Truyền thông giảm thiểu rác thải hiệu quả thông qua nâng cao vai trò của giới

Phạm Sơn - 14:02, 19/11/2020

TheLEADERNgười phụ nữ có nhiều đặc điểm khác với nam giới về nhận thức, thái độ cũng như vai trò trong vấn đề quản lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Truyền thông giảm thiểu rác thải hiệu quả thông qua nâng cao vai trò của giới
Bà Phạm Nhật Nga, Giám đốc Công ty tư vấn giải pháp sáng tạo Creatio. Ảnh: Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Đánh giá về tình trạng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, TS. Phạm Quỳnh Hương, Chi hội phó Chi hội Nữ trí thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Hiệp hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, chu trình quản lý rác thải, đặc biệt là ở những đô thị có sự đóng góp của cả lực lượng chính thức và phi chính thức.

Trong cả hai lực lượng trên, nữ giới chiếm số đông ở các khâu tiếp xúc trực tiếp với nguồn rác thải, cụ thể là những người đồng nát, ve chai trong lực lượng phi chính thức và lao công, nhân viên môi trường trong lực lượng chính thức.

Bên cạnh đó, trong gia đình, người phụ nữ cũng thường đảm nhiệm các công việc liên quan trực tiếp đến rác thải sinh hoạt như mua sắm, nội trợ và thải bỏ rác.

Đồng quan điểm với bà Hương, bà Phạm Nhật Nga, Giám đốc Công ty tư vấn giải pháp sáng tạo Creatio cho biết, một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra sự khác biệt về thái độ cũng như nhận thức về rác thải nhựa giữa nam và nữ tại Việt Nam.

Cụ thể, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ thường tỏ ra quan tâm hơn tới đường đi của rác thải sau khi vứt bỏ và thu gom cũng như có xu hướng tiết giảm, tái sử dụng hơn là các hoạt động tái chế.

Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam tỏ ra chưa sẵn sàng với các quy định về chống rác thải nhựa, thậm chí 7% nữ giới tham gia khảo sát cho rằng, các quy định này tạo ra sự bất tiện trong sinh hoạt cũng như đời sống.

Theo bà Nga, những đặc điểm trên tương đối phù hợp với sự khác biệt về vai trò trong đường đi của rác thải cũng như chuỗi giá trị tái chế. Các chuyên gia cũng nhận định, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về những yếu tố này để thiết kế chính sách và chương trình truyền thông cụ thể và phù hợp.

Truyền thông hiệu quả thông qua lồng ghép vai trò của giới

Một số nghiên cứu từ năm 1994 đã chỉ ra sự tương quan giữa thái độ về các vấn đề môi trường với nhận thức và nhân sinh quan. Cụ thể, các mối quan tâm về môi trường được điều hướng bởi 3 xu hướng, bao gồm tính vị kỷ, đặt lợi ích cá nhân lên cao nhất, tính vị tha, quan tâm đến cộng đồng và xã hội và tính sinh quyển, quan tâm đến mọi hình thức sinh vật sống.

Các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi, hướng tới tiêu dùng xanh suốt thời gian qua thường đi theo mẫu “hãy làm vì môi trường”. Tuy nhiên, bà Nga cho biết, cụm từ “vì môi trường” đang đi theo hướng đề cao tính vị tha và tính sinh quyển. 

Bà Nga nhận định, các chương trình truyền thông thay đổi hành vi cần được thiết kế hướng tới tính vị kỷ để tối ưu hóa hiệu quả, tức là đưa ra các thông điệp về giá trị nhận được khi bảo vệ môi trường, cái giá phải trả khi môi trường ô nhiễm, tránh đi theo lối mòn của sự sáo rỗng, hô hào khẩu hiệu.

Đây chính là cơ sở quan trọng để lồng ghép sự khác biệt về giới tính vào các chiến dịch truyền thông, đặc biệt là đề cao vai trò của người phụ nữ trong tiêu thụ sản phẩm, thải bỏ rác thải và quản lý chất thải của gia đình, tuy nhiên cũng cần cân đối giữa nam và nữ, tránh gây ra suy nghĩ trách nhiệm trong xử lý rác thải thuộc về nữ giới.

Cùng với đó, bà Nga nhấn mạnh, cần phải loại bỏ suy nghĩ tiêu cực về nghề dọn dẹp vệ sinh, lao công, ve chai, đồng nát thông qua đẩy mạnh truyền thông, coi đấy như những nghề nghiệp bình thường, thậm chí là nghề nghiệp đáng được tôn vinh, trân trọng.

Hàm ý chính sách

TS. Nguyễn Sỹ Linh, chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường nhận xét, nhiều chính sách, bao gồm hệ thống quy định pháp luật, thông tư, nghị định… đã được chính phủ ban hành nhằm giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và phát triển bền vững nói chung.

Tuy nhiên, quá trình thực thi các chính sách kể trên chưa thực sự hiệu quả do thiếu tính tiếp nối giữa việc ban hành và điều chỉnh, thực hiện, quá trình xây dựng cũng chưa nhận được sự tham gia hiệu quả từ các tham vấn, hội thảo, đề xuất.

Về vấn đề lồng ghép vai trò của giới trong xây dựng chính sách môi trường, ông Linh nhận định cần phải dựa trên nguyên tắc trách nhiệm ngang bằng giữa cả nam và nữ, mặc dù có thể nữ giới sẽ mang lại hiệu quả giảm thiểu rác thải tốt hơn.

Chính sách nên đi sâu vào khía cạnh về các tác động cũng như vai trò riêng của nam giới và nữ giới trong các khâu từ tiêu dùng, thải bỏ tới phân loại và tái chế để xây dựng những mảnh ghép riêng, chi tiết, tạo ra động lực thực thi một cách hiệu quả và nghiêm túc.