Xuất hiện cửa hàng không cần nhân viên bán hàng ở TP. HCM

Quỳnh Như - 18:30, 04/12/2017

TheLEADERSau khi mở cửa hàng tiện lợi tự động đầu tiên tại Việt Nam, Kootoro dường như đang có tham vọng chen chân vào lĩnh vực thanh toán điện tử bằng 'ví tiết kiệm' Toro.

Xuất hiện cửa hàng không cần nhân viên bán hàng ở TP. HCM
Bên trong cửa hàng tiện lợi tự động Toromart. Ảnh: QN

Nếu như ở Trung Quốc có 'gã khổng lồ' Alibaba có quán cafe không nhân viên hay công ty BingoBox có chuỗi 200 cửa hàng không nhân viên thì ở Việt Nam, một công ty khởi nghiệp là Kootoro Service đã khai trương cửa hàng tiện lợi tự động đầu tiên tại Q.1, TP. HCM hồi giữa tháng 11.

Mua hàng bằng cách nào?

Cửa hàng tiện lợi tự động Toromart hoạt động trên nền tảng tương tự như sự kết hợp giữa cổng thanh toán Momo với Circle K hay Payoo với Vinmart. Các khách hàng thay vì dùng tiền mặt thì nộp tiền vào cổng thanh toán điện tử Toro, mỗi tài khoản Toro tương ứng với một mã (code) khác nhau và khách hàng sẽ dùng mã đó để mua hàng. 

Sau khi có mã, khách hàng đến máy ấn chọn mặt hàng, chọn số lượng, áp mã vào “mắt thần”, lấy hàng ở phía dưới máy. Nội dung giao dịch sẽ được hiển thị ngay lập tức trên ứng dụng (app) được tích hợp trên điện thoại.

Ban lãnh đạo của Kootoro vẫn chưa tiết lộ bất cứ thông tin gì về kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới mà muốn công bố chính thức vào buổi họp báo giữa tháng 12. Thế nên, tất cả những con số về số cửa hàng trong tương lai đều là .. đồn đoán.

Tuy nhiên, Kootoro đang có vẻ tự tin khuếch trương hoạt động kinh doanh của mình, mặc dù chiến trường cửa hàng tiện lợi hiện đang vô cùng khốc liệt, dựa trên ba trụ cột. 

Đầu tiên, khi nạp tiền – từ ngân hàng hay trực tiếp, khách hàng đều được tặng thêm 10%. Nếu khách nộp 100.000 đồng sẽ được cộng thêm 10.000 đồng. Đây là phúc lợi mà không cửa hàng tiện lợi nào hiện tại ở Việt Nam có được.

Thứ hai, giá cả tại cửa hàng Toromart gần như tương đương với Circle K hay Vinmart. Thậm chí có một số mặt hàng thực phẩm ăn liền còn rẻ hơn, ví dụ hộp snack hiệu Slide loại nhỏ, Toromart bán 29.000 đồng trong khi Vinmart bán 33.000 đồng. 

Ngược lại, phần hàng tiêu dùng như dầu gội, Toromart bán mắc hơn một chút, dầu gọi Pantine loại nhỏ họ bán 42.000 đồng, Vinmart bán 40.200 đồng, Circle K bán 40.000 đồng.

Thứ ba, nhiều khách hàng cho biết cảm thấy thoải mái khi đến Toromart và ngồi lâu vì cửa hàng không có nhân viên, nên họ sẽ không cảm thấy ngại hoặc khó chịu khi phải nhìn mặt ai đó.

Thật ra, hiện tại, cửa hàng Toromart trên đường Mạc Thị Bưởi không phải không có nhân viên. Vẫn có một nhân viên ngồi tại quầy tiếp tân để hướng dẫn khách hàng cách tải ứng dụng cũng như nộp tiền từ ngân hàng hay tiền mặt hoặc hướng dẫn cách mua hàng. 

Trong tương lai, khi khách hàng đã hoàn toàn quen với phương thức mua hàng mới này, có lẽ Toromart không cần có nhân viên ngồi tại cửa hàng. Hiện tại, ứng dụng Toro đã có trên cửa hàng của iOS và Android.

Chen chân vào lĩnh vực thanh toán điện tử

Trên trang web chính thức của Kootoro giới thiệu: Công ty Kootoro được thành lập và đặt trụ sở chính tại Mỹ vào năm 2013 và chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2015. 

Nhưng khi chúng tôi hỏi nhân viên cửa hàng rằng: “Tại Mỹ công ty có bao nhiêu máy hay cửa hàng?”, họ đều trả lời không biết và không được phép trả lời những vấn đề như thế này.

Thêm nữa, phải đến tháng 7/2017, nhiều người Việt mới biết đến Kootoro khi họ đặt vài máy bán hàng tự động tại Tòa soạn báo Phụ nữ tại Quận 2 và sau đó, vào đầu tháng 11/2017, Kootoro đặt thêm hai máy bán hàng tự động thanh toán bằng code nữa tại Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Kootoro dường như đang có tham vọng chen chân vào lĩnh vực thanh toán online với cổng thanh toán điện tử được họ gọi là “ví tiết kiệm” Toro. 

Hiện công ty này đã liên kết với rất nhiều đối tác khác nhau trong rất nhiều lĩnh vực như gym, spa, nhà hàng, phòng khám, quán cà phê, nha khoa, game, thời trang (giày, áo quần), sân khấu, studio như Trung Nguyên, Kiz World, Đan Châu, Brodard Bakery, Orient Skincare & Laser Center, Đen Đá, Hoa Lúa Rice.