Các yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa

Kiều Mai - 17:01, 26/07/2023

TheLEADERTheo đại diện UNDP, giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đòi hỏi sự công nhận với những lao động phi chính thức, cơ chế tài chính sáng tạo, và sự hợp tác của các bên liên quan.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, tại Hội thảo Hợp tác khu vực hướng tới Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa mới đây, đã nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.

Điều thứ nhất là công nhận, hỗ trợ, và tăng cường đóng góp của những người lao động xử lý chất thải phi chính thức vào hệ thống quản lý chất thải, và xem xét cách Hiệp ước toàn cầu có thể xây dựng dựa trên những đóng góp này.

Bà đánh giá, lao động phi chính thức ở các quốc gia thành viên Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng trong quản lý chất thải. Phụ nữ và nam giới trong nhóm lao động phi chính thức này thường là những anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.

Các yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Thứ hai, việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đầy đủ, đặc biệt là thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo, để đảm bảo các nỗ lực được hỗ trợ đầy đủ, từ đó tạo ra những biến đổi trên thực tế.

Cùng với đó, bà Ramla Khalidi cũng nhấn mạnh vai trò nòng cốt của việc hợp tác trong giải quyết ô nhiễm nhựa đang gia tăng, và khuyến nghị các bên liên quan – các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, đối tác phát triển và cá nhân – tham gia.

Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã được xác định là những nước đóng góp đáng kể vào việc rò rỉ chất thải nhựa trên đất liền ra biển, khiến việc thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và khu vực biển Đông trở nên cấp thiết.

Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam (VASI), cho biết, là quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Đối tác Quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA), Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tham gia đàm phán xây dựng thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Thông qua việc chung tay xây dựng thoả thuận, Việt Nam cùng với các quốc gia sẽ thể hiện tinh thần gắn kết, cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa.

Theo Phó đại sứ Na Uy, bà Mette Moglestue, điều quan trọng với hiệp ước là các bên tham gia phải cùng thống nhất về các biện pháp khác nhau cho toàn bộ vòng đời của nhựa, từ sản xuất, thiết kế tới quản lý chất thải.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, là hiệp ước phải đặt ra những nghĩa vụ có tính ràng buộc về pháp lý, để góp phần giảm thiểu hiệu quả tình trạng ô nhiễm nhựa.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm ngoái chỉ ra rằng phần lớn chất thải nhựa làm ô nhiễm sông và biển ở Việt Nam là đồ nhựa dùng một lần, có giá trị thấp như túi nilon, hộp đựng thực phẩm và ống hút.

Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam, và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương mỗi năm. Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam cho biết lượng nhựa rò rỉ ra sông và biển có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, nếu quy trình thu gom, tái chế và xử lý chất thải như hiện nay không được cải thiện.

Ngân hàng Thế giới đề xuất, cần có cách tiếp cận theo từng giai đoạn để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa, bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng và thu phí, và cuối cùng là cấm sử dụng.

Tổ chức này cũng lưu ý rằng, cần đảm bảo tham vấn và phối hợp hiệu quả giữa ba nhóm liên quan chính, trong đó có nhóm bị ảnh hưởng. Nhóm này bao gồm các đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc thực thi các biện pháp và/hoặc có thể đóng góp vào việc thực hiện các biện pháp một cách hiệu quả. Ví dụ có thể kể đến là các nền tảng đồ ăn trực tuyến, nhà hàng và các cơ sở tương tự, người bán hàng rong, khách sạn và các doanh nghiệp khác hoạt động trong các khu du lịch, cũng như các đơn vị bán lẻ sử dụng bao bì và túi nhựa để bán sản phẩm của mình.

Nhóm này cũng bao gồm các bên liên quan trong chuỗi giá trị chịu trách nhiệm nhập khẩu và sản xuất các sản phẩm nhựa.