Phó chủ tịch EuroCham: Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong khuôn khổ EVFTA

Đặng Hoa - 08:00, 02/01/2018

TheLEADERViệc giải quyết các vấn đề liên quan đến khung pháp lý và môi trường kinh doanh sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho quá trình tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là một trong những Hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà Liên minh châu Âu (EU) từng ký kết với một quốc gia đang phát triển.

Sau khi hiệp định đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu). Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với dân số hơn 90 triệu người.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thông qua EVFTA có thể giúp bổ sung khoảng 2,5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2020 và 4,6% vào 2025. Tuy nhiên, để có thể đạt được kỳ vọng, Việt Nam sẽ phải có những nỗ lực rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong khuôn khổ EVFTA, đặc biệt là các vấn đề về khung pháp lý và môi trường đầu tư.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU trong ASEAN, chỉ xếp sau Malaysia và Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 ước tính khoảng 41 tỷ euro.

Phó chủ tịch EuroCham: Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong khuôn khổ EVFTA
Ông Gellert Horvath, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Ông Gellert Horvath, đồng chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết hiện nay, hai bên đang nỗ lực thúc đẩy và hoàn thiện EVFTA, hy vọng sớm đi đến ký kết và phê chuẩn vào giữa năm sau.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam?

Ông Gellert Horvath: Không chỉ Việt Nam mà đối với hầu hết các nước trên thế giới, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) từ lâu đã là động lực chính cho cải cách kinh tế và là công cụ hiệu quả nhất để thúc đẩy thương mại và đầu tư. Kinh nghiệm cho thấy các FTA có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của các nước thành viên nhờ ưu tiên đảm bảo thương mại/dịch vụ và đầu tư dài hạn để phát triển thành công và bền vững.

Đó là lý do tại sao kể từ khi bắt đầu mở cửa, Việt Nam luôn đẩy mạnh hội nhập thông qua ký kết FTA với các đối tác thương mại lớn; đây được xem là một chiến lược nhất quán và hiệu quả. Bên cạnh hợp tác mạnh mẽ cùng các nước ASEAN xây dựng và duy trì một khu vực thương mại cạnh tranh lành mạnh, Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại với nhiều đối tác lớn khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.

Và tất nhiên không thể không kể đến EVFTA, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên liên minh châu Âu (EU).

Quá trình chuẩn bị cho EVFTA đã được tiến hành đến giai đoạn nào thưa ông?

Ông Gellert Horvath: Dự kiến EVFTA sẽ được ký kết và đưa vào thực thi từ giữa năm 2018. EuroCham đã luôn rất tích cực trong quá trình thúc đẩy EVFTA. Chúng tôi đã tổ chức các buổi hội thảo và các cuộc gặp tại Việt Nam trong vài năm qua để thúc đẩy thỏa thuận, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các phái đoàn EU làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, EuroCham cũng đã được mời đến làm việc tại Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu về EVFTA. Chúng tôi đã tham gia vào đoàn làm việc chính thức của Việt Nam do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đoàn tại Brussels vào ngày 18/9/2017 nhằm thúc đẩy đàm phán và ký kết EVFTA.

Tuy nhiên, việc phê chuẩn hiệp định này không phải dễ dàng vì cần được quốc hội của tất cả các nước thành viên EU thông qua. Trong phiên họp điều trần sắp tới của INTA, các thành viên EU sẽ cùng thảo luận các vấn đề xung quanh.

Theo ông trong quá trình chuẩn bị và thực hiện tốt EVFTA, Việt Nam và EU cần phải làm gì?

Ông Gellert Horvath: Để quá trình chuẩn bị và thực hiện được diễn ra suôn sẻ, theo tôi cần tận dụng được tối đa những cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và EU. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU hiện nay là sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, may mặc, cà phê, hải sản và các sản phẩm từ gỗ. 

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy được tiềm năng rất lớn của các sản phẩm từ thiên nhiên như rau quả (thanh long, gạo, trà xanh và cà phê), hạt tiêu, mây tre đan và cao su.

Trong khuôn khổ EVFTA, nhiều sản phẩm của Việt Nam mang chỉ dẫn địa lý sẽ được công nhận và cam kết bảo hộ, giúp bảo vệ, đẩy mạnh sản xuất đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng của Việt Nam như như chè Mộc Châu, cà phê Buôn Mê Thuật, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng và hạt dẻ Trùng Khánh. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm cao cấp khác như gốm sứ, đá quý, kim loại và sản phẩm chức năng.

Tuy nhiên tôi cho rằng xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Do đó, cần có các chính sách để mở cửa thị trường hơn nữa, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và thuỷ sản; dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ; Năng lượng và tăng trưởng xanh; ô tô và xe máy; máy móc và thiết bị gia dụng; may mặc và giày dép; rượu và sản phẩm công nghệ cao và các sản phẩm thông minh khác.

