Xây dựng Hòa Bình không thanh lý được tài sản

Trần Anh - 18:55, 26/10/2023

TheLEADERSau khi bị kiểm toán từ chối hạch toán lợi nhuận bán vốn trong nửa đầu năm 2023, Công ty Xây dựng Hòa Bình đã nhận chuyển nhượng lại 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec.

Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo Công ty Xây dựng Hòa Bình cho biết, lợi nhuận 2023 của công ty dự kiến vẫn âm do chưa chuyển nhượng được Công ty TNHH MTV Máy xây dựng Matec. Nguyên nhân là đối tác mua lại gặp khó khăn về tài chính.

Trước đó, ngày 17/6, Hội đồng quản trị của Hòa Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Công ty Matec cho Ashita Group, tổng giá trị chuyển nhượng là 1.100 tỷ đồng. Việc bán công ty này nhằm bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh của Hòa Bình.

Bên cạnh đó, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP.HCM mua từ nhiều năm trước được định giá lại sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho công ty. Từ đó giúp công ty thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, các giao dịch này không thành công. Báo cáo kiểm toán 6 tháng năm 2023 ghi nhận, Hoà Bình đã chuyển từ lãi 103 tỷ đồng sang lỗ 711 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là kiểm toán giảm doanh thu tài chính 74 tỷ đồng do không chuyển nhượng được Công ty Matec và giảm 652 tỷ đồng từ việc không thanh lý được các tài sản khác.

Trước đó, trong báo cáo tự lập, Hòa Bình ghi nhận lợi nhuận thu được dựa trên giá trị hợp đồng được ký vào tháng 6/2023. Tuy nhiên phía đối tác mua lại đang điều chỉnh tiến độ chi trả, dẫn đến việc thanh toán bị chậm hơn, dự kiến công ty sẽ được thanh toán trong quý 3 và quý 4/2023.

Sau 6 tháng năm 2023, Hoà Bình tiếp tục khó khăn khi ghi nhận doanh thu đạt 3.460 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 711 tỷ đồng. Tổng lỗ luỹ kế của Hoà Bình hiện đã hơn 2.800 tỷ đồng, vượt qua vốn diều lệ.

Bên cạnh việc thanh lý tài sản, một hoạt động được Hòa Bình tập trung là thu hồi nợ thông qua các vụ kiện.

Ngày 13/10 vừa qua, công ty nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TPHCM. Theo đó, Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho Hòa Bình gần 162 tỷ đồng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện và buộc Công ty TNHH Vì khoa học thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Năm ngoái, công ty cũng đã thắng kiện và thu hồi được khoản nợ hơn 300 tỷ đồng từ tập đoàn FLC. Trong đó phần lớn khoản nợ được thanh toán bằng tiền, và một phần bằng bất động sản tại dự án FLC Sầm Sơn.

Hồi giữa năm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT cho biết trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa, tất cả các vụ đã được xử và Hòa Bình đều thắng kiện với số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách hơn 800 tỷ đồng, còn tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình là 1.223 tỷ đồng gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh…