Trung Quốc tìm đến Việt Nam để tránh 'bão thương mại'

Linh Nguyễn - 17:58, 23/07/2018

TheLEADERCác nhà sản xuất Trung Quốc đang cân nhắc khả năng chuyển sản xuất sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác có chi phí thấp trước nỗi lo bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trung Quốc tìm đến Việt Nam để tránh 'bão thương mại'
Các container tại cảng Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Hôm 6/7 theo giờ Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế lên mức 25% đối với hơn 800 sản phẩm Trung Quốc dựa trên Điều 301 Luật Thương mại Mỹ, cáo buộc Bắc Kinh về việc ăn cắp tài sản trí tuệ và buộc công ty Mỹ bàn giao công nghệ có giá trị. Các sản phẩm này bao gồm máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô với tổng giá trị nhập khẩu 34 tỷ USD.

Bắc Kinh sau đó đã tuyên bố áp thuế suất tương tự đối với 545 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm nông sản, xe và hải sản với tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ tương đương 34 tỷ USD, AFP đưa tin.

Tính đến nay, đây là con số hàng hóa chính thức bị áp thuế trong sự đối đầu thương mại không khoan nhượng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo thông tin được đưa bởi Financial Times, các chủ nhà máy tại khu vực trung tâm sản xuất của tỉnh Quảng Đông cho biết, các mức thuế hiện nay cũng như sự thiếu chắc chắn về những động thái thương mại trong tương lai từ Mỹ là nguyên nhân khiến họ đẩy mạnh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất, đặc biệt là đưa ra ngoài Trung Quốc. Tại nền kinh tế lớn thứ hai này, tiền lương đã tăng lên nhanh chóng trong vòng 1 thập kỉ qua.

Joe Chau, người điều hành một nhà máy may mặc dành cho trẻ em tại Quảng Đông và cũng là người đứng đầu bộ phận kinh doanh vừa và nhỏ của Phòng Thương mại Hongkong (Hong Kong General Chamber of Commerce), cho biết: "Chúng tôi không nghĩ rằng chiến tranh thương mại là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn". 

"Chúng tôi phải phân tích những quốc gia châu Á nào tốt cho khách hàng và để bù đắp rủi ro từ Trung Quốc", Financial Times dẫn lời.

Mặc dù sản phẩm quần áo và hàng tiêu dùng khác như đồ chơi chưa bị đánh thuế, ông Joe Chau cho rằng các nhà bán lẻ Mỹ và các nhà cung cấp tại Trung Quốc cần phải lên kế hoạch dự phòng trước mùa mua sắm truyền thống vào mua thu tới bởi "không ai có thể đoán được ông Donald Trump sẽ làm gì".

Theo thông tin từ Financial Times, trong khi sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang Đông Nam Á đã được tiến hành đối với một số sản phẩm như điện tử, căng thẳng thương mại cũng khiến nhiều công ty phải xem xét lại chuỗi cung ứng của họ.

Tuy vậy, nhiều nhà quản lý sản xuất cho rằng dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tiêu tốn mất vài năm và trong thời gian đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể đã được giải quyết hoặc chính quyền ông Donald Trump có khả năng mở rộng thuế quan đối với một số quốc gia như Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng "nhảy thuế".

Chiu Chi-hong, ông chủ nhà máy đồ chơi cung cấp cho Disney và Mattel tại Quảng Đông cho biết, mặc dù đồ chơi vẫn chưa nằm trong danh sách thuế quan, hàng xuất khẩu đi đã gặp phải những yêu cầu kiểm tra khắc nghiệt của hải quan Mỹ kể từ đầu năm nay.

Cùng với 30 nhà sản xuất khác, Chiu Chi-hong dự kiến sẽ đến Myanmar vào tháng 9 tới để kiểm tra khả năng dịch chuyển sản xuất sang quốc gia mới nhằm thoát khỏi hạn chế thương mại của Mỹ đối với hàng Trung Quốc. Tuy vậy, ông cũng lo sợ chính sách sẽ có sự thay đổi một lần nữa, FT dẫn lời. 

"Ông Trump và ông Tập có thể quay trở lại làm bạn bè. Chúng tôi chỉ là một công ty cỡ vừa, chúng tôi không thể xử lý các nhà máy tại hai nơi cùng một lúc", ông Chiu Chi-hong do dự.

Ông Angelo Cheung, Giám đốc điều hành của Tập đoàn điện tử Nhật Bản Aoyagi hiện đang sản xuất tại Trung Quốc cho biết, một số đơn đặt hàng từ Mỹ đã bị tạm dừng vì sự không chắc chắn gia tăng.

"Chúng tôi đang đứng giữa một ngã tư nhưng tất cả chỉ là giải pháp về trung và dài hạn", ông Cheung cho biết. Hiện doanh nghiệp này đang xem xét các lựa chọn khác nhau, bao gồm cả việc chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam, Financial Times đưa tin.

Tuy vậy, các doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí cũng như đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp với việc xây dựng các nhà máy tại những khu vực pháp lý mới. Các nhà máy mới sẽ phải đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và chất lượng để có thể xuất khẩu sang Mỹ cũng như tiêu tốn thời gian để đảm bảo các cơ sở mới không bị "xé tan".

Một trong những thách thức nữa chính là sự cần thiết đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng và tại Trung Quốc, các nhà máy dường như có lợi thế nhiều hơn vì mối quan hệ lâu dài với bán lẻ Mỹ cũng như nhiều thập kỉ kinh nghiệm.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Xie Hui, người đứng đầu một cơ sở kinh doanh máy đục công nghệ cao tại Bắc Ninh với gần 10 năm tại Việt Nam đánh giá, đây là một thị trường hấp dẫn, đặc biệt với những sản phẩm máy móc. “Mức giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn đáng kể so với Trung Quốc trong khi chi phí vận hành thì tương đương”.

“Tuy vậy những thủ tục pháp lý tại đây khá khó khăn cũng như việc tìm kiếm nhân công chất lượng cao không dễ, đặc biệt ở những tỉnh thành xa xôi. Bên cạnh đó, người dân vẫn hay có cái nhìn không tốt về hàng Trung Quốc và người Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, nếu việc đa dạng hóa nằm trong sự xem xét, như để tận dụng lợi thế tiền lương thấp hơn tại các quốc gia như Việt Nam, sự ra đi hoàn toàn có khả năng diễn ra.