Cùng với sự nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, những cơ hội EVFTA mang lại sẽ giúp thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của các lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam.

Cụ thể các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ được hưởng lợi như thế nào, thưa ông?

Ông Gellert Horvath: Thứ nhất về lĩnh vực y tế và dược phẩm, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất và xuất khẩu dược phẩm của ASEAN trong tương lai. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi một môi trường minh bạch hơn, cần có sự lồng ghép và thực hiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ đồng thời các hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần phải rõ ràng hơn.

Thứ hai, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trở thành nhà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản hàng đầu thế giới với các sản phẩm như hoa quả, ca cao, cà phê, hạt điều, sắn và vải thiều. Tuy nhiên Việt Nam sẽ phải giải quyết được các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm mà chứng tôi đã nêu ra trong Sách Trắng cũng như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. 

Nếu có thể làm được điều đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng và rủi ro, quy trình vệ sinh và an toàn cũng như truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu các nguồn năng lượng trong nước, bao gồm sinh khối, gió, mặt trời và khí tự nhiên ngoài khơi với lộ trình thích hợp để thu hút đầu tư và thiết lập nền tảng để xây dựng các ngành công nghệ cao như pin và pin mặt trời.

Ngoài ra ngành giao thông vận tải sẽ đóng vai trò then chốt cho các hoạt động xuất nhập khẩu cũng như trong quá trình trở thành trung tâm vận tải trong khu vực của Việt Nam.

Trên đây chỉ là một số ví dụ cho những lợi ích mà Việt Nam có thể đạt được từ EVFTA. Bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế, EVFTA còn mang lại các giá trị to lớn khác cho Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

Liệu có những thách thức nào Việt Nam phải đối mặt khi tham gia vào EVFTA?

Ông Gellert Horvath: Để Việt Nam và các nước liên minh châu Âu có thể tận dụng hết được các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại nói chung và EVFTA nói riêng, Việt Nam cần phải giải quyết được một số các thách thức liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các quốc gia trong liên minh châu Âu hiện đang áp dụng một quy trình nhập khẩu chung cho các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam và Việt Nam cũng cần phải áp dụng một thủ tục nhập khẩu chung cho các sản phẩm xuất xứ từ các nước thành viên EU. 

Quy trình này phải được thực hiện ngay từ khi EVFTA được thông qua; do đó, các Bộ, ngành và các cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ để tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết; EuroCham và các thành viên đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Trong khuôn khổ của cuộc đối thoại về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng này. Nếu không xử lý kịp thời, uy tín cũng như mục tiêu phát triển bền vững của ngành xuất khẩu cá của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phê chuẩn EVFTA.

Hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) vẫn đang bị hạn chế, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu. Trong lĩnh vực dược phẩm, chúng tôi thừa nhận Việt Nam bảo lưu thành công quyền phân phối dược phẩm tại tất cả các hiệp định song phương và đa phương được ký kết. Tuy nhiên việc mở rộng định nghĩa “phân phối” có thể sẽ giết chết các FIE cung cấp dịch vụ kho bãi và vận tải.

Do đó, chúng tôi đề xuất tạo ra một mô hình FIE khả thi và một khung pháp lý rõ ràng để các công ty dược phẩm đa quốc gia có thể thành lập pháp nhân tại Việt Nam với các quyền liên quan để kinh doanh hiệu quả và tận dụng tối đa nguồn lực kinh tế bằng việc duy trì các quyền của các văn phòng đại diện cũng như quyền của các doanh nghiệp nước ngoài đã được cấp phép cung cấp dịch vụ kho bãi, vận tải và các dịch vụ liên quan tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất gỡ bỏ hoàn toàn yêu cầu thử nghiệm lâm sàng trong nước đối với thuốc, sinh phẩm và vắc-xin được phê duyệt bởi cơ quan quốc tế, đồng thời tối ưu hóa quy trình đăng ký thuốc.

Việt Nam cũng cần có những điều chỉnh trong Bộ luật Lao động của mình để phù hợp với các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) như công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức; phù hợp với các cam kết trong EVFTA, đặc biệt là cam kết về việc cho phép người lao động được thành lập tổ chức của người lao động ở tại doanh nghiệp.

Ngành công nghiệp rượu vang và rượu mạnh của châu Âu bị ảnh hưởng rất lớn từ các thay đổi về thuế tiêu thụ đặc biệt. Gánh nặng thuế gia tăng sẽ làm ảnh hưởng đến giá bán lẻ của các sản phẩm rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu, làm giảm sức mua của người tiêu dùng Việt. Chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả trái phép, ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Tôi tin rằng việc giải quyết các vấn đề trên sẽ mang lại một tín hiệu mạnh mẽ và tích cực cho quá trình đàm phán và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên liên minh châu Âu, đặc biệt là EVFTA.

Xin cảm ơn ông!