Sứ mệnh của Hội An

Phạm Sơn - 10:21, 18/10/2022

TheLEADERĐối với Hội An, du lịch bền vững, nhân văn là một sứ mệnh, vừa để bảo toàn sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế địa phương, vừa là một tấm gương để các địa phương khác được truyền cảm hứng và học hỏi kinh nghiệm.

Sứ mệnh của Hội An
Du lịch Hội An có nét độc đáo khó có thể tìm thấy ở nơi khác.

Được Hội An chào đón bằng nụ cười tươi rói cùng cung cách lịch sự của bác tài xế taxi đứng tuổi nhưng phải đến lần bắt taxi thứ 3, phóng viên mới nhận ra được, dường như có một điều gì đó khác biệt so với nhiều điểm đến du lịch.

Không chỉ tài xế taxi mà dường như tất cả cư dân Hội An, từ người chủ homestay, người phục vụ quán cà phê, cho tới bà cụ bán vé số, đều dành một nụ cười trìu mến, một cử chỉ lịch thiệp tới những vị khách ghé thăm thành phố lâu đời này.

Sự thân thiện ấy hòa quyện một cách hoàn hảo với vẻ đẹp yên bình, cổ kính phố Hội, toát lên một vẻ dung dị đặc trưng người miền Trung nhưng cũng không kém phần tinh tế và chuyên nghiệp. Cả thành phố Hội An dường như hòa vào trong một chỉnh thể đồng bộ, tạo ra trải nghiệm du lịch chạm đến trái tim mà du khách khó có thể tìm thấy ở nơi khác, kể cả những điểm đến hàng đầu thế giới.

Bắt đầu đón những du khách đầu tiên kể từ những năm đầu thập niên 1990, đến nay, người dân Hội An đã có đến trên dưới 30 năm sống với du lịch. Trong suốt 30 năm đó, nét độc đáo của du lịch Hội An được hình thành, đó là du lịch gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư bản địa.

“90% sinh kế của người dân Hội An gắn liền với du lịch, kể cả nông nghiệp, sản xuất cũng phần nhiều phục vụ cho du lịch”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương, nói với TheLEADER.

Du lịch không chỉ đem lại sinh kế mà còn là cơ hội làm giàu cho người dân Hội An. Với diện tích chỉ hơn 60 km2, Hội An sở hữu đến 2 điểm đến được Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di sản thế giới, đó là Phố cổ Hội An, được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999 và Cù Lao Chàm, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2019.

Sứ mệnh của Hội An 1
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương

Nhờ đó, du khách đến với Hội An hầu như tăng đều qua các năm, chỉ bị gián đoạn khi dịch Covid-19 ập đến. Trước thời điểm đại dịch, vào năm 2019, Hội An đón khoảng 5,4 triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước, một con số khổng lồ so với thành phố nhỏ bé, có dân số chưa đến 100 nghìn người.

Thách thức và sứ mệnh

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường TP. Hội An, cho biết, du lịch khởi sắc cũng là lúc chính quyền, doanh nghiệp và người dân nơi đây thấp thỏm nỗi lo. Lo Hội An nhỏ bé không đủ sức để tiếp đón lượng du khách khổng lồ, lo môi trường xuống cấp, bản sắc văn hóa truyền thống bị mai một.

May mắn là trước những nỗi niềm trăn trở đó, Hội An đã làm rất tốt. Trong khi nhiều điểm đến khác cũng được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh sắc tươi đẹp, cũng phong phú về văn hóa nhưng ngày càng xuống cấp do chạy theo giá trị ngắn hạn, phố Hội vẫn giữ được bản sắc riêng, vẫn định vị là một điểm đến du lịch cao cấp hàng đầu Việt Nam, một điểm du lịch “sạch” cả về môi trường lẫn văn hóa.

Bên cạnh phố cổ Hội An và Cù Lao Chàm, nhiều điểm du lịch khác ở Hội An cũng được khai thác một cách bền vững, gắn liền với cộng đồng, có thể kể đến như làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu…, đem lại trải nghiệm độc đáo và đa dạng cho du khách.

