Từ loại hạt chỉ biết nướng ăn chơi đến ngôi vương thế giới

Nguyệt Hồng - 10:56, 18/02/2021

TheLEADERTháng 9/2020, ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã gửi đến nhiều người quyển sách có cái tựa đầy cảm xúc: “Thương quá! Điều ơi”. Ở tuổi 70, cùng các cộng sự thực hiện quyển sách, ông Thanh muốn gửi gắm cho các thế hệ tiếp theo về niềm tự hào và sự tri ân những bậc tiền nhân đã ghi lại lịch sử đầy thăng trầm của ngành điều và cũng chính họ đã cống hiến công sức, trí tuệ, tiền tài, thậm chí cả cuộc đời làm rạng danh hạt điều Việt Nam trên thế giới.

Từ loại hạt chỉ biết nướng ăn chơi đến ngôi vương thế giới
Chế biến hạt điều xuất khẩu ở Công ty Nhật Huy.

Theo ông Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa), nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ở tỉnh Phước Long (tỉnh cũ), năm 1956 – 1957, cây điều đã được trồng xen với cây mít, nhưng lúc điều kết trái thì dân chỉ biết ăn chơi.

Sau năm 1975, chính quyền có chính sách vận động định canh định cư, người dân trồng xen canh điều với khoai mì, bắp. Kỹ thuật chăm sóc chẳng có gì đặc biệt, phân bón không có, giống cũng không được tuyển chọn nhưng nhờ đất đai màu mỡ nên việc trồng điều vẫn diễn ra tốt đẹp. Năm 1977 – 1978, có một số doanh nghiệp mua điều.

Ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký Vinacas (người có công rất lớn trong việc khai phá, hình thành công nghệ chế biến điều Việt Nam), kể lại: Gợi mở ban đầu về con đường chinh phục thị trường thế giới cho hạt điều Việt Nam chính là ông Phạm Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Thủ tướng Chính phủ), người mà ông Lãng may mắn được mời đến gặp vào đầu năm 1983. Cùng dự buổi gặp hôm đó có ông Mười Phi (Giám đốc Sở Ngoại thương TP.HCM) và thư ký của ông Phạm Hùng.

Ông Phạm Hùng lấy thứ gì đó hình như rất quý ở trong sắc cốt của ông ra, rồi bảo: “Đây là hạt điều, ở xứ ta nhiều lắm, giờ dân chỉ biết nướng ăn, trái thì nấu canh chua…, không biết dùng vào việc gì. Nhưng ở bên Tây, người ta bán mắc lắm, mấy đứa mà chế biến xuất khẩu được thì quý lắm. Đất nước ta đang rất cần ngoại tệ mạnh, dân lại bán được hạt điều giá cao, đỡ lắm. Bác gửi mấy đứa túi mẫu này rồi nghiên cứu chế biến thử, khi nào thành công báo cáo bác sẽ có thưởng”.

Từ hạt chỉ biết nướng ăn chơi đến ngôi vị số 1
Bên cạnh xuất khẩu nhân điều, các doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu các sản phẩm hạt điều chế biến.

Ông Lãng không ngờ một trí thức người chế độ cũ như ông lại được tin tưởng trọng dụng, giao cho trọng trách lớn như thế. Ông nhận nhiệm vụ. 

Ông Phạm Hùng nói với người thư ký: “Từ nay nhóm của cậu Lãng có cần gì thì phải thu xếp cố gắng giúp đỡ để đất nước sớm xuất khẩu được hạt điều”.

Sau này ông Lãng mới biết rằng, trong chuyến công tác nước ngoài trước đó, ông Phạm Hùng có gặp ông Phương, một Việt kiều, đã có hệ thống bán lẻ khá lớn ở thủ đô Paris nước Pháp. 

Thấy ông Phương có bán hạt điều nhập từ Ấn Độ, vì Việt Nam chưa làm được hạt điều xuất khẩu, ông Phạm Hùng lặng đi và nói: “Bác về nước, sẽ vào TP.HCM bàn với lãnh đạo thành phố phải tìm cách chế biến xuất khẩu hạt điều, vì xứ mình hạt điều nhiều lắm, bán rẻ như cho, dân trồng điều khổ lắm”. Rồi ông Phạm Hùng đề nghị ông Phương giúp.

Sau này Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp giới thiệu ông Phương với ông Lãng. Ông Phương đã cùng với ông Lãng đến thư viện lục tìm tài liệu hạt điều mang về, nhờ ông Lãng là người biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên việc đọc dịch không khó khăn lắm.

Có tài liệu nghiên cứu, nhưng hợp tác với ai, tiền bạc lấy ở đâu để thực hiện? Ông Lãng đã tìm đến số trí thức được đào tạo từ nước ngoài và trong nước, đó là kỹ sư cơ khí - tiến sĩ kinh tế Trần Ngọc Mến, kỹ sư cơ khí Nguyễn Minh Sơn, kỹ sư sinh hóa Lê Công Thành. 

Lúc bấy giờ việc viết một đề án nhận tiền của nhà nước để nghiên cứu là rất khó, vả lại ông Lãng cũng không quen công việc ấy, cho nên ông đã bán căn nhà của mình ở số 89B Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM được 200 cây vàng để có tiền mua vật tư nghiên cứu chế tạo, sản xuất thử.

Công việc diễn ra trong suốt hơn một năm với rất nhiều khó khăn, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nhóm kỹ sư cố gắng mày mò nghiên cứu không kể ngày đêm. Họ hiểu rằng hạt điều có phần nhân là có giá trị kinh tế cao nhất và cần phải có phương pháp lấy nhân ra khỏi vỏ sao cho tỷ lệ vỡ thấp nhất, nhân lại không dính dầu vỏ, phải giữ nguyên được mùi vị, màu sắc đặc trưng của hạt điều.

Nhưng làm thế nào để cắt tách hạt, lấy nhân ra khỏi vỏ, xuất khẩu theo tiêu chuẩn nào? Ông Lãng tiếp tục hợp tác với các kỹ sư để chế tạo những máy cắt thủ công, nồi chao dầu điều, phòng sấy nhân, những con dao, bàn bóc vỏ lụa… 

Cho đến năm 1985, gần 5 tấn hạt điều nhân xuất khẩu đầu tiên của nhóm ông Lãng đã được thông quan tại cảng Sài Gòn, đích đến là thủ đô Paris nước Pháp. Người đặt hàng lô này là ông Phương.

Đến năm 1988 công nghệ chế biến điều xuất khẩu của ông Lãng đã thực sự hoàn chỉnh, những lô hàng liên tục được xuất khẩu qua Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật, Mỹ… 

Sau đó nhóm của ông Lãng đã chuyển giao công nghệ chế biến điều xuất khẩu cho các địa phương; và rồi các nhà máy chế biến điều đã phát triển rất mạnh ở Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Phú Yên…

Ông Bảy Thỏa cho biết, lúc đầu người nông dân chỉ quan tâm đến điều hạt to, trái nhiều, chứ đâu biết tỷ lệ nhân thu hồi ra sao. Sau này nhờ các nhà máy chế biến mà bà con trồng điều ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng hiểu phải tuyển chọn lại giống tốt. Đến nay, trong các giống điều ở Việt Nam, có những cây tỷ lệ nhân thu hồi lên đến 36 - 37%.

Từ hạt chỉ biết nướng ăn chơi đến ngôi vị số 1 1
Nhà máy chế biến hạt điều của Công ty Phúc An.

Ngôi vương của kẻ đến sau

Vào cuối năm 1990 ở Việt Nam đã có một nhà máy có công suất chế biến 150 tấn hạt/ngày là Công ty Vật tư tỉnh Phú Yên, tiền đề đi lên sản xuất lớn cho các doanh nghiệp làm ăn lớn khác sau này.

Nói đến công nghệ chế biến điều ở Việt Nam giúp cho việc xuất khẩu hạt điều có uy tín còn có ông Phạm Đình Thanh là người có tầm nhìn xa trông rộng, luôn thấy trước mối nguy cho ngành điều, luôn trăn trở với công nghệ chế biến điều khi mà ngành điều đã có nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến. Ông cho rằng nhập nguyên liệu từ châu Phi quá nhiều mà không kiểm soát được chất lượng thì chất lượng hạt điều nhân Việt Nam sẽ đi xuống. 

