Băn khoăn cơ chế xác định giá đất

An Chi - 08:59, 27/02/2023

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác định giá đất để đảm bảo tính đồng bộ, khách quan và thuận lợi cho công tác triển khai, thực hiện.

Băn khoăn cơ chế xác định giá đất
Việc xác định giá đất phổ biến rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức tại TP. Bắc Ninh, 16 địa phương phía Bắc đã tham gia góp ý cụ thể về một số vấn đề được nhiều tổ chức và nhân dân quan tâm về xác định giá đất, thu hồi đất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho rằng, việc xác định giá đất phổ biến là thách thức không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 153 Dự thảo Luật Đất đai: "Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác".

Tuy nhiên, thực tế việc xác định giá đất phổ biến rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường (một số khu vực không phát sinh giao dịch, chuyển nhượng. 

Do đó, ông Dũng đề nghị không quy định khoản này tại Luật Đất đai mà quy định tại nghị định, thông tư kèm theo hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Vẫn băn khoăn cơ chế xác định giá đất
Ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định

Ngoài ra, đại diện của tỉnh Nam Định cũng đề nghị xem xét trong quá trình xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn sau khi Luật đất đai được ban hành cần quy định rõ để xác định tiêu chí, mức điều chỉnh tỉ lệ % do các yếu tố khác biệt của các tài sản so sánh với tài sản cần định giá, cần có quy định chung cụ thể.

Dự thảo luật cũng cần hướng dẫn quy định chi tiết chỉ tiêu trong xác định giá đất cụ thể như tiến độ bán hàng, tỉ lệ quảng cáo bán hàng, lợi nhuận của nhà đầu tư có tính đến yếu tố rủi ro trong kinh doanh, chi phi xây dựng (có được tính theo quyết định suất đầu tư của Bộ xây dựng ban hành hàng năm hay không)..... để đảm bảo tính đồng bộ, khách quan trong công tác định giá đất.

Theo quy định hiện hành khi xác định giá đất cụ thể theo phương pháp thặng dư được hướng dẫn tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT thì việc ước tính tổng chi phí phát triển được xác định trên cơ sở căn cứ vào định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. 

Tuy nhiên, thực khi áp dụng định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì các đơn giá, định mức không có phạm vi áp dụng để xác định giá đất cụ thể. Ví dụ, suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng xây dựng và ban hành hàng năm thì không có phạm vi áp dụng cho mục đích này. Do đó, ông Dũng đề nghị khi ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cần quy định cụ thể những đơn giá, định mức được áp dụng cho mục đích xác định giá đất cụ thể.

Cũng nêu ý kiến về việc định giá đất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng, mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải thích về nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, nhưng trên thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. 

Theo đó, việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường để phục vụ công tác xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn do không có cơ sở xác nhận tính trung thực của người cung cấp thông tin về giá đất. Việc áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương.

Bà Hoa đề nghị, cơ quan soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu quy định cụ thể và có định lượng về các nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để có thể lượng hóa như thế nào là giá đất xuất hiện với tần suất nhiều nhất, xuất hiện trong khoảng thời gian nhất định là trong bao lâu.

Trước đó, Điều 113 Luật Đất đai (2013) quy định Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng. Một số địa phương đề nghị cho phép ban hành bảng giá đất vượt khung giá, có địa phương đề nghị bỏ khung giá đất.

Nhằm hoàn thiện cơ chế định giá đất, Bộ Tài nguyên và môi trường đề xuất bỏ quy định khung giá đất; sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc định giá đất, Bảng giá đất, giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành; bổ sung quy định về cơ quan định giá đất cấp tỉnh.

Để thực hiện đề xuất trên, cần phải thay đổi chính sách về giá đất và sẽ phát sinh một số thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện thực hiện, trình tự thủ tục thực hiện việc xác định giá đất. Tuy nhiên, nếu làm tốt điều này sẽ giúp cho địa phương chủ động trong việc ban hành bảng giá đất; khắc phục được các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo việc định giá công khai, minh bạch, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế việc khiếu nại liên quan đến giá đất.