lợi như sản xuất khẩu trang, y cụ, máy thở...).

'Triết lý con gián' và bài học thích nghi trong đại dịch
Ông Võ Xuân Yên - CEO Maxan Group

Chính vì lẽ đó, các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu đã ngay lập tức ra những gói cứu trợ khẩn cấp chưa từng có lên đến hàng ngàn tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thất nghiệp, khó khăn. Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua các gói cứu trợ lên đến 300.000 tỷ bao gồm gói hỗ trợ người nghèo, lao động thất nghiệp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên qua kinh nghiệm của những đợt khủng hoảng trước đây, đa phần các gói hỗ trợ nếu vẫn còn tình trạng bộ máy quan liêu, cồng kềnh sẽ đến tay người dân quá trễ, hoặc sẽ bị hao mòn trên đường đi của nó. 

Còn gói cứu trợ doanh nghiệp thì thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tuy nhiên ở thời buổi quá nhiều may rủi, ngân hàng thương mại sẽ rất ngại cho vay vì lo bị “chết chìm” theo các doanh nghiệp, cách tốt nhất là ngân hàng sẽ cũng chỉ tập trung vào các doanh nghiệp mạnh, ít rủi ro để cho vay bảo toàn vốn, còn lại hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn thực sự sẽ lâm vào cảnh tự bơi (giống như khủng hoảng năm 2009 - 2010).

Trước một thảm họa kéo dài như đại dịch lần này, nạn nhân của nó không chừa một ai, từ người già đến trẻ nhỏ, từ người giàu có quyền lực đến kẻ bần hàn, từ công ty nhỏ xíu đến các tập đoàn đa quốc gia đều phải gánh chịu hậu quả thật nặng nề. Mọi thứ thật vô thường, những công ty tồn tại hàng trăm năm rồi sẽ có lúc bị hủy diệt, người giàu rồi sẽ trở thành người nghèo, thậm chí cả cái chết cũng không chừa một ai... Tất cả mọi thành phần trong xã hội đều chỉ hướng đến một điều đó là sự tồn tại.

Chính lúc này đây triết lý “con gián” đã chứng minh được sự xuất chúng của nó qua hàng triệu năm. Gián là một loại sinh vật kỳ lạ, nó tồn tại hàng trăm triệu năm, trước khi trái đất có loài khủng long, qua nhiều lần trái đất bị hủy hoại, muôn loài bị tiêu diệt, nhưng gián vẫn tồn tại đến ngày hôm nay nhờ một triết lý hết sức chính xác “kẻ sống sót chính là kẻ biết thích nghi”.

Trong lúc cả nước căng mình chống bệnh tật, để tồn tại được, mỗi cá nhân và doanh nghiệp phải tự lo cho chính bản thân mình, phải biết thích nghi trước hoàn cảnh khó khăn để có thể tồn tại và phát triển qua cơn địch họa.

5 giải pháp để thích nghi, tồn tại

Ở thời điểm hiện tại rõ ràng mỗi con người mỗi doanh nghiệp đều phải đối mặt với muôn trùng khó khăn gian khổ, tuy nhiên để có thể sống sót và tồn tại chúng ta phải tìm hiểu cội nguồn của sự khó khăn của doanh nghiệp, sau đó tìm ra phương pháp giải quyết khó khăn và thực hành nó một cách tốt nhất để tồn tại và phát triển sau thảm họa này.

Thứ nhất là cắt giảm chi phí. Khi doanh nghiệp đóng cửa, người lao động thất nghiệp, rõ ràng khó khăn lớn nhất chính là làm sao có thể duy trì doanh thu để tạo được dòng tiền mặt trả những chi phí cố định như mặt bằng, kho bãi, xe, vận chuyển, lãi suất, thuế, bảo hiểm...

Cắt giảm chi phí đầu tiên là mặt bằng, kho bãi, văn phòng. Những doanh nghiệp tầm cỡ như Thế Giới Di Động còn phải kêu gọi chủ nhà giảm 50% phí mặt bằng, chúng ta cần kêu gọi chủ mặt bằng miễn hoặc giảm tiền thuê, hoặc cho chậm chi trả để duy trì lượng tiền mặt, nếu chủ nhà không đồng ý thì phải mạnh tay hủy bỏ hợp đồng, trả lại mặt bằng, kho bãi để không phát sinh chi phí (sau dịch có thể tìm được mặt bằng tốt, giá rẻ hơn).

Chính phủ cũng cần có công văn can thiệp vào hoạt động cho thuê mặt bằng, kho bãi thiếu lành mạnh như thời gian trên (một số quốc gia yêu cầu chủ thuê nhà phải miễn, giảm tiền thuê và không được gây khó khăn cho người thuê).

