Câu chuyện xanh của du lịch Hội An

Phạm Sơn - 08:00, 23/01/2023

TheLEADERTỉnh giấc sau giấc “ngủ đông” Covid-19, du lịch Hội An đang phục hồi với một hình hài mới: du lịch tuần hoàn, bền vững và gắn với cộng đồng.

Câu chuyện xanh của du lịch Hội An
Hội An

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Cua đá là loài cua khỏe, ham vận động, có kích thước khá to, thịt thơm và chắc, là sản vật quý được trời phú cho Cù Lao Chàm, thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Trong ký ức của nhiều người con Cù Lao Chàm, vào thời xưa, khi du lịch chưa bùng nổ, loài cua đá nhiều vô kể, đến độ nửa đêm người dân còn nghe tiếng cua bò lên mái tôn nghe sột soạt. Kích thước của chúng, vào thời ấy, cũng to hơn bây giờ rất nhiều.

Những con cua đá ít dần đi, cũng là lúc rác thải từ hoạt động du lịch tăng lên đột biến. Tính đến thời điểm trước khi dịch Covid-19 ập đến, lượng rác thải phát sinh tại Hội An đã chạm tới con số 100 tấn mỗi ngày, con số quá lớn so với một thành phố chỉ vỏn vẹn hơn 60km2.

Cua đá ít đi, rác thải tăng lên, rồi hình ảnh những dòng nước thải, những đống rác ngổn ngang cuối ngày, dường như phản ánh một thực trạng không thể trốn tránh của Cù Lao Chàm, của Hội An và cả của ngành du lịch nói chung. Đó là những tác động khủng khiếp của hoạt động du lịch tới thiên nhiên và cộng đồng.

Đây cũng chính là nỗi lo của hàng vạn người dân Hội An. Nổi lên như một điểm đến hàng đầu với 2 di sản cấp quốc tế, Hội An bùng nổ về du lịch, tạo ra sinh kế, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân nhưng cũng đang bào mòn những gì đặc trưng, tinh túy nhất thuộc về nơi họ được sinh ra, lớn lên và đang sinh sống.

Câu chuyện xanh của du lịch Hội An
Du lịch Hội An đang phục hồi với một hình hài mới

Giải pháp từ cộng đồng

Nhiều năm nay, người dân Cù Lao Chàm nói riêng và người dân Hội An nói chung vẫn kể về hình ảnh một người đàn ông ngày ngày miệt mài trên những dẻo đường ngoằn nghèo đầy nắng và gió. Đó là một cán bộ của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, được mọi người gọi với biệt danh “tiến sĩ cua đá”.

Vị tiến sĩ ấy đã dành trọn hàng chục năm để tuyên truyền, phổ biến cho người dân cách khai thác cua đá, cũng như con tôm, con mực sao cho bền vững, duy trì được nguồn lợi vô giá này. Ông chỉ bà con cách khai thác theo mùa, theo khu để tránh cạn kiệt thủy sản, nói với bà con giá trị to lớn mà du lịch sinh thái đem lại.

Không chỉ vậy, “tiến sĩ cua đá” Chu Mạnh Trinh còn hướng dẫn cách phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần. Sau gần 20 năm miệt mài, từ sự phản ứng gay gắt của cư dân, đến nay Cù Lao Chàm đã trở thành hình mẫu của một điểm đến bền vững, một tấm gương điển hình cho việc phân loại rác tại nguồn và đánh bắt thủy sản có trách nhiệm.

Mô hình giảm thiểu rác thải tại Cù Lao Chàm, với sự tiên phong của ông Trinh cùng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, không chỉ chứng tỏ hiệu quả mà còn truyền cảm hứng cho những hoạt động hướng tới du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Từ đó, nhiều giải pháp xuất phát từ chính người dân và doanh nghiệp cũng được triển khai, tạo ra hiệu quả không chỉ giảm tác động tiêu cực tới môi trường, văn hóa mà còn tạo ra một “trải nghiệm xanh” cho du khách.

Đến với Hội An, trải nghiệm xanh của du khách bắt đầu ngay tại nơi lưu trú. Hầu như mọi khách sạn ở Hội An đều duy trì những thực hành bền vững như hạn chế túi nylon, đồ nhựa dùng một lần, phân loại rác tại nguồn, ủ phân compost từ rác hữu cơ… Đối với các homestay nhỏ, du khách cũng được khuyến khích tiết kiệm điện, nước, hạn chế xả rác và sử dụng xe đạp, xe điện để di chuyển.

Câu chuyện xanh của du lịch Hội An 1
Tiệm nước Mót

Dọc khu phố cổ, nhiều nhà hàng, tiệm trà, cà phê được mở để phục vụ du khách. Tiệm trà Mót, thuộc danh sách “phải ghé thăm” khi đến Hội An, giờ đây đã cho khách hàng lựa chọn ly làm bằng ống tre, có thể tái sử dụng nhiều lần, bên cạnh những chiếc ly giấy thông thường.