Thành tựu đó là cả một sự nỗ lực của thành phố, từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp và mỗi người dân. Là sự bền bỉ của vị “tiến sĩ cua đá” Chu Mạnh Trinh ròng rã hàng năm trời dạy ngư dân Cù Lao Chàm cách khai thác cua đá bền vững, là sự cần mẫn gửi vào từng sản phẩm thủ công tái chế của những người phụ nữ khuyết tật tại cửa tiệm Hạnh Phúc. Là tinh thần làm dịch vụ tận tâm, chuyên nghiệp của từng người dân cho đến bao trùm hơn là những hoạt động, chính sách hướng tới du lịch đa giá trị, du lịch có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền thành phố.

Nhờ vậy, không ngạc nhiên khi du khách đổ dồn về Hội An để thỏa mãn cơn “cuồng chân” sau 2 năm du lịch đóng băng vì Covid-19. Thậm chí, vào thời điểm cơn bão Noru tiến vào đất liền, mặc kệ những dự đoán khủng khiếp về cường độ cơn bão, một số du khách nước ngoài vẫn quyết tâm quay lại Hội An để “động viên bà con chống bão”, theo lời một chủ tiệm gốm tại làng nghề Thanh Hà kể với phóng viên.

Sứ mệnh của Hội An là làm du lịch một cách tốt hơn, tốt hơn nữa!
Ông Nguyễn Sơn Thủy
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lich Quảng Nam.

Định vị thành công một thương hiệu du lịch hàng đầu, tuy nhiên, đối với Hội An, du lịch không chỉ là cơ hội mà còn là sứ mệnh. Theo ông Thủy, trong bối cảnh mới, với những xu thế mới, để đảm bảo duy trì sinh kế cho người dân, Hội An bắt buộc phải “làm du lịch một cách tốt hơn, tốt hơn nữa”

Mặt khác, với vai trò là một điểm đến hàng đầu, một “con gà đẻ trứng vàng” của du lịch Việt Nam, Hội An cũng gánh trên vai sứ mệnh dẫn dắt sự chuyển đổi cho ngành du lịch. Nhiều địa phương khác đang nhìn vào Hội An như một “tấm gương” của du lịch bền vững và có thể sẽ xảy ra thật nhiều hệ lụy nếu tấm gương đó có một chút lơi là, sa sút.

Xu thế du lịch bền vững được định hình một cách rõ nét, đặc biệt kể từ sau những tác động khủng khiếp do Covid-19 gây ra, cũng như những thách thức về biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu. Đó cũng là lựa chọn duy nhất của Hội An để duy trì và phát triển thương hiệu du lịch mang tầm thế giới.

Sứ mệnh của Hội An 4
Ly tre đựng nước Mót, đặc sản phố cổ Hội An

Sự chuyển đổi bền vững đang diễn ra từng ngày ở Hội An. Là những khách sạn hạng sang đang ngừng sử dụng túi nylon, những hàng quán phố cổ bỏ dần những chiếc ly dùng một lần hay những homestay nhỏ khuyến khích du khách dùng xe đạp, xe điện thay vì gọi taxi.

Ông Sơn cho biết, nhiều dự án, chương trình thí điểm hướng tới du lịch xanh, lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn đang được triển khai tại Hội An. Mỗi chương trình thí điểm dù có quy mô nhỏ nhưng cũng được chính quyền thành phố cùng các bên liên quan thực hiện một cách nghiêm túc và bài bản. Nhờ đó, nhiều chương trình, dự án, đơn cử như phong trào nói không với túi nylon tại Cù Lao Chàm, đã duy trì được hơn 10 năm, trở thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước trong phong trào chống rác thải nhựa.

Đặc biệt, trong những chương trình này, hầu như không có sự áp đặt, giao trách nhiệm lên người dân hay doanh nghiệp. Chuyển đổi du lịch bền vững mang tính tự nguyện, xuất phát từ tình yêu, sự gắn kết của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Hội An, do đó sẽ diễn ra từ từ, chậm rãi, nhưng là sự chuyển đổi không thể nào đảo ngược.