TS. Lê Đình Ân: 'Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững'

An Chi - 09:27, 05/01/2019

TheLEADERTheo TS. Lê Đình Ân, bức tranh kinh tế năm 2019 về cơ bản vẫn đang trên đà phát triển tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cần lớn mạnh để trở thành động lực cho tăng trưởng, từng bước giảm sự phụ thuộc vào FDI.

TS. Lê Đình Ân: 'Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững'
TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia

Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững

Nhận định về thành tựu kinh tế năm 2018, trong đó đáng chú ý là GDP tăng kỷ lục 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, năm 2018 là một năm kinh tế Việt Nam có rất nhiều những điểm sáng. 

Bức tranh kinh tế tăng trưởng theo xu hướng tích cực, các ngành chế biến, chế tạo phát triển tốt, giữ được tăng trưởng cao, là động lực cho kinh tế phát triển.

Nhất là về nông nghiệp, khác với các năm trước, năm 2018 ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực cố gắng phát triển sản xuất tập trung, nông trường, trang trại, nông ghiệp công nghệ cao, tăng mạnh lượng nông sản xuất khẩu. Đây là bệ đỡ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là cơ hội cho xuất nhập khẩu, cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam. 

Về xuất khẩu, dịch vụ cũng có sự tăng trưởng tốt. Trong khi thế giới đang khủng hoảng vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam vẫn đang mở rộng và phát triển nhanh về thị trường. Xuất khẩu giữ được ổn định. Dịch vụ, trong đó đặc biệt là tiêu dùng, du lịch đóng góp tốt cho tăng trưởng. 

Theo ông Ân: "Các yếu tố tích cực trên đã đóng góp cho sự tăng trưởng chung nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định, số lượng doanh nghiệp thành lập tăng cao, đặc biệt giới đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam làm cho số doanh nghiệp hoạt động cao. Việc đào thải doanh nghiệp diễn ra liên tục, có tăng, có giảm, điều đó thể hiện sự đào thải đúng quy luật. Tính cạnh tranh và môi trường cạnh tranh có cải thiện".

Bên cạnh những điểm sáng, ông Lê Đình Ân cũng đánh giá về những tồn tại của nền kinh tế như các yếu tố tăng trưởng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào FDI. 

Điển hình như toàn bộ 70% xuất khẩu phụ thuộc vào FDI. Ngành công nghiệp chế biến có tới 90% là từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó phụ thuộc chính vào Formosa, Samsung. 

"Khi phụ thuộc vào FDI, tăng trưởng kinh tế có nhiều hạn chế và không thực sự bền vững", vị chuyên gia này nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng chưa phải là bức tranh hoàn hảo. Mô hình tăng trưởng còn phụ thuộc vào khu vực các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư từ nhà nước giảm.

Mặt khác, việc phát triển doanh nghiệp hiện đang tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là cổ phần hoá tiến hành chậm, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả thấp, cồng kềnh, không năng động. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thủ tục hành chính. 

"Như vậy, để đảm bảo cho sự phát triển, tế bào của nền kinh tế là các doanh nghiệp sản xuất lại chưa được tạo điều kiện. Nhìn vào cơ cấu GDP tương đối ổn, nhưng cơ cấu kinh tế nền chưa vững chắc, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp", ông Ân nhận định. 

Theo ông, các cơ chế chính sách tốt, nhưng hay thay đổi khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển hướng không kịp. Do đó, nên chăng Chính phủ cần có chính sách ổn định, lâu dài. Hơn nữa, về việc điều hành nền kinh tế, Chính phủ đang can thiệp quá nhiều vào quá trình sản xuất kinh doanh. Chưa tạo cơ sở tự do, chủ động cho doanh nghiệp. 

“Hàng tháng, cứ 15 ngày ban chỉ đạo lại họp về giá dầu bàn về việc tăng, giảm. Tại sao không dùng quỹ bình ổn điều phối dài hạn, giá cả ổn định trong một thời gian nhất định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Đây là rào cản cho doanh nghiệp", ông Ân đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế thị trường nên để thị trường điều hành, Nhà nước chỉ nên điều hành gián tiếp, không nên can thiệp quá sâu vào thị trường. Nếu năm 2019 không đổi mới, thay đổi thì nền kinh tế khó phát triển. 

Doanh nghiệp trong nước cần trở thành động lực của nền kinh tế

Dự báo kinh tế 2019, theo ông Ân, mục tiêu của Quốc hội năm 2019 dự kiến kinh tế tăng trưởng từ 6,6 - 6,8% là con số khiêm tốn, song khá phù hợp để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng, tạo điều kiện ổn định trong cán cân kinh tế.

Nguyên nhân là do yếu tố tăng trưởng của 2017 - 2018 không ổn định, không bền vững vì phụ thuộc quá nhiều vào FDI và thị trường nước ngoài. Năm 2017 - 2018 xuất siêu tăng chủ yếu là do FDI, trong khi đó, thời gian tới Chính phủ đã dự báo sẽ nhập siêu. Khi doanh nghiệp trong nước tăng số lượng thì sản xuất trong nước sẽ được đẩy mạnh, dẫn đến nhập siêu.

Để hạn chế nhập siêu, chiến lược và kế hoạch phải ưu tiên doanh nghiệp trong nước sản xuất nguồn nguyên liệu. Tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm trong nước, tránh nhập khẩu ồ ạt. 

Trong đó có việc sử dụng nguồn lực nội lực hiện có như thuỷ sản, nông sản để chế biến xuất khẩu. Nhập siêu còn tính đến việc khi thịt lợn trong nước không đủ nhập thịt lợn từ nước ngoài về. Các sản phẩm nông sản nhập ở nước ngoài đều tính tổng vào giá trị nhập khẩu. Do đó, để giảm bớt để giảm số lượng nhập khẩu cần ưu tiên cho nhập mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Ân cũng cho rằng, nếu biết tận dụng các cơ hội để phát triển như Samsung ổn định sản xuất, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, nông nghiệp, dịch vụ giữ vững đà phát triển, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng với các đã ký đã ký và đi vào hoạt động, khai thác được thế mạnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 6,7 - 6,9%.

Nhìn chung, diện mạo bức tranh kinh tế năm 2019 đang trên đà phát triển tích cực. Giữ được mức tăng trưởng tốt. Vấn đề hiện nay là Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phát triển.

Các doanh nghiệp trong nước cần lớn mạnh trở thành động lực cơ bản để phát triển kinh tế. Việt Nam cần từng bước tự chủ sản xuất trong nước, không phụ thuộc vào FDI, bởi khi FDI rút ra khỏi Việt Nam, nền kinh tế sẽ có khoảng trống lớn trong sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh trước mắt khi sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu dựa vào FDI, Chính phủ cần đề cao vai trò của công nghiệp phụ trợ, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới này. Từ công nghiệp phụ trợ mới có đà để phát triển công nghiệp 4.0

Bởi khi chưa có nền tảng cơ sở sản xuất, chưa có công nghiệp phụ trợ thì 4.0 chỉ là lý thuyết. Đây cũng là hình thức đốt cháy giai đoạn, không có tích luỹ thì sẽ khó có thành công, ông Ân nhấn mạnh.