8 trung tâm đầu mối thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp miền Tây

Phạm Sơn - 15:13, 09/07/2023

TheLEADERPhát triển 8 trung tâm dầu mối về nông nghiệp đến năm 2025 là một trong những nhiệm vụ đặt ra tại kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định 816/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo kế hoạch, chuyển đổi nông nghiệp vùng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn sau năm 2030, chủ yếu ở vùng sinh thái mặn – lợ và vùng chuyển tiếp ngọt – lợ.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, kế hoạch đề ra cần tập trung hoàn thiện các hệ thống công trình thủy lợi theo hướng từ ngoài vào trong, từ vùng ven biển mặn – lợ đến vùng chuyển tiếp ở khu vực giữa đồng bằng. Song song với đó, triển khai các cơ chế chính sách và chương trình hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp.

Chuỗi giá trị đóng vai trò then chốt để chuyển đổi nông nghiệp đạt hiệu quả. Theo kế hoạch, đến năm 2025, miền Tây sẽ phát triển thành công 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Các trung tâm này được đặt tại những nơi có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước.

Trong đó, trung tâm đầu mối tổng hợp được đặt tại thành phố Cần Thơ, liên kết chặt chẽ với dịch vụ logistics ở Hậu Giang để bổ trợ, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt, với các nông sản chính bao gồm thủy sản nước ngọt, trái cây và lúa gạo. 

Ba trung tâm ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng sinh thái mặn – lợ, đảm nhiệm vai trò đầu mối chế biến, phân phối thủy sản. Vùng sinh thái chuyển tiếp ngọt – lợ có 2 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang và Bến Tre cho các loại trái cây và rau màu.

Đến năm 2030 sẽ hoàn thiện xây dựng các trung tâm đầu mối gắn với tiến trình xây dựng hạ tầng giao thông và thủy lợi; đồng thời phát triển các thị trấn nông nghiệp – công nghiệp, hệ thống đô thị để liên kết với các trung tâm đầu mối, hỗ trợ trung tâm đầu mối trong việc đào tạo, chuyển giao thông nghệ, đẩy mạnh thương mại, cung cấp logistics, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản.