5 rào cản cho kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 08:30, 15/12/2021

TheLEADERNền kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi ích đáng kể về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, quá trình thiết lập nền kinh tế tuần hoàn đang vấp phải nhiều rào cản.

5 rào cản cho kinh tế tuần hoàn
Có 5 rào cản chính đặt ra đối với nền kinh tế tuần hoàn.

Nền kinh tế tuần hoàn lý tưởng được miêu tả là mô hình kinh tế không tạo ra chất thải, khi sử dụng những sản phẩm thải bỏ làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất khác hoặc thu hồi năng lượng.

Thực tế, nguyên vật liệu thứ cấp hoàn toàn có khả năng thay thế các loại nguyên vật liệu truyền thống. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn cũng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể trong dài hạn.

Tuy nhiên, theo GS. Mayuri Wijayasundara, chuyên gia đến từ Đại học Deakin, hiện nay có 5 thách thức lớn nhất đối với việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đầu tiên, sự nhiễm bẩn hoặc biến chất của sản phẩm sau khi sử dụng. Qua quá trình sử dụng, những sản phẩm có thể không còn giữ được tiêu chuẩn chất lượng của những nguyên liệu thô điển hình, ví dụ như nhựa phế liệu nếu lẫn với các loại vật liệu khác sẽ khiến chất lượng tái chế suy giảm.

Bà Wijayasundara nhận định, để hạn chế hiện tượng nói trên, ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm cần xác định mục tiêu hướng tới việc tái chế, từ đó thay đổi hướng thiết kế sao cho thuận tiện nhất với hoạt động tái chế.

Một số doanh nghiệp đang nỗ lực thiết lập nền kinh tế tuần hoàn theo hướng này, có thể kể đến như một số doanh nghiệp Coca Cola, La Vie, Pepsico... là thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã đổi từ chai nhựa màu sang chai nhựa trong suốt, loại bỏ màng co nắp chai...

Thứ hai, duy trì nguồn cung nguyên vật liệu thứ cấp là một rào cản lớn, đặc biệt đối với những quốc gia có tỷ lệ thu gom và phân loại rác thải tại nguồn thấp.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom, tái chế, một số quốc gia đang triển khai công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), theo đó đặt yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu hồi lại sản phẩm sau khi sử dụng. Việt Nam cũng đã đưa công cụ EPR vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, dự kiến có hiệu lực từ năm 2022.

Thứ ba, yêu cầu thay đổi quy trình sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu thứ cấp, vì những nguyên liệu thứ cấp mang đặc tính có phần khác so với nguyên vật liệu truyền thống.

Các doanh nghiệp muốn tận dụng nguyên liệu thứ cấp vào sản xuất cần phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới, máy móc trang thiết bị mới. Việc này đòi hỏi một lượng vốn tương đối cao.

Thứ tư là nhu cầu của thị trường. Dù nhiều khảo sát cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm bền vững, tuy nhiên việc tung ra sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu tái chế vẫn là một nước đi cần được tính toán cẩn trọng.

E ngại về thị trường là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa chuyển đổi dây chuyền sản xuất theo hướng tận dụng nguyên vật liệu thứ cấp, hoặc không mở rộng quy mô để đạt mức đem lại lợi nhuận kinh tế

Cuối cùng, yêu cầu phải điều chỉnh quy trình đã được tiêu chuẩn hóa trong một thời gian dài. Tận dụng các nguyên vật liệu thứ cấp có thể sẽ phá vỡ những quy trình đã được tối ưu này.

Theo bà Wijayasundara, ở các doanh nghiệp, chỉ số đánh giá KPI cho nhân sự thường hạn chế việc thay đổi những quy trình sản xuất, đặc biệt ở những công ty lâu đời. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cần phải thay đổi nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn.

Đối diện với những cản trở to lớn, mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn là hướng đi mang tính tất yếu, đặc biệt khi nền kinh tế đang phải đối mặt với vấn nạn khủng hoảng rác thải và tiêu chuẩn tiêu dùng ngày càng đề cao tính bền vững.

Bà Wijayasundara cho biết, có nhiều giải pháp cho mỗi vấn đề kể trên, tuy nhiên có một mẫu số chung nằm ở việc tạo, quản lý và trao đổi dữ liệu một cách minh bạch và có chất lượng cao.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp có một cơ chế hợp tác chung, có thể là hợp tác trong nội bộ ngành, ví dụ như Liên minh Pin toàn cầu, PRO Việt Nam...

Một giải pháp khác là đưa ra những tiêu chuẩn và quy định chung cho các doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, một số doanh nghiệp cho biết rất sẵn sàng thay đổi thiết kế sản phẩm, đầu tư dây chuyền sản xuất, tuy nhiên không dám triển khai vì “mỗi mình mình làm thì làm sao cạnh tranh được”.

Đây chính là mắt xích cần có sự can thiệp của chính sách. Ông Vượng cho biết, nếu đặt ra những quy định chung, bắt buộc các doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện. Thực tế, doanh nghiệp không ngại những thay đổi theo hướng tuần hoàn, bền vững, vì các doanh nghiệp có tầm nhìn xa đều hiểu được giá trị to lớn mà yếu tố bền vững có thể đem lại trong dài hạn.