Chìa khóa cho năng suất và thịnh vượng

Lê Duy Bình - Phạm Tiến Dzũng - Phạm Minh Tuyết - 08:00, 07/02/2019

TheLEADERHiện tượng “ba nền kinh tế trong một nền kinh tế” như hiện nay rõ ràng không có lợi cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và của khu vực kinh tế tư nhân; trong khi đó Chính phủ vẫn chưa có chính sách hoặc biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Chìa khóa cho năng suất và thịnh vượng
Khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Dấu ấn ba thập niên

Năm 2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một điểm mốc quan trọng do trong quá khứ, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã phải trải qua một quá trình phát triển nhiều sóng gió.

Trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đã không được chính thức công nhận. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, kinh tế tư nhân vẫn tồn tại, lấp đầy những khoảng trống mà khu vực nhà nước còn để lại. Năm 1986, với chính sách “Đổi mới” đã được ban hành, khu vực kinh tế tư nhân đã được chính thức công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế nhiều thành phần.

Luật Doanh nghiệp được ban hành vào năm 1999 đã dẫn đến sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam. Từ đó đến nay, môi trường chính sách và pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân đã liên tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký gia tăng mạnh mẽ, phản ánh cả quá trình chính thức hóa hộ kinh doanh cũng như sự thành lập các doanh nghiệp mới.

Sự mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam song hành với sự giảm bớt về số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và với sự tăng trưởng chậm chạp của khu vực hợp tác xã (kinh tế tập thể). Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế này; đóng góp lớn vào việc hình thành tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Chìa khóa cho năng suất và thịnh vượng

Trong những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm 38,6% GDP năm 2016 (trong đó khu vực doanh nghiệp đăng ký chính thức chiếm 8,2%, khu vực hộ kinh doanh chiếm 30,43%); khu vực tư nhân nước ngoài (FDI) đóng góp 18,95% vào GDP. Khu vực tư nhân đóng góp chính cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống , tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Nếu không tính khu vực hộ kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 3,35 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2010-2015, tức là trung bình 557.000 việc làm mới mỗi năm.

Các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khu vực DNNN về phương diện tạo thu nhập cho người lao động và khoảng cách này ngày một nới rộng hơn. Việc làm do các doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra đã giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng của phạm vi che phủ của các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 39 tỷ USD vào ngân sách nhà nước vào năm 2016, chiếm 79,8% tổng thu ngân sách. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 11,9% năm 2010 lên 14,3% năm 2016, tức là từ khoảng 3 tỷ USD đến 7 tỷ USD mỗi năm tính theo giá trị tuyệt đối.

Chìa khóa cho năng suất và thịnh vượng 1

Đặc biệt là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần đáng kể vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua cơ hội việc làm và nguồn thu nhập. Trong năm 2015, phụ nữ chiếm 46% số việc làm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 25% doanh nghiệp ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ hoặc được lãnh đạo bởi phụ nữ, cao hơn so với mức trung bình ở Nam Á là 8%. Khoảng 5% trong số các tổng giám đốc, giám đốc điều hành của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là phụ nữ. Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân đã thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân nữ.

Những trở ngại từ nội tại

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân là một vấn đề đáng lưu tâm. Hiện trạng về năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế.

Việt Nam đang đối diện với yêu cầu cấp bách phải tăng năng suất để duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hạn; trong đó khu vực kinh tế tư nhân, một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, cần có vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng năng suất trong những thập kỷ tới.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần đáng kể vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là thông qua cơ hội việc làm và nguồn thu nhập.

Tình trạng năng suất thấp và tốc độ tăng năng suất thấp của nền kinh tế có liên quan tới thực trạng phần lớn các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Hiện tượng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa”, tức là tình trạng các doanh nghiệp có quy mô trung bình có số lượng rất ít ỏi, là một điều đáng quan ngại. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ khá chậm.

Chìa khóa cho năng suất và thịnh vượng 2

Khoảng cách để trở thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ và sáng tạo là còn khá xa đối với Việt Nam. Năng lực về đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá là có nhiều hạn chế và khu vực tư nhân vẫn chưa được khuyến khích để đóng một vai trò mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện tình hình. Số lượng các tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc khu vực tư nhân ở Việt Nam còn hạn chế. Theo Bộ Khoa học và công nghệ, tính đến cuối năm 2016 chỉ có khoảng 300 công ty được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển nói chung có chất lượng kém và kinh phí cho nghiên cứu và phát triển thường khan hiếm và ít ỏi. Giáo trình và nội dung chương trình STEM nhằm hỗ trợ đổi mới, sáng tạo còn lạc hậu, chậm được đổi mới để bắt kịp với yêu cầu. Việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ thông tin, trong kinh doanh nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ vẫn chưa được khai thác triệt để.

Bên cạnh đó, luật và các quy định về sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện hiệu quả, dẫn đến tình trạng vi phạm phổ biến về quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và bản quyền. Sự vi phạm phổ biến quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương hiệu làm giảm sự quan tâm, mong muốn và động lực đổi mới, sáng tạo của người dân nói chung và của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói riêng.

Tiếp tục các cải cách căn cơ

Khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực của phát triển kinh tế, đang đứng trước nhiều cơ hội, triển vọng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện để các cơ hội thực sự trở thành hiện thực, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực này.

Đó là, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn doanh nghiệp trong những năm sắp tới, trọng tâm chính sách của Chính phủ cần nhấn mạnh vào các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng, đó là năng suất tại cấp độ doanh nghiệp, quy mô của doanh nghiệp, trình độ công nghệ được ứng dụng, trình độ sáng tạo, hiệu quả hoạt động tài chính, và khả năng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần có chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong nội bộ khu vực doanh nghiệp, cần có các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy quá trình tái phân bổ nguồn lực giữa những khu vực doanh nghiệp có khả năng sử dụng nguồn lực (vốn, lao động, đất đai) hiệu quả hơn.

Chính sách phát triển doanh nghiệp cần ưu tiên vào việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong việc ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ. Cùng với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự tăng trưởng của khu vực tư nhân cần phải được dẫn dắt bởi các hoạt động sáng tạo, phải được hướng tới mục tiêu năng suất cao hơn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh vững chắc trong những thập niên sắp tới.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng cần được chuẩn bị tốt hơn cho thực trạng già hóa dân số, về việc thời kỳ “dân số vàng” sẽ sớm trôi qua và chi phí lao động ngày một tăng.

Chính phủ đang ngày càng trở nên thuần thục hơn trong vai trò “kiến tạo” và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ở cấp độ địa phương, chính quyền nhiều tỉnh đã trở nên tích cực hơn trong các nỗ lực và sáng kiến nhằm phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng một khi Chính phủ cùng tất cả các bộ ngành, tỉnh thành trong cả nước đều có chung một quyết tâm và thực thi cải cách như vậy, kết quả sẽ là lớn hơn rất nhiều. Thực tế đã cho thấy, cải cách thường diễn ra nhanh nhất, quyết liệt nhất tại các tỉnh nơi chính quyền địa phương hiểu rõ và sâu sắc những vấn đề mà khu vực kinh tế tư nhân đang gặp phải và sẵn sàng hành động nhằm đáp ứng yêu cầu và giải quyết các vấn đề mà họ đang vướng.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc san Dấu ấn & Khát vọng