Leader talk
Bình dân học vụ số
Bình dân học vụ số cần sự kiên trì và nỗ lực, bởi lẽ chỉ khi không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam mới có thể vươn lên trong kỷ nguyên số.
Già làng số, nông dân số
Nằm cách Cột cờ Lũng Cú khoảng 1km, thôn Lô Lô Chải là nơi sinh sống của cộng đồng người Lô Lô, chiếm hơn 90% dân số. Từ một thôn nghèo thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Lô Lô Chải nay đã “thay da đổi thịt” nhờ khai thác hiệu quả công nghệ số để phát triển du lịch thông minh.
Hiện nay, thôn Lô Lô Chải có 11 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tất cả các hộ kinh doanh trên địa bàn đã cài đặt và sử dụng dịch vụ VneID để hỗ trợ công tác khai báo khách lưu trú. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã chủ động quảng bá và bán phòng qua các nền tảng mạng xã hội như Agoda, Booking, Facebook, Zalo... Nhờ vậy, thôn đã thu hút hơn 53.000 lượt khách du lịch đến tham quan.
Anh Sình Dỉ Gai, người dân tộc Lô Lô, Trưởng thôn Lô Lô Chải, được mệnh danh là “già làng số”. Anh là người đầu tiên trong thôn khởi xướng làm du lịch và đưa Internet về phục vụ cho hoạt động này. Từ thành công của anh Gai, ngày càng có nhiều bà con trong thôn học hỏi và làm theo.
Anh Gai cũng là thành viên tổ công nghệ số cộng đồng trong thôn, hướng dẫn và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bà con về lợi ích của chuyển đổi số. Mong muốn của anh là tiếp cận thêm nhiều ứng dụng công nghệ số trong du lịch, các dịch vụ du lịch thông minh, tích hợp, kết nối thêm các nền tảng thanh toán để quảng bá thương hiệu du lịch Lô Lô Chải.
Trong khi đó, tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hàng loạt cửa hàng bán hoa quả vẫn nhộn nhịp nhân viên đóng gói hàng để gửi cho khách giữa trưa nắng. Thi thoảng lại vang lên tiếng chào khán giả và tiếng chốt đơn trên kênh livestream.
“Cách đây vài năm, cứ tầm giữa trưa là đóng cửa tiệm để nghỉ ngơi. Còn bây giờ, đây là khung giờ nhiều khán giả xem live nên mình phải tranh thủ bán hàng”, ông Nguyễn Văn Tư, chủ một nhà vườn sầu riêng nói.
Ông Tư theo nghề trồng sầu riêng hơn 10 năm nay nhưng chủ yếu bán qua thương lái. Tuy nhiên khoảng một năm qua, sau khi được bạn bè hướng dẫn, ông cùng vợ đã bắt đầu bán hàng qua TikTok và Facebook. Đều đặn hằng ngày, ông Tư cùng vợ lại dùng hai chiếc điện thoại phát trực tiếp vào giữa trưa để bán hàng.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết hiện chưa có thống kê chính xác số lượng nông dân áp dụng hình thức bán hàng qua mạng nhưng ông khẳng định số lượng rất lớn và không ngừng tăng lên.
Trước xu hướng đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các buổi tập huấn cho người dân bán hàng qua mạng. “Bên cạnh việc hướng dẫn người dân trong cách bán hàng qua mạng, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân phải chú trọng nâng cao chất lượng để giữ thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Như vậy mới làm ăn bền vững và lâu dài được”, ông Nghị nói.
Anh Gai học làm du lịch số hay ông Tư học livestream bán sầu riêng là hai trong số rất nhiều những câu chuyện gợi nhớ về phong trào bình dân học vụ năm 1945, khi cả nước từng chung tay xóa mù chữ để khai sáng tri thức, và giờ đây là xóa mù kỹ năng số trong kỷ nguyên mới.
Gần 80 năm trước, ngày 3/9/1945, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu việc cấp bách, chống nạn mù chữ xếp thứ hai, chỉ sau nạn đói. Bác nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ.”
Ít ngày sau đó, Chính phủ ra liền ba sắc lệnh, lập Nha Bình dân học vụ, đề ra hạn trong sáu tháng, làng và thị trấn nào cũng phải có “ít ra là một lớp bình dân” và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc. Phong trào “bình dân học vụ” ngày đó có tính bước ngoặt về mở mang dân trí cho đất nước ta.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, GS, TS. Phạm Tất Dong, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, người dân hiện nay cần “xóa mù kỹ năng số”. Chuyển đổi số hiện gắn liền với mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giao thông... nên theo ông Dong, xóa mù số quan trọng như xóa mù chữ trước kia.
Trung tâm của chuyển đổi số
Trong kỷ nguyên số, công nghệ đang len lỏi vào mọi mặt đời sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận và làm chủ những tiến bộ này. Bình dân học vụ số đang trở thành nhu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bước vào hành trình chuyển đổi số toàn diện.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế; khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.
Theo đó, Việt Nam xác định chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số giúp người dân giàu hơn. Xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.
Cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định một quan điểm rất cốt lõi, để đảm bảo thành công của chương trình, đó là: “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”.
Chương trình cũng xác định một nhiệm vụ hàng đầu là “chuyển đổi nhận thức” cho cán bộ lãnh đạo các cấp cho đến mọi tầng lớp nhân dân. Chuyển đổi số giờ đây như một “cuộc cách mạng” về cả thể chế quản lý đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực và mọi địa phương, về cả phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh để có năng suất và hiệu quả cao vượt trội, về cả những thói quen ứng xử mới của người với người, để tồn tại và phát triển, hội nhập trong một thế giới mở, biến động hết sức nhanh và phức tạp.
Tại buổi gặp gỡ đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp 20/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu ngành giáo dục phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Bộ Chính trị đã bàn thảo và sẽ ban hành nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công nghị quyết này, yêu cầu cần nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân.
Cô Tạ Thị Vui, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Vân Canh ở Hà Nội nhận thấy, yêu cầu giáo dục kỹ năng số cho lứa tuổi học sinh đang ngày càng phổ biến không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam.
Cô Vui đưa ra biện pháp đổi mới hoạt động chuyển đổi số tại nhà trường, tạo môi trường giáo dục số, hình thành kĩ năng công dân số cho học sinh. Trường đã xây dựng môi trường giáo dục số bằng những lớp học mở để tạo nền tảng giao tiếp gần gũi giữa giáo viên và học sinh, tăng sự liên kết gia đình và nhà trường.
Việc hình thành kỹ năng công dân số ở nhà trường được triển khai với hai giải pháp là xây dựng diễn đàn giáo dục trên môi trường số và tổ chức lớp học kết nối nhằm giúp học sinh hòa mình học tập một cách tự nhiên trên môi trường số.
Cô Vui xây dựng kênh diễn đàn trên website của nhà trường. Giáo viên với tư cách là quản trị sử dụng các công cụ để trao đổi, kết nối với phụ huynh, học sinh về các nội dung, nhiệm vụ học tập.
Ở bậc học cao hơn, Đại học Bách khoa Hà Nội đang thực hiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lí, đào tạo và hỗ trợ người học. Hai sản phẩm số của Trung tâm Công nghệ và kinh tế số được triển khai ứng dụng gồm hệ thống chữ ký số nội bộ và hệ thống xác thực bằng cấp ứng dụng công nghệ blockchain.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, đơn vị này cũng gặp phải một số thách thức và khó khăn như tâm lý ngại thay đổi khi một số giáo viên lo lắng về vấn đề công nghệ thay thế hệ thống giáo dục truyền thống và ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Chưa nhiều giáo viên có hiểu biết toàn diện về cách sử dụng các công cụ và giải pháp kỹ thuật số trong hoạt động dạy và học. Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, thách thức lớn nhất của ngành giáo dục là đổi mới, vượt lên chính mình như một sự lột xác để phát triển. “Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng nói.
Tương lai số cho người Việt
Phong trào bình dân học vụ số không bắt đầu từ những ý tưởng mơ hồ mà từ nhu cầu thực tế của xã hội. Tại Việt Nam, nhiều sáng kiến đã được triển khai từ cả chính phủ lẫn doanh nghiệp, từng bước tạo ra những thay đổi rõ rệt.
Từ năm 2022, Bộ Thông tin và truyền thông đã khởi xướng chương trình “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng”, một dự án đầy tham vọng nhằm đưa kỹ năng số cơ bản đến mọi tầng lớp dân cư. Những lớp học online và offline được tổ chức tại các làng quê, giúp người dân làm quen với việc sử dụng thiết bị di động để tra cứu thông tin, thực hiện giao dịch hoặc khai thác các dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, hầu hết xã, phường trên cả nước đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 93.524 tổ cấp thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với gần 457.820 thành viên, hình thành mạng lưới rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Đề án 06 ra đời với mục tiêu cụ thể hơn, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua các thiết bị di động. Những bài học đơn giản như cách đăng ký hồ sơ trực tuyến hay thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt dần trở thành công cụ quen thuộc, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.
Các doanh nghiệp lớn như FPT và Viettel cũng tham gia mạnh mẽ vào phong trào này. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT từng chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy, người nông dân và tiểu thương nếu được trang bị kỹ năng số cơ bản sẽ có cơ hội vươn xa hơn rất nhiều trong kinh doanh”. Chính vì thế, các chương trình đào tạo kỹ năng số cho tiểu thương và nông dân đã được triển khai, mang lại những thay đổi tích cực.
Những ứng dụng quen thuộc như Zalo hay MoMo cũng góp phần không nhỏ. Đội ngũ phát triển của MoMo chia sẻ rằng, tính năng hướng dẫn chi tiết dành riêng cho người dùng lần đầu, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, đã giúp hàng triệu người dân thay đổi thói quen. Giờ đây, việc thanh toán qua ứng dụng hay chuyển khoản không còn là điều xa lạ với nhiều tiểu thương tại các chợ quê.
Tại Cần Thơ, một sáng thứ bảy, không khí tại lớp học “làng công nghệ” rộn ràng hơn bao giờ hết. Hơn 30 người nông dân, từ trẻ đến già, tập trung để học cách sử dụng điện thoại thông minh. Người hướng dẫn nhiệt tình chỉ từng thao tác: cách tải ứng dụng, cách chụp ảnh sản phẩm, và cách đăng bài bán hàng. Chỉ sau một tháng, nhiều người trong số họ đã thành thạo việc bán nông sản qua mạng, tiếp cận được những khách hàng ở tận TP. HCM hoặc Hà Nội.
Những mô hình như thế đã được áp dụng thành công tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nơi mà nông dân không chỉ biết cách sử dụng công nghệ mà còn bắt đầu nhận ra giá trị thực sự của nó. Ông Trần Quốc Tuấn, một nông hộ tại Bắc Giang, chia sẻ: “Chúng tôi không ngờ việc biết cách sử dụng công nghệ lại có thể giúp nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh và hiệu quả đến vậy. Giá bán cũng cao hơn nhiều so với trước.”
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đạt được thành công tương tự. Tại các vùng sâu, vùng xa, thách thức vẫn còn rất lớn. Một trong những trở ngại lớn nhất là “cơ sở hạ tầng công nghệ”. Mạng internet chưa ổn định, thiếu các thiết bị hỗ trợ và khoảng cách địa lý khiến việc triển khai các lớp học gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tâm lý e ngại của người lớn tuổi cũng là một rào cản. “Chúng tôi muốn học, nhưng thấy phức tạp”, bà Hồng, 65 tuổi ở một vùng quê Thanh Hóa bộc bạch. Những bài giảng thân thiện, gần gũi hơn là điều mà các sáng kiến cần tập trung cải thiện. Nhìn chung, để phong trào bình dân học vụ số không chỉ dừng lại ở những điểm sáng lẻ tẻ, cần có sự chung tay của cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trước hết, cần đẩy mạnh mô hình “hợp tác công - tư”. Chính quyền địa phương có thể phối hợp với các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, VNPT để mở thêm nhiều lớp đào tạo miễn phí. Những lớp học này nên tập trung vào các kỹ năng thiết thực như sử dụng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý tài chính cá nhân và khai thác các dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Phát triển mạng 5G và lắp đặt các điểm wifi công cộng tại các khu vực khó khăn sẽ tạo điều kiện để người dân tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng hơn.
Phương pháp tiếp cận cũng cần sáng tạo và linh hoạt hơn. Các trung tâm cộng đồng, nhà văn hóa có thể trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức lớp học quy mô lớn. Truyền thông xã hội, với sự lan tỏa mạnh mẽ của Facebook, YouTube hay Zalo có thể được tận dụng để quảng bá và tổ chức các buổi hướng dẫn trực tuyến.
Có thể nói, phong trào bình dân học vụ số tại Việt Nam không chỉ là câu chuyện về việc học cách sử dụng một chiếc điện thoại hay một ứng dụng mà là hành trình trao quyền, giúp người dân làm chủ công nghệ, mở ra cánh cửa tham gia vào nền kinh tế số.
Những thành công bước đầu, dù nhỏ, đã cho thấy tiềm năng to lớn của phong trào này. Nhưng để thực sự đưa mọi người dân, từ bà Hồng ở Thanh Hóa, đến ông Tuấn ở Bắc Giang bước qua cánh cửa số, cần sự kiên trì và nỗ lực không ngừng. Bởi lẽ, chỉ khi không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam mới có thể vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Câu hỏi lớn cần trả lời để chuyển đổi số thành công
Những người hùng thầm lặng trong hành trình chuyển đổi số
Câu chuyện chuyển đổi số xuất hiện trong từng giao dịch, con số, từng phút giây trải nghiệm của khách hàng VietinBank.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đột phá trong khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
Tăng chi cho nghiên cứu và phát triển lên 2% GDP nhằm tạo đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nỗi lo bị tụt lại phía sau trong thời chuyển đổi số
Không chỉ là câu chuyện của các ông lớn công nghệ, đổi mới và chuyển đổi số giờ đây đã trở thành bài toán sống còn đối với mọi doanh nghiệp, bất kể quy mô.
Du lịch cần đột phá
Biến du lịch thực sự trở thành một trong ba “cỗ máy kiếm tiền” và đưa Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới.
Giữ lửa cải cách
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và những điểm nghẽn cần tiếp tục tháo gỡ.
Động lực mới
Khơi thông thể chế sẽ huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực cho tăng trưởng.
Việt Nam có phải là một ngôi sao đang lên?
Việt Nam cần phải vượt ra ngoài cái gọi là “con rồng kinh tế”, vì nếu là một “con rồng kinh tế” thôi sẽ không đủ để vượt qua thách thức lớn nhất phải đối mặt, đó là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thời khắc bùng nổ
Cải cách đột phá có thể giúp các yếu tố thuận lợi đồng loạt hội tụ, hứa hẹn mở ra khả năng tạo nên bước nhảy vọt về vị thế quốc gia và hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Bình dân học vụ số
Bình dân học vụ số cần sự kiên trì và nỗ lực, bởi lẽ chỉ khi không ai bị bỏ lại phía sau, Việt Nam mới có thể vươn lên trong kỷ nguyên số.
Thái Bình vươn mình ra biển
“Quê lúa” đang quyết tâm vươn mình bằng chiến lược lấn biển táo bạo để mở rộng không gian phát triển mới, đặt mục tiêu biến công nghiệp trở thành trụ cột tăng trưởng, tạo đột phá trong hành trình chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành trung tâm công nghiệp hiện đại.
Tinh hoa thêu tay Minh Lãng
Giữa dòng chảy thời gian và sự thay đổi không ngừng của xã hội, nghề thêu tay Minh Lãng, với những tinh hoa và kỹ thuật truyền thống, vẫn kiên trì tồn tại và phát triển, giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc qua từng đường kim, mũi chỉ.
Cuộc cách mạng thầm lặng
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ không chỉ tạo ra những sáng chế “triệu đô” trong ngành công nghệ in ấn của thế giới, mà còn là một trong những doanh nhân tiên phong trong việc đưa công nghệ cao vào nông nghiệp tại Việt Nam.
Du lịch cần đột phá
Biến du lịch thực sự trở thành một trong ba “cỗ máy kiếm tiền” và đưa Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới.
Vươn mình từ sức mạnh nội sinh
Tinh thần dân tộc cùng khát vọng vươn lên đang trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, đưa con tàu Việt Nam tiến nhanh trên hành trình chinh phục đích thịnh vượng.
Đi tìm hương vị cà phê đặc sản
Nỗi băn khoăn về vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới, cùng câu hỏi làm sao nâng cao giá trị hạt cà phê đang dần tìm được lời giải.