Chính những khuyến cáo đó sau này đã thức tỉnh các doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra chất lượng nguyên liệu nhập khẩu ngày càng tốt lên khi điều trong nước không đủ cho nhu cầu chế biến nhân điều xuất khẩu.

Ông Thanh còn là người khởi xướng công nghệ xử lý hạt bằng phương pháp hấp có thể khống chế được tỷ lệ nhân điều bể và đưa độ ẩm của nhân xuống dưới 5%. Điều quan trọng hơn là công nghệ hấp rất thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất lại thấp. Đến nay, có đến 90% nhà máy chế biến điều ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ hấp rất hiệu quả.

Có thể thấy với biết bao tâm lực của cả một cộng đồng ngành điều từ nông dân, các chuyên gia, kỹ sư đến doanh nghiệp cùng nhau khẳng định Việt Nam không chỉ trồng nhiều điều, mà còn làm chủ được công nghệ chế biến nhân điều, thừa khả năng chế biến hết hạt điều thu hoạch trong nước, lại được sự ủng hộ tinh thần tích cực từ Chính phủ và các bộ ngành, năm 1995, Việt Nam quyết tâm chấm dứt xuất khẩu hạt điều thô. 

Chính phủ chính thức có quyết định về việc phụ thu xuất khẩu hạt điều thô là 15%. Trên thị trường không còn sự chèn ép giá của các công ty xuất khẩu điều thô, các nhà máy chế biến không còn cảnh cạnh tranh khó khăn, có nguy cơ không đủ nguyên liệu để sản xuất để giải quyết việc làm cho người lao động và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Từ hạt chỉ biết nướng ăn chơi đến ngôi vị số 1 2
Khách hàng tìm hiểu hạt điều chế biến của doanh nghiệp.

Đánh giá so với cây khác như chè, cao su, cà phê,… có thể thấy cây điều được Nhà nước đầu tư khiêm tốn nhất nhưng có được chuỗi thành tích rất ấn tượng: năng suất điều vào loại cao của thế giới; sử dụng công nghệ chế biến máy móc thiết bị trong nước; kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 1999 - 2009 đã tăng trưởng 2 con số.

Ngày 7/5/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 120 về chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam. Theo đó, mục tiêu xuất khẩu đến năm 2015 là 100 ngàn tấn nhân, thì lúc đó nhiều người lại cho rằng “Ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời”. Thế mà, trên thực tế năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu trên 200 ngàn tấn nhân và trở thành quốc gia xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới.

Các doanh nghiệp tiếp tục cùng một số kỹ sư hoàn thiện công nghệ, thiết bị chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu, tiếp tục tạo nên kỳ tích trong ngành điều, góp phần chuyển hẳn sản xuất theo lối thủ công của một ngành hàng sang sản xuất cơ giới hóa, một phần tự động hóa.

Nhìn lại hơn 30 năm, ông Nguyễn Đức Thanh bồi hồi nhớ lại: vào 10 năm cuối thế kỷ 20, không một ai, kể cả những người lạc quan nhất dám nghĩ rằng chỉ 20 năm sau năng suất lao động trong khâu chế biến của ngành điều đã tăng trên 10 lần và Việt Nam từ một quốc gia chỉ biết xuất khẩu hạt điều thô, thì từ năm 2006 đã thành “cường quốc” chế biến xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới.

Năm 2013, ngành điều cán mốc xuất khẩu 2 tỷ USD; năm 2018 - 2020, kim ngạch vọt lên 3,2 - 3,5 tỷ USD. Ông Thanh đã gọi chuyện này là “Ngôi vương của kẻ đến sau” vì Việt Nam có lịch sử chế biến điều sau Brazil và Ấn Độ khá xa.

Chưa hết, hiện nay việc đẩy mạnh chế biến sâu nhiều sản phẩm càng làm gia tăng giá trị điều Việt Nam. Ngoài tiêu thụ hết sản lượng điều thô trong nước để đủ sản lượng điều nhân xuất khẩu, Việt Nam còn phải nhập thêm điều từ Campuchia, châu Phi để dùng vào chế biến sâu, doanh thu của dòng sản phẩm này đã lên tới cả tỷ USD mỗi năm.