Xuất khẩu vải thiều hứa hẹn nhiều thuận lợi

Hoàng Đông - 08:51, 24/05/2023

TheLEADERCông tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều Bắc Giang đến nay vẫn diễn ra thuận lợi, hứa hẹn một “vụ mùa vui” cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Xuất khẩu vải thiều hứa hẹn nhiều thuận lợi
Vải thiều đang bước vào mùa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Anh/TL

Vải thiều ở một số địa phương miền Bắc đang bước vào mùa thu hoạch, theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến hiện tại, công tác chuẩn bị cho xuất khẩu vải thiều đã được chuẩn bị tương đối chu toàn.

Đặc biệt, vào cuối tháng 5 này, thiết bị chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Mỹ sẽ về đến Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Như vậy, vải thiều xuất khẩu đi một số thị trường như Mỹ, Úc… sẽ được chuyển xuống Hà Nội để chiếu xạ thay vì phải đưa vào TP.HCM như trước đây.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cử chuyên gia giám sát trực tiếp các lô vải xuất khẩu sang thị trường này. Về phía thị trường Trung Quốc, công tác đảm bảo kỹ thuật xuất khẩu vải cũng như công tác đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng diễn ra thuận lợi.

Thời gian vừa qua, chính quyền tỉnh Bắc Giang tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương để hỗ trợ về thông tin thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường lớn, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ vải thiều với các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lớn tại các nước. Lãnh đạo tỉnh cũng trao đổi, phối hợp với Chi cục Kiểm dịch thực vật và các doanh nghiệp vận tải để đảm bảo các giải pháp thông quan, vận chuyển với chi phí ổn định.

Thực tế cho thấy, một vài năm trở lại đây, xuất khẩu vải thiều không ngừng có những bước khởi sắc. Quả vải không chỉ dừng chân ở Trung Quốc mà còn đi sang nhiều thị trường phát triển khác như Nhật Bản, Úc, châu Âu…

Vải thiều thường chín rộ trong thời gian tương đối ngắn, khoảng hơn 1 tháng, lại có sản lượng lớn nên công tác tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn. Trong nhiều năm, vải thiều luôn “góp mặt” trong nhóm các loại nông sản chờ “giải cứu”.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp công tác tiêu thụ, xuất khẩu vải thiểu trở nên suôn sẻ hơn chính là việc xóa bỏ tư duy “giải cứu”, một phương thức tiêu thụ tưởng chừng là nhân văn nhưng lại góp phần hạ giá nông sản, đồng thời không tạo ra được động lực để bà con thay đổi phương thức canh tác, hướng đến nông sản ngon hơn, sạch hơn, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

Năm 2021, vụ thu hoạch vải rơi đúng vào giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, dẫn đến nhiều hạn chế trong giao thương, vận tải. Khi người dân cả nước đang “chờ” để giải cứu vải thiều, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã gửi công văn tới nhiều cơ quan thông tấn báo chí, đề nghị không sử dụng từ “giải cứu”.

Thay vào đó, chính quyền tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đồng bộ hóa kế hoạch sản xuất và tiêu thụ. Về tổ chức sản xuất, đối với những nông hộ đăng ký xuất khẩu hoặc đăng ký sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, cán bộ khuyến nông địa phương hỗ trợ, hướng dẫn bà con thực hành ghi chép lại quá trình chăm bẵm cho cây, trồng cây vải không xen với cây khác, không chăn nuôi trong khu vực…

Thực tế cho thấy, bên cạnh công tác thị trường thì canh tác tốt, quy trình đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm là yếu tố mang tính tiên quyết để đảm bảo đầu ra xuất khẩu của không chỉ vải thiều mà còn nhiều loại nông sản khác của Việt Nam.

Một số loại nông sản đã thoát khỏi cảnh phải “giải cứu” do biến động trên thị trường quốc tế nhờ xâm nhập được vào những thị trường tiên tiến. Đơn cử như vào năm 2017, hàng nghìn tấn chuối tươi Đồng Nai không bán được do Trung Quốc giảm nhu cầu, còn chuối Long An của doanh nghiệp Huy Long An, nhờ đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, vẫn xuất khẩu tốt sang Nhật Bản.