Vì sao nhà đầu tư ngoại thăm Việt Nam nhưng rót tiền vào quốc gia khác?
Nguyễn Ánh
Chủ nhật, 05/05/2024 - 17:40
Nhà đầu tư ngoại đến thăm Việt Nam nhưng quyết định đầu tư ở quốc gia khác là chuyện hết sức bình thường, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.
“Việt Nam đang rất cố gắng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung nói tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây.
Thực hiện nỗ lực đó, công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh. Hơn một năm vừa qua, có nhiều đoàn doanh nghiệp lớn đã đến thăm Việt Nam, làm việc với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như một số địa phương để tìm hiểu môi trường, chính sách đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nước ngoài, sau chuyển thăm Việt Nam, dù đánh giá cao môi trường đầu tư nhưng lại quyết định rót vốn vào một quốc gia khác như Indonesia, Singapore hay Ấn Độ.
Theo Thứ trưởng, điều này là hết sức bình thường bởi các nhà đầu tư luôn cân nhắc và lựa chọn nhiều quốc gia khác nhau làm điểm đến đầu tư. Cụ thể, có ba yếu tố làm căn cứ cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định.
Thứ nhất, các yếu tố mang tính khách quan như diễn biến địa chính trị thế giới và khu vực, xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng, triển vọng tăng trưởng. Thứ hai, chiến lược của các nhà đầu tư và sự phù hợp của các điểm đến đối với chiến lược đầu tư, bao gồm khả năng triển khai dự án, các nguồn lực sẵn có.
Thứ ba, sự sẵn sàng của quốc gia nhận đầu tư, bao gồm thể chế chính sách, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Nói kỹ hơn về yếu tố thứ ba, Thứ trưởng Trung cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị những điều kiện để thu hút nhà đầu tư, bao gồm việc nghiên cứu cơ chế đặc thù nhằm ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn.
Riêng với ngành công nghiệp bán dẫn, đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư phục vụ ngành công nghệ quan trọng này đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ xem xét, dự kiến sẽ sớm được ban hành.
Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực bán dẫn, công nghệ cao cũng đã và đang được triển khai, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, Samsung, Intel…
Hạ tầng cũng là yếu tố được quan tâm đẩy mạnh. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, mới đây, Quy hoạch điện VIII được ban hành với mục đích đảm bảo cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất.
Mặt khác, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là sáng kiến lớn của Bộ Kế hoạch và đầu tư, cũng đang đi vào hoạt động, hứa hẹn tạo ra môi trường và những cơ chế vượt trội đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư quốc tế.
Những nỗ lực của Việt Nam đã được nhiều nhà đầu tư lớn ghi nhận, không chỉ trên lời nói mà còn là những hành động cụ thể, có thể kể đến như dự án của Marvell, Qualcomm, Synopsys, Amkor hay Intel.
Đối với những đối tác tiềm năng khác, dù chưa thực hiện dự án mới tại Việt Nam nhưng bước đầu cũng có những đánh giá khả quan về tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn, công nghệ cao toàn cầu.
Trong tương lai, khi các yếu tố thu hút vốn đầu tư chất lượng cao được hoàn thiện một cách bài bản hơn, chắc chắn Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận thêm nhiều dự án lớn từ đối tác quan trọng này.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Ndiavia Hoàng Nhân Huân đã đến thăm Việt Nam, làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng một số quan chức cấp cao khác.
Sau chuyến thăm này, Ndivia chưa đưa ra dự án cụ thể nào tại Việt Nam, trong khi quyết định đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu AI tại Indonesia. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn Dezan Shira&Associates, dự án này không tác động bất lợi đến triển vọng Ndivia đầu tư vào Việt Nam.
Gần đây, sự kiện CEO Apple Tim Cook đến thăm Việt Nam cũng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Sau đó, trong một cuộc trao đổi với tổng thống Indonesia, ông Tim Cook cho biết sẽ cân nhắc thiết lập cơ sở sản xuất tại quốc gia này.
Tuy nhiên, trên thực tế, Apple không sở hữu nhà máy mà sản xuất các sản phẩm thông qua nhiều nhà cung ứng. Kể từ năm 2020, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu về số lượng nhà cung ứng cho Apple tại khu vực Đông Nam Á, với sự góp mặt của những ông lớn như Luxshare, Foxconn hay Samsung.
Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, đánh giá về vị trí của Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và đề xuất những vấn đề Việt Nam cần ưu tiên trong thời gian tới để thu hút và giữ chân FDI.
Triển khai mạnh mẽ các giải pháp hướng đến phát triển bền vững là cơ hội để Việt Nam "lọc" các dự án FDI chất lượng cao và tăng tính kết nối giữa khu vực FDI với doanh nghiệp nội.
Đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế là các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường và dòng vốn FDI toàn cầu khiêm tốn., "cuộc chiến" thu hút vốn FDI ngày càng quyết liệt.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.