Rời tiệm Mót, đi bộ quá lên một đoạn là nhà hàng Vĩnh Hưng, cũng là điểm khám phá ẩm thực nổi tiếng ở Hội An. Từ tháng 9 vừa qua, nhà hàng này đã chuyển sang sử dụng những chiếc ly làm từ inox thay thế cho ly nhựa dùng một lần. Chiếc ly được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng cũng hòa hợp một cách lạ thường trên nền phố Hội.

Tiệm nước Mót và nhà hàng Vĩnh Hưng là 2 trong số 5 đơn vị tham gia chương trình thí điểm mô hình đặt cọc – hoàn trả tại Hội An, với sự đồng hành của chính quyền địa phương cùng các đối tác trong và ngoài nước. Chương trình đặt ra tầm nhìn, mỗi du khách ghé thăm Hội An, rảo bước trên phố cổ, trên tay không còn những chiếc ly, cốc dùng một lần, nhìn qua có vẻ tiện lợi nhưng lại gây ra hiểm họa không nhỏ tới môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều tour du lịch tại Hội An cũng được thiết kế hướng đến giá trị bền vững, tiêu biểu phải kể đến tour du lịch chèo thuyền kayak trên sông Hoài của công ty Hội An Kayak. Xuất phát từ ý tưởng của một người Bắc vào Hội An lập nghiệp, tour du lịch này đặc biệt ở sự ngược đời khi không tìm nơi sạch đẹp mà lại dẫn du khách đi khắp dòng sông tìm… rác để vớt. Vừa giảm rác thải trôi trên sông, vừa giúp nâng cao ý thức.

Hay như một điểm đến nổi tiếng khác tại Hội An là vườn rau Thanh Đông, được mệnh danh là “nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ miền Trung”. Với diện tích chừng khoảng 1 héc ta, vườn rau Thanh Đông được canh tác bởi 10 nông hộ, chủ yếu thông qua hình thức luân canh, xen canh, hoàn toàn không sử dụng chế phẩm hóa học.

Không chỉ cung cấp rau sạch cho Hội An, vườn rau Thanh Đông còn là nơi để du khách trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ, hòa mình với thiên nhiên và với đời sống nông thôn.

Bên cạnh những điểm đến đa cảnh sắc, những món quà lưu niệm như khăn lụa, áo dài cũng là nét đặc trưng riêng của Hội An. Từ những vụn vải thừa là phụ phẩm của đồ may mặc thủ công, những người phụ nữ khuyết tật ở Hội An đã sáng tạo thành đồ handmade là những chiếc khẩu trang, túi xách, đế lót ly…, được bày bán tại cửa tiệm mang tên Hạnh phúc.

Với sản phẩm bền lại mang tính độc nhất, cửa tiệm Hạnh phúc nhận được sự quan tâm rất lớn từ du khách nước ngoài. Phòng Tài nguyên và môi trường Hội An cho biết, đã có một doanh nghiệp Nhật Bản ngỏ ý đặt hàng lâu dài các sản phẩm tái chế handmade của Hội An làm quà tặng cho nhân viên và đối tác.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường TP. Hội An, bí quyết để tạo ra những trải nghiệm du lịch xanh hiệu quả và ý nghĩa, xuất phát từ chính màu xanh đã được lan tỏa trong đời sống của người dân phố Hội.

Cụ thể, từ năm 2014, mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên Cù Lao Chàm đã được nhân rộng ra toàn Hội An, đến nay vẫn được duy trì và ngày càng được nâng cao hiệu quả. Đây cũng là một trong những mô hình phân loại rác tại nguồn hiếm hoi còn duy trì hoạt động sau một khoảng thời gian dài.

Tiếp nối kết quả tích cực của mô hình phân loại rác tại nguồn, nhiều chương trình, dự án tiếp tục được triển khai, có thể kể đến như sáng kiến “ngôi nhà xanh” dưới sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và tổ chức GreenHub. Rác tái chế được phân loại, bỏ vào những “ngôi nhà xanh” đặt ở khắp thành phố Hội An, được bán lấy tiền bổ sung vào quỹ cho các hoạt động dành cho phụ nữ hay chương trình thiện nguyện.

Hội An cũng là một trong số ít địa phương tiên phong đưa khái niệm “kinh tế tuần hoàn”, đưa những kỹ năng sống xanh như phân loại rác, tái sử dụng rác… vào chương trình giáo dục phổ thông. “Ở Hội An, học sinh cấp 2 đã biết thế nào là tuần hoàn rác”, ông Sơn cho biết.

Câu chuyện xanh của du lịch Hội An 2
Đến với Hội An, trải nghiệm xanh của du khách bắt đầu ngay tại nơi lưu trú.

Đồng hành từ chính sách

Năm 2022, du lịch bùng nổ trở lại sau thời gian dài “ngủ đông”, Quảng Nam cũng được chọn làm điểm đăng cai Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam – Điểm đến xanh”. Đây là cơ hội tốt để đưa Hội An thực sự trở thành cái tên tiên phong trong du lịch bền vững và có trách nhiệm.