Để giảm lãi ngân hàng, thuế, bảo hiểm, phải làm việc trực tiếp với ngân hàng để giảm lãi suất hoặc giãn nợ, cho nghỉ việc những lao động kém hiệu quả, thái độ kém để giảm các khoản lương, bảo hiểm và trì hoãn việc đóng thuế (việc này nhà nước sẽ có chính sách, do đó không nên đóng vội sẽ mất cân bằng dòng tiền).

Bên cạnh đó là giảm chi phí xe, vận chuyển. Dừng hoặc bán xe con, xe tải, chuyển qua thuê ngoài (thuê ngoài sẽ rẻ hơn tự vận hành và giảm được chi phí khi dịch bệnh kéo dài, doanh thu giảm sút).

Đối với người lao động nghỉ việc, nên về quê để giảm chi phí thuê nhà, cắt giảm chi tiêu ở mức tối đa. Nếu không về được thì nên thương lượng với chủ nhà để giảm tiền thuê nhà. Tích lũy một ít lương thực trong nhà trong vòng một tuần, nộp đơn nhận trợ cấp thất nghiệp và làm việc với cơ quan nhà nước để được nhận gói hỗ trợ (1.800.000 đồng đối với lao động mất việc và 1.000.000 đồng đối với đối tượng khó khăn).

Thứ hai là kêu gọi sự hợp tác. Để bảo đảm được việc cung ứng hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong khi đang thiếu hụt dòng tiền, các doanh nghiệp nên làm việc với các đối tác để được giãn nợ, giảm giá, tăng khuyến mãi, tăng thời hạn nợ của lô hàng. 

Đối với các đối tác khác liên quan đến mặt bằng, kho bãi thì đề xuất giảm giá, không thu tiền vài tháng... ( thời gian qua chủ mặt bằng cũng đã thu lợi quá nhiều từ việc cho thuê mặt bằng mà không cần biết đối tác thuê sống hay chết, lúc này đây họ cần phải thể hiện tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng của bản thân).

Thứ ba là tạo dòng tiền. Cắt giảm chi phí tối đa chỉ là giải pháp ngắn hạn, để có thể tồn tại lâu hơn thì doanh nghiệp phải tự tạo ra doanh thu để duy trì dòng tiền chi trả cho các chi phí cố định như mặt bằng, kho, lãi vay, lương.

Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, với việc cách ly và quy định đóng cửa đối với một số loại hình doanh nghiệp thì việc chuyển qua bán hàng online là một giải pháp tốt. Mô hình online hoặc món ăn phục vụ tận nhà cũng đã được nhiều đại công ty như Amazon nhắm đến, cùng với sự phát triển của các công ty giao hàng như Grap, Goviet..., việc mua bán online càng trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Ngành F&B có thể giảm thiểu được chi phí mặt bằng và có thể duy trì được kinh doanh để tạo ra dòng tiền.

Có nhiều câu chuyện về việc thích nghi và tạo ra dòng tiền. Tôi biết một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã chuyển sang sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, sản xuất gel, khẩu trang, buồng khử khuẩn, khẩu trang...

Một số nhà hàng trước đây phục vụ tại chỗ thì chuyển qua mô hình phục vụ tại nhà, ship hàng tận nơi. Thông qua các công cụ marketing facebook, youtube và shipper chúng ta vẫn có thể sáng tạo ra nhiều phương thức để phục vụ cho các thượng đế và tạo ra doanh thu. Đây là xu thế marketing và sales sẽ phát triển mạnh trong tương lai nên cần phải có sự đầu tư nghiêm túc kể cả có khủng hoảng dịch bệnh hay không.

Thứ tư là thay đổi mô hình kinh doanh. Qua cơn bĩ cực này, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản. Những doanh nghiệp cồng kềnh sử dụng nhiều lao động, sử dụng mặt bằng lớn và sử dụng đòn bẩy tài chính như bất động sản, nhà hàng, chuỗi cafe, bán lẻ… sẽ rơi vào khủng hoảng. Ngược lại, những công ty đầu tư vào hệ thống bán hàng online, sử dụng marketing facebook, youtube sẽ lên ngôi vì tính linh hoạt, gọn nhẹ và hiệu quả.

Mô hình kinh doanhứng dụng thành công qua hàng trăm năm đó chính là Mc Donald. Giai đoạn này rất nhiều công ty cùng ngành thậm chí là đối thủ của Mc Donald như KFC rơi vào cảnh khủng hoảng vì chi phí mặt bằng quá cao khi doanh thu giảm sút, nhưng Mc Donald không bị ảnh hưởng. Đó là bởi toàn bộ mặt bằng của Mc Donald đều được Mc Donald mua sau đó cho đối tác nhượng quyền thuê lại, nhiều năm sau bất động sản sẽ tăng giá và Mc Donald sẽ có thêm lợi nhuận bất động sản. 

Doanh thu từ bất động sản của Mc Donald năm 2019 là 6,1 tỷ USD. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi lấy tiền đâu để đầu tư mặt bằng? Thật ra Mc Donald chỉ đầu tư 1/3 số tiền, số còn lại là do các tổ chức tài chính, tín dụng lo, còn tiền trả góp thì lấy từ dòng tiền của người thuê nhượng quyền trả hàng tháng.

Ở Việt Nam, Sacombank cũng là một ngân hàng ứng dụng rất thành công mô hình này, hầu như toàn bộ trụ sở của Sacombank đều được ngân hàng này mua và xây dựng lại.

Có thể nói 2 loại chi phí mà công ty phải gánh chịu nặng nhất đó chính là chi phí nhân sự và chi phí về mặt bằng, kho bãi, tài sản cố định. Tùy theo loại hình doanh nghiệp của mình, các công ty cần phải thay đổi lại mô hình kinh doanh. Miễn sao đạt được 2 mục đích, đó là tiết giảm chi phí cố định (mặt bằng, chi phí quản lý) bằng các hình thức online, hợp tác, chia sẻ nguồn lực, giảm sử dụng quá đông nhân lực để tiết giảm chi phí quản lý và chi phí lương.

Thứ năm là giữ chân người tài. Dĩ nhiên lúc khó khăn, việc cắt giảm nhân sự cần phải làm để tránh phá sản, tuy nhiên nếu như không còn người giỏi thì công ty sẽ không thể phục hồi và phát triển. Nếu doanh nghiệp vẫn còn nguồn tài chính tốt thì cần phải tiếp tục duy trì chế độ lương và chính sách phúc lợi cho nhân viên.

Còn nếu doanh nghiệp đã thật sự hết tiền thì sao? Lúc này lãnh đạo nên truyền thông cho nhân viên biết tình hình của công ty, kêu gọi nhân viên cùng chia sẻ. Tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều nhân viên tốt sẵn lòng chịu thiệt thòi để đồng hành cùng công ty trong lúc khó khan. Tuy nhiên cũng phải chú ý đến hoàn cảnh của từng cá nhân để có những hỗ trợ kịp thời.

Và đây cũng chính là cơ hội để chủ doanh nghiệp đánh giá chính xác thái độ và lòng trung thành của nhân viên để khi công ty phục hồi có thể giao trọng trách cho những con người đã chứng minh được giá trị bản thân trong lúc khó khăn nhất.

Tài sản lớn nhất của Maxan Group ở thời điểm khó khăn này chính là con người. Có lẽ điều làm tôi hạnh phúc nhất lúc này chính là tinh thần trách nhiệm, sự thấu hiểu và hy sinh của những nhân viên trụ cột, tất cả mọi người tự đề xuất giảm 50% lương, thậm chí có nhiều nhân viên còn tự đề xuất không nhận lương. Nó hoàn toàn ngược lại những gì Maxan Group đã trải qua trong những đợt khủng hoảng lần trước.

Luật nhân quả luôn luôn tồn tại, gieo nhân nào gặt quả nấy. Nếu chúng ta quan tâm đến con người, dành thời gian, công sức và tiền bạc cho việc tuyển chọn, đào tạo và phát triển con người, chúng ta sẽ có được những thành quả ngọt ngào, có được những con người tốt, biết hy sinh và tất cả mọi người sẽ cùng nhau vượt qua bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Đại dịch lần này cũng là cơ hội để kiểm định lại sự vững chắc của doanh nghiệp, bản lĩnh và sức mạnh tinh thần của người lãnh đạo, sự ưu việt, tính thích nghi của mô hình kinh doanh. Đại dịch rồi sẽ qua đi, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều doanh nghiệp bỗng nhiên tỏa sáng. 

Những mô hình kinh doanh lỗi thời, quan liêu, nặng nề sẽ bị đào thải, nhường chỗ cho những công ty nhanh gọn, linh hoạt, hiệu quả và hợp thời với những con người sáng tạo, đoàn kết, biết hy sinh và trách nhiệm… âu đó cũng chính là quy luật của tự nhiên, kẻ sống sót sau cùng là kẻ biết thích nghi chứ không phải là kẻ mạnh, tài giỏi. 

Tập thể mạnh không phải là tập thể tài giỏi, đông đảo, mà là tập thể biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Võ Xuân Yên - CEO Công ty Maxan Group