Ngay từ cuối năm 2021, hướng tới phục hồi bền vững ngành du lịch, chính quyền TP. Hội An đã phối hợp với các đối tác ký kết Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An – điểm đến xanh giai đoạn 2021 – 2023, thu hút sự tham gia của 37 doanh nghiệp là các đơn vị nghỉ dưỡng, lưu trú trên địa bàn thành phố.

Ông Vương Đình Mạnh, Tổng giám đốc La Siesta Hội An, cho biết, triển khai những hành động giảm rác thải, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua Khung kế hoạch không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp khu lưu trú tiết giảm chi phí, rất phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng từ Covid-19.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh, được xây dựng dưới sự hỗ trợ, tư vấn từ Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP). Là đại diện một trong những doanh nghiệp đầu tiên cam kết thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam, bà Ngô Kim Anh, Giám đốc khách sạn ÊMM Hội An (tập đoàn Thiên Minh), cho biết, thông qua hỗ trợ từ Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, chính quyền Hội An cũng như SSTP, ÊMM Hội An cũng như nhiều khách sạn khác mới thực sự thấu hiểu nội hàm “du lịch xanh”, từ đó nâng tầm trải nghiệm xanh trong cung ứng dịch vụ một cách thực chất và ý nghĩa hơn nữa.

Hội An cũng đang trình phê duyệt đề án xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch. Dự kiến đề án sẽ được thông qua vào năm 2023, mở ra cơ chế thu hút thêm nguồn lực hỗ trợ Hội An phát triển du lịch xanh.

Một điều đặc biệt, theo ông Sơn, là các chính sách hướng đến du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường ở Hội An luôn nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ doanh nghiệp và người dân.

Điều này xuất phát từ tầm nhìn chung giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân là phát triển du lịch theo hướng xanh, tuần hoàn để vừa tạo ra đa giá trị, vừa gìn giữ vẻ đẹp Hội An.

Câu chuyện xanh của du lịch Hội An 3
Cù Lao Chàm

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết, những quyết định, chính sách của thành phố lấy “nguyên liệu” từ chính những mô hình bền vững đầy sáng tạo của cộng đồng.

“Chúng tôi không áp đặt chỉ tiêu, không “duy ý chí”, phần vì người dân và doanh nghiệp đã có ý thức, phần vì tạo không gian cho những chuyển đổi trong tư duy, từ đó mới tạo ra được kết quả bền vững”, cán bộ Phòng Tài nguyên và môi trường TP. Hội An nói.

Sứ mệnh bền vững

“Ở Hội An, từ người nông dân, ngư dân, hay đến cả mấy con trâu cũng làm du lịch”, ông Nguyễn Sơn Thủy, PCT HH du lịch tỉnh Quảng Nam nói với TheLEADER.

Du lịch là điều sống còn đối với Hội An. Qua dịch Covid-19, Hội An càng thấm thía được điều sống còn ấy. Đại dịch qua đi, Hội An hiểu được sứ mệnh là phải làm du lịch một cách tốt, tốt hơn nữa.

“Du lịch tốt” đối với Hội An là một điều thuận lợi, bởi nơi đây có sẵn nền tảng là những làng nghề truyền thống, những con phố giữ trọn nét xưa, là thiên nhiên tươi đẹp, con người mến khách, là những nỗ lực gìn giữ bản sắc Hội An của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những nền tảng ấy cũng là thách thức để làm sao du lịch Hội An trở nên “tốt hơn nữa”.

Lời giải cho bài toán ấy, theo ông Thủy, nằm ở việc tái định vị du lịch trong mắt du khách. “Phải làm sao để Hội An không chỉ là điểm đến để “ăn chơi nhảy múa”, để mặc sức vui chơi, không quan tâm gì đến cộng đồng và môi trường mà mỗi du khách đến đây phải thấu hiểu trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp Hội An, gìn giữ di sản của thế giới”, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam nói.

Để làm được điều này, chính quyền cũng như những người làm du lịch cần phải tiếp tục tiên phong, thể hiện qua việc khẳng định thái độ tôn trọng di sản và cương quyết với những hành vi du lịch và cung ứng dịch vụ du lịch không có tính xây dựng.

Chỉn chu, nghiêm túc trong thái độ phục vụ du lịch không phải là sự đánh đổi, chấp nhận thu gọn tệp du khách, bởi những người làm du lịch như ông Thủy hay những người con xứ Quảng như ông Sơn, vẫn tin tưởng rằng, ai đến với Hội An, chắc hẳn cũng đã có phần nào yêu mảnh đất, yêu con người nơi đây.

Làm được điều ấy, Hội An mới thực sự trở thành một điểm đến cao cấp đúng nghĩa. Một điểm đến với sức hấp dẫn độc đáo và vẻ đẹp trường